Kỷ niệm 60 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh: Trải nghiệm trên con đường di sản
(LSO) – Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã nghe nói đến đường Trường Sơn Tây với những khúc ca về người lái xe và có một niềm mơ ước lớn là được đi trên con đường này… Thế mà mãi hơn 50 năm sau, khi tóc đã ngả màu sương, chúng tôi mới có dịp ngồi trước vô lăng để lăn bánh trên con đường huyền thoại này đúng vào những ngày tháng Năm lịch sử.
“ Trường Sơn, Đông nắng Tây mưa
Ai chưa đến đó như chưa rõ mình
( Tố Hữu)
Rời quê Bác Làng Sen (Nam Đàn), vượt qua sông Lam, theo con đường 15 qua các địa danh lịch sử như: Linh Cảm, Đồng Lộc… chúng tôi bắt vào đường Hồ Chí Minh. Đường chưa thật lớn, nhưng êm thuận qua thị trấn Hương Khê (Hà Tĩnh) chếch dần về phía Tây. Càng về trưa, đất Quảng Bình với những đồi cây xanh mướt phủ lên những trang trại càng làm cho cái nắng tháng 5 miền Trung thêm chói chang. Vượt qua đèo Đá Đẽo, chúng tôi đi vào khu vực Khe Gát – nơi có những câu chuyện lịch sử thời chống Mỹ mà nghe như thần thoại: sân bay dã chiến Khe Gát với chiều dài thung lũng khoảng 1 cây số, bề ngang chưa đầy trăm mét, là nơi những con én bạc của không quân nhân dân Việt Nam xuất phát ra biển đánh Hạm đội 7 Mỹ.
Đoàn xe vận tải hùng hậu của Quân đội Nhân dân Việt Nam trong chiến dịch Hồ Chí Minh 1975 trên đường Trường Sơn, chiến dịch cuối cùng thống nhất hai miền Nam – Bắc. Ảnh: TƯ LIỆU
Đường Hồ Chí Minh nhánh Đông và Tây được chia nhánh tại khu bia kỷ niệm chiến thắng Khe Gát. Thung lũng Phong Nha, đất nhô núi, được núi xanh dịu hắt xuống, dòng sông như có màu tím. Vượt qua gần 20 km trong thung lũng xanh, gặp đường 20 Quyết Thắng cắt ngang nối con đường Trường Sơn Đông đến hang Tám cô gái thanh niên xung phong. Dừng chân thắp nén hương thơm nơi tấm bia ngã tư lịch sử, tôi đến thăm cầu Trạ Ang – địa danh gắn liền với khúc ca bi tráng “máu và xăng” thời chống Mỹ. Tại trọng điểm này, vào thời kỳ ác liệt, để vận chuyển được 30 phi xăng vượt ngầm, đã có 29 chiến sĩ vận tải của đội 81 thanh niên xung phong Thái Bình hy sinh.
Trường Sơn Tây địa phận Quảng Bình, đi trong lòng di sản mà cứ ngỡ như chui vào tận nơi thâm sơn cùng cốc. Dốc và cua, cây và rừng, ánh mặt trời giữa trưa những đốm nắng chen qua kẽ lá tỏa xuống khiến ta có cảm tưởng như đường đang nở hoa qua từng vết xe lăn. Cua gắt, dốc đứng, chiếc xe con đơn độc giữa sâu thẳm rừng già lúc “hếch mũi” lên “ ngửi” trời, lúc chúi đầu như xuống địa ngục. Qua thung lũng sâu, xe chúng tôi dạt vào bãi cỏ đỉnh đèo, tiếng động khiến từng đàn bướm trắng, xanh, vàng từ đường bay lên như người ta tung những nắm hoa rừng đa màu sắc. Hé cửa bước ra lại phải đóng ngay vì bướm bay vào trong xe, người bạn đồng hành với tôi khe khẽ hát “nước khe cạn, bướm bay lèn đá…” và nói rằng: đúng là bướm Trường Sơn, bướm rừng già thân thiện đón chào những “người bạn” không mời đến quấy rầy vương quốc của chúng.
