Kỷ niệm 38 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975/30-4-2013): Lễ thượng cờ giữa trời độc lập
Gần 6 giờ sáng, từng dòng người tụ hội về Quảng trường Ba Đình, xếp hàng ngay ngắn, hướng về Lăng; các hoạt động thể dục thể thao bên Lăng cũng tạm ngừng, dành không gian trang nghiêm cho một nghi thức vô cùng thiêng liêng sắp diễn ra: Chào cờ trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh…
34 chiến sĩ Đoàn 275 – tượng trưng cho 34 chiến sĩ đầu tiên của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân tiến ra khu vực lễ đài. |
Đúng 6 giờ sáng, Quốc ca cử lên hùng tráng, giữa gió lộng Ba Đình. Quốc kỳ được người chiến sĩ Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, với động tác dứt khoát và đẹp mắt tung lên và từ từ kéo lên, tung bay trong gió sớm.
Phía dưới Quốc kỳ, bao ánh mắt của những người con đất Việt ngước lên, bồi hồi xúc động, khôn xiết tự hào. Bởi, còn gì thiêng liêng hơn khi được chào cờ tại nơi yên nghỉ vĩnh hằng của Bác Hồ kính yêu; và còn gì thiêng liêng hơn khi được để nhịp đập con tim hòa vào nền nhạc Quốc ca hào hùng giữa nơi cách đây gần 68 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng tuyên bố với quốc dân, đồng bào về một nước Việt Nam tự do, độc lập.
Sau lễ chào cờ, những người con từ miền Nam ra thăm Lăng Bác vẫn lặng người trong xúc động, như để được kéo dài thêm cảm xúc thiêng liêng đang trỗi dậy trong lòng…
Mắt rưng rưng lệ, bác Nguyễn Thị Thu Hương, người con của “Đất thép thành đồng” Củ Chi, hôm nay ra thăm Lăng Bác, xúc động sẻ chia: “Từng là du kích miền Nam tham gia đánh Mỹ giải phóng quê hương, sáng nay được chào cờ bên Lăng Bác, tôi thấm thía hơn hai tiếng hòa bình. Nhìn cờ đỏ cuộn bay bên Lăng của Người, tôi lại nhớ lời Người động viên đồng bào, chiến sĩ miền Nam khi chúng tôi bám đất, bám rừng đánh giặc”.
Lần đầu tiên trong đời được về bên Lăng Bác, sư thầy Thích Huệ Hạnh, ở Tu viện Từ Bi, xã Túc Trưng (huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) bồi hồi: “Thật tự hào khi được chào cờ ở nơi tôn nghiêm như thế này. Tôi sẽ có thêm nhiều câu chuyện để chia sẻ với bà con và phật tử trong bổn đạo, để mọi người thêm tự hào về dân tộc mình và cùng quyết tâm học tập, đoàn kết, làm theo những lời Bác dạy để xây dựng nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh”.
Tính đến năm 2013 này, đã 12 năm nghi thức chào cờ trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được thực hiện đều đặn mỗi ngày, bất kể nắng, mưa. Đại tá Nguyễn Trọng Khánh, Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tâm sự: “Ý tưởng về một nghi lễ thắp sáng Quốc kỳ trên quảng trường lịch sử này do Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đề xuất và được Chính phủ phê duyệt vào đúng dịp kỷ niệm 111 năm ngày sinh Bác Hồ. Đoàn 275, Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được giao nhiệm vụ quan trọng này. 12 năm qua, không phụ thuộc vào thời tiết, cứ 6 giờ sáng mùa hè và 6 giờ 30 phút mùa đông, chúng tôi lại thực hiện nghi lễ chào cờ, và 21 giờ thực hiện nghi lễ hạ cờ”.
Như vậy, kể từ ngày 19-5-2001, lễ thượng cờ, hạ cờ trên Quảng trường Ba Đình đã trở thành một nghi lễ cấp quốc gia được thực hiện đều đặn và trang trọng. Nghi lễ đã dần đi vào tâm thức của người dân Thủ đô Hà Nội cũng như đồng bào cả nước.
Quốc kỳ dần được kéo lên trước sự dõi theo của nhiều người dân.
Mới nhập ngũ được 8 tháng, nhưng đã vinh dự nhiều lần tham gia thượng cờ và hạ cờ, chiến sĩ Nguyễn Hữu Tuấn, Đoàn 275 tự hào cho biết: “Cảm xúc bồi hồi, xúc động trong lần đầu tiên tham gia thượng cờ vẫn đọng trong trong tôi, bởi hàng nghìn đồng bào xung quanh Quảng trường theo dõi từng bước chân, động tác của mình khi thực hiện nghi thức đặc biệt này. Và quan trọng hơn, chúng tôi hiểu nghi thức này sẽ nhân lên trong trái tim đồng bào tình yêu Tổ quốc và lòng biết ơn, kính trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Thời gian dẫu có qua đi, song Tuấn tin có một kỷ niệm sẽ đi theo anh mãi mãi. Tuấn nhớ lại, vào một tối trời mưa rất to, cả khối vẫn tổ chức thực hiện nhiệm vụ hạ cờ