Nói về Đại hội Đảng toàn quốc lần II cũng như các Đại hội Đảng tiếp theo, không thể tách khỏi điểm xuất phát chỉ đạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từ những ngày đầu thành lập Đảng. Ngày 3-2-1930 tại Cửu Long gần Hương Cảng (Trung Quốc), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc được ủy nhiệm của Quốc tế Cộng sản đã chủ trì hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, mở đầu trang sử quan trọng của cách mạng ba nước Đông Dương. Nhưng trong điều kiện phức tạp thời đó, phải năm năm sau vào tháng 3-1935, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ I mới được chính thức triệu tập tại một địa điểm thuộc Ma Cao (Trung Quốc) và đổi tên thành Đảng Cộng sản Đông Dương. Dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng Cộng sản, đứng đầu là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, nhân dân ta đã đoàn kết, hy sinh chiến đấu với kẻ thù tàn ác đi tới thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, lật đổ ách thống trị của chế độ phong kiến, song ngay lập tức lại phải đứng lên kháng chiến trường kỳ chống lại thực...
Nói về Đại hội Đảng toàn quốc lần II cũng như các Đại hội Đảng tiếp theo, không thể tách khỏi điểm xuất phát chỉ đạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từ những ngày đầu thành lập Đảng.
Ngày 3-2-1930 tại Cửu Long gần Hương Cảng (Trung Quốc), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc được ủy nhiệm của Quốc tế Cộng sản đã chủ trì hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, mở đầu trang sử quan trọng của cách mạng ba nước Đông Dương. Nhưng trong điều kiện phức tạp thời đó, phải năm năm sau vào tháng 3-1935, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ I mới được chính thức triệu tập tại một địa điểm thuộc Ma Cao (Trung Quốc) và đổi tên thành Đảng Cộng sản Đông Dương. Dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng Cộng sản, đứng đầu là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, nhân dân ta đã đoàn kết, hy sinh chiến đấu với kẻ thù tàn ác đi tới thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, lật đổ ách thống trị của chế độ phong kiến, song ngay lập tức lại phải đứng lên kháng chiến trường kỳ chống lại thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Thắng lợi lớn ban đầu của kháng chiến (cuối năm 1950) giải phóng các tỉnh biên giới phía bắc, phá thế bao vây của địch, thời cơ mới đã mở ra đòi hỏi sự tăng cường lãnh đạo của Đảng phù hợp thực tế khách quan đang đặt ra và điều kiện tiến hành Đại hội Đảng lần thứ II đã chín muồi.
Đầu xuân Kỷ Mão (1951) Bác Hồ đã có thơ tặng đồng bào cả nước:
'Xuân này kháng chiến đã năm xuân
Nhiều xuân thắng lợi càng gần thành công
Toàn dân hăng hái một lòng
Thi đua chuẩn bị tổng phản công kịp thời'.
Vào thời điểm bước ngoặt lịch sử quan trọng đó, đầu năm 1951, dưới sự lãnh đạo của Bác Hồ, Trung ương Đảng đã quyết định khẩn trương triệu tập Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II tại trung tâm căn cứ địa kháng chiến tại Việt Bắc. Đồng thời là Đại hội Đảng toàn quốc lần đầu được tổ chức ở trong nước với quy mô lớn chưa từng thấy trước đó. Mặc dầu khi đó chiến tranh cứu nước đang diễn ra ác liệt, thế mà có 158 đại biểu chính thức, 53 đại biểu dự khuyết thay mặt cho toàn Đảng đã vượt qua mọi khó khăn trở ngại về dự Đại hội. Các đại biểu đều phấn khởi được gặp các đồng chí mới, cũ từ khắp các chiến trường Đông Dương về hội tụ để nhận nhiệm vụ trọng đại của lịch sử, của Đảng. Nhiều đồng chí lần đầu tiên có được vinh dự dự Đại hội dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bác Hồ.
Những ngày này Bác hoạt động như không biết mệt mỏi, chỉ đạo sâu sát từ việc lớn đến việc nhỏ về mọi mặt. Bác thật sự là linh hồn của Đại hội. Đó là nhân tố quyết định thành công rực rỡ của sự kiện chính trị trọng đại này của dân tộc.
Trước Đại hội một tháng, Bác Hồ và Thường vụ Trung ương Đảng đã tiến hành nhiều cuộc họp quan trọng ở bản Pèo, xã Khuổi Trang, huyện Chợ Đồn, Bắc Cạn, và tại làng Mạ, xã Kiên Quyết (nay là Kiên Đài), huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang để chuẩn bị mọi mặt, từ văn kiện, nhân sự đến tổ chức Đại hội. Hai ngày trước khi khai mạc Đại hội, Bác Hồ đã đến địa điểm họp. Người trực tiếp quan tâm kiểm tra và tổ chức xem xét bếp ăn đến nhà nghỉ của đại biểu, hội trường, đài tưởng niệm liệt sĩ. Người đã gặp riêng anh chị em phục vụ hậu cần và thăm hỏi gia đình họ. Bộ phận này do đồng chí Lê Tất Đắc phụ trách (sau này đồng chí là Thứ trưởng Bộ Nội vụ). Bác cũng gặp lực lượng vũ trang bảo vệ Đại hội để căn dặn thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, góp phần thành công cho Đại hội.
