Tối 22-10, tại Nhà hát Lớn TP Hà Nội, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam (KHLSVN) tổ chức lễ kỷ niệm 45 năm thành lập, đón nhận Huân chương Lao động hạng nhất và công bố thành lập Quỹ Phát triển Sử học Việt Nam.
Tới dự, có các đồng chí: Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư; Trương Tấn Sang, Chủ tịch nước; Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Nguyễn Khánh, nguyên Bí thư T.Ư Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch danh dự Hội Di sản Văn hóa Việt Nam; các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng: Nguyễn Thiện Nhân, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chủ tịch danh dự Hội KHLSVN gửi lẵng hoa chúc mừng.
Trong diễn văn khai mạc, Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội KHLSVN đã điểm lại những thành tựu nổi bật trên suốt chặng đường dài hoạt động gần nửa thế kỷ của Hội. Thành lập từ năm 1966, là một trong những hội khoa học ra đời sớm nhất, Hội KHLSVN đã có nhiều đóng góp vào sự nghiệp phát triển của nền sử học nước nhà và hiện có hơn bốn nghìn hội viên sinh hoạt tại 51 hội thành viên. Hội đã tổ chức nghiên cứu, biên soạn nhiều công trình chuyên đề và những bộ lịch sử Việt Nam xứng đáng với nội dung và bề dày của lịch sử dân tộc. Những nghiên cứu của Hội đã cung cấp luận chứng cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong hoạch định đường lối phát triển kinh tế – xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Hội đang tiến hành biên soạn một bộ Lịch sử Việt Nam khoảng 25 tập trên cơ sở tập hợp lực lượng và trí tuệ của giới sử học cả nước.
Thay mặt Đảng và Nhà nước, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu ý kiến nhiệt liệt chúc mừng và biểu dương những thành tích của Hội với những đóng góp lớn vào sự nghiệp phát triển đất nước và nền sử học nước nhà. Hội đã thật sự là nơi tập hợp rộng rãi những nhà khoa học công tác trên lĩnh vực của khoa học lịch sử và những ngành khoa học liên quan. Hoạt động phong phú của Hội đã góp phần nâng cao nhận thức về tiến trình lịch sử trên quan điểm duy vật, phổ biến kiến thức lịch sử, đẩy mạnh công tác giáo dục truyền thống cách mạng, bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa dân tộc, tham gia tích cực vào công cuộc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Hội cũng đã làm tốt việc tham gia hoạt động khoa học với nhiều công trình, dự án liên quan đến sử học, làm tốt công tác đối ngoại, thiết lập và mở rộng quan hệ giao lưu với giới sử học quốc tế.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh: Sử học là nền tảng, có vai trò và ý nghĩa to lớn đối với đất nước, đặc biệt là trong giáo dục truyền thống, xây dựng, bồi đắp chủ nghĩa yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tình yêu đối với quê hương, những giá trị tốt đẹp mà các thế hệ cha ông chúng ta đã tạo dựng nên. Đây là những yếu tố làm nên cốt cách, bản lĩnh con người Việt Nam, là nền tảng cơ bản và động lực to lớn cho sự phát triển trường tồn của đất nước. Trước yêu cầu phát triển mới của đất nước, Hội KHLSVN cần hoàn thành sứ mệnh cao cả, thực hiện tốt việc tư vấn, phản biện, giám định, cung cấp tư liệu lịch sử, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đáp ứng mong đợi của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Cũng tại buổi lễ, Hội KHLSVN đã công bố thành lập và ra mắt Quỹ Phát triển Sử học Việt Nam. Đây là quỹ quốc gia đầu tiên do Hội KHLSVN và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sáng lập, mang tính chất xã hội hóa, được thành lập theo quyết định của Bộ Nội vụ ngày 23-9-2011 vừa qua. Quỹ đã nhận được sự quan tâm của nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Hoạt động của Quỹ nhằm góp phần đào tạo nhân tài sử học cho đất nước, thúc đẩy sự phát triển của nền sử học Việt Nam.
Lễ kỷ niệm khép lại với một chương trình nghệ thuật chào mừng đặc sắc mang tên gọi “Sóng vọng Biển Đông” nhằm khơi dậy niềm tự hào và ý thức trách nhiệm công dân của mỗi người Việt Nam đối với lịch sử dân tộc.
Ý kiến ()