Thiếu nhi tham quan bảo tàng Sân bay Tà Cơn ven đường Hồ Chí Minh Tây
Đường vắng quá, thỉnh thoảng mới gặp người tuần đường với con dao, cái câu liêm trong tay. Thấy chốt kiểm lâm, tạt xe vào, chẳng xin nước uống, cũng chẳng phải hỏi thăm… đơn giản là nhìn thấy nhà, được nói chuyện với người cho đỡ… cô đơn. Chốt kiểm lâm trên dốc U Bò chỉ có vài người ở nhà. Ở đây nuôi rất nhiều chó, toàn loại chó nhách, thấy người lạ chúng xô ra cắn sủa như chưa bao giờ được “xả hơi”. Sau những câu chuyện xã giao và biết lý do chuyến đi của chúng tôi, anh cán bộ kiểm lâm trẻ măng cảnh báo: “Xe chú có tốt không, xăng có đầy không? Nếu cảm thấy khó quá thì khi gặp ngã ba, chú rẽ trái là xuống đường Trường Sơn Đông dễ đi hơn nhiều. Nói vậy, đường rẽ xuống cũng hiểm lắm đấy”. Đỉnh U Bò với độ cao trên 1.000 m, tuy chưa được gọi là đỉnh Trường Sơn, song cũng có thể phóng tầm mắt xuống phía Đông. Xa xa, thành phố Đồng Hới như cánh buồm no gió giữa xanh biếc trời biển…
Trường Sơn Tây cứ ngược sông Long Đại nối các núi của dãy Trường Sơn, dốc và cua, triền sông và vách đá. Hoang vắng trong đại ngàn những cây cổ thụ với những giò hoa phong lan thõng xuống. Vẫn biết Trường Sơn Tây dài hàng ngàn cây số chủ yếu qua đất bạn Lào, Campuchia, con đường này mới được nắn thảm bê tông, trở thành “con đường di sản” từ năm 2000; song vẫn thầm nghĩ không biết tháng 5/1959, ông Võ Bẩm (Thiếu tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam – Người có công lớn mở đường Trường Sơn trên bộ) xuất phát từ đâu, có phải ông đặt những cái tên, những trạm giao liên giữa rừng già mà bây giờ trở thành địa danh trên thênh thang đường mới như: U Bò, Tăng Ký, Làng Ho, Cha Lý, Sa Mù… Đất Quảng Trị, loại đất đỏ ba Zan màu mỡ tây Trường Sơn đã bao đời đồng hành với bước chân lang thang của đồng bào Vân Kiều, Kơtu Bắc Hướng Hóa. Nhưng những rẫy sắn, cà phê, những thung lúa vàng xen với các cầu qua sông, dòng nước trong veo những con kênh nhỏ dẫn vào từng thửa ruộng là kết quả của những chiếc “cần câu” mà Đảng, Nhà nước đã và đang tạo ra cho họ.
Đường Hồ Chí Minh Tây đoạn gần thị trấn Khe Sanh
Sa Mù – con đèo hiểm nhất Trường Sơn Tây đoạn Quảng Bình – Khe Sanh quanh co vắng lặng trong sương mù và màn đêm. Đèn xe được bật lên, cứ chậm rãi lấy những dải sơn phản quang hộ lan để phân biệt đường, núi và vực sâu xuyên bóng đêm vượt đèo mà tiến. Dừng lại đôi chút nơi đỉnh đèo để định thần mà xuống dốc… Màn đêm tĩnh mịch. Đâu đó tiếng hú gọi bầy của lũ vượn, tiếng ếch nhái ra rả nơi đỉnh đèo vắng hoang dã đến rùng mình. Dưới đèo, thị tứ Hướng Phùng (cách Khe Sanh 30 km) hiện ra le lói ánh điện.
Buổi sáng trên đất Hướng Hóa, đường Hồ Chí Minh Tây như dải lụa mềm xuyên dọc khu cao nguyên đất đỏ; qua Khe Sanh, nhập vào đường số 9 rồi lại rẽ sang phía Tây qua cầu ĐăkRông để vào Trị Thiên Huế… Cùng anh cán bộ phụ trách bảo tàng sân bay Tà Cơn nhâm nhi ly cà phê thơm đất Hướng Hóa giữa khu trưng bày máy bay, xe tăng và thiết bị quân sự ta thu được của địch trong chiến thắng Đường 9 – Khe Sanh năm 1968, tôi kể anh nghe về chuyến đi ngắn vừa qua, anh nói: “Như vậy là anh đã bước vào “khúc dạo đầu” của con đường huyền thoại – con đường mà cha ông ta đã mất gần 15 ngàn ngày để đi và xây dựng nên nó. Anh vào bằng xe ô tô du lịch, nhưng đã có hàng vạn bước chân, hàng ngàn bánh xe lăn trong suốt trường kỳ kháng chiến”. Tôi hiểu rằng, trên 200 cây số từ hậu cứ Phong Nha đến cứ điểm Khe Sanh này – đoạn đường chẳng xa so với phương tiện lưu thông bây giờ, lại càng ngắn so với hàng vạn cây số đường Trường Sơn chằng chịt như mạng nhện giữa đại ngàn Trường Sơn được trải bằng xương thịt, tưới bằng máu đào của bao thế hệ, lập nên kỳ tích của thế giới văn minh giữa thế kỷ 20. Không có đường Trường Sơn sẽ không có chiến thắng Tà Cơn – Khe Sanh; sẽ không có chiến thắng Tây Nguyên và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, để hôm nay lớp chúng ta bon bon trên con đường lớn Trường Sơn – con đường của lịch sử, đường di sản đất Việt và con đường của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Ý kiến ()