Tại các phiên họp Đại hội, Bác Hồ cùng các đồng chí Thường vụ T.Ư Đảng chủ trì trong không khí trang nghiêm, biểu thị quyết tâm cao của những người cộng sản trước vận mệnh sống còn của quốc gia, dân tộc. Bác Hồ còn tham gia dự thảo luận ở các đoàn. Ở đâu Người cũng nhấn mạnh với các đại biểu về hai nhiệm vụ quan trọng lúc này là phải quyết tâm kháng chiến thành công và Đảng ra công khai lấy tên là Đảng Lao động Việt Nam. Người nhấn mạnh Đảng đổi tên nhưng bản chất không thay đổi, phải tiếp tục phát huy truyền thống Đảng Cộng sản trong điều kiện mới. Báo cáo Chính trị do Hồ Chủ tịch trình bày trước Đại hội có đoạn như sau: 'Chúng ta phải có một Đảng công khai, tổ chức hợp với tình hình thế giới và tình hình trong nước để lãnh đạo toàn dân đấu tranh đến thắng lợi, Đảng đó lấy tên Đảng Lao động Việt Nam'.
'Mục đích trước mắt, Đảng Lao động Việt Nam đoàn kết và lãnh đạo toàn dân kháng chiến cho đến thắng lợi hoàn toàn, tranh lại thống nhất và độc lập hoàn toàn, lãnh đạo toàn dân thực hiện dân chủ mới, xây dựng điều kiện để tiến lên chủ nghĩa xã hội'.
Ngoài giờ họp chính thức, Bác Hồ có chương trình thăm hỏi động viên từng đoàn đại biểu, đặc biệt là đoàn đại biểu Nam Bộ, Lào, Cam-pu-chia. Bác như có sức hấp dẫn kỳ diệu, người đi đến đâu là ở đó có tiếng cười rộn ràng, giữa Người và các đại biểu không có sự ngăn cách tình cảm, Bác không phân biệt tuổi tác. Khi tạm biệt mọi người đều tỏ luyến tiếc vỗ tay không ngớt, lúc chụp ảnh ai cũng muốn ngồi gần Bác. Bác thường ưu tiên cho nữ. Đoàn Nam Bộ có ba nghệ sĩ tháp tùng (họa sĩ Diệp Minh Châu, họa sĩ Nguyễn Minh Hiền, nhiếp ảnh kiêm quay phim Nguyễn Thế Đoàn) được Bác đặc cách cho phép theo về cơ quan tại Khâu Lấu, Tân Trào ba tháng sau Đại hội để sáng tác theo yêu cầu của đồng bào miền nam.
Bác Hồ rất quan tâm đến hoạt động văn nghệ phục vụ Đại hội. Người đã nhiều lần tham gia múa tập thể 'Son lá son' rất sôi nổi hào hứng cùng các đại biểu. Các nhà quay phim, nhiếp ảnh chớp thời cơ hiếm có để ghi hình các hoạt động quan trọng của Đại hội từ khai mạc đến bế mạc, đặc biệt là các hình ảnh về Bác Hồ. Nay Bảo tàng Hồ Chí Minh là nơi lưu giữ nhiều nhất các tư liệu quý về Bác Hồ ở Đại hội II. Tôi rất xúc động khi xem lại ảnh Bác Hồ chụp chung với các đồng chí lãnh đạo Đảng trước hội trường. Trong số đó nay duy nhất chỉ còn lại đồng chí Nguyễn Văn Trân đã 95 tuổi, sau khi nhận được ảnh này, đồng chí đã cho phóng to cỡ 70×80 cm treo trang trọng tại phòng riêng ở Hà Nội.
Là cán bộ được tháp tùng Bác Hồ tại Đại hội, tôi xin ghi lại đôi dòng theo hồi ức để bày tỏ nhiệt liệt hoan nghênh Kỷ niệm 60 năm sự kiện lịch sử trọng đại đang diễn ra ở Tuyên Quang và nhiều nơi trong cả nước. Mong rằng Tư tưởng Hồ Chí Minh cùng các bài học tại Đại hội II sẽ được nghiên cứu nâng cao để vận dụng vào thực tiễn hiện nay mà Đại hội Đảng lần thứ XI là sự nối tiếp lịch sử đang hướng về mục tiêu 'dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh'.
Theo Nhandan
Ý kiến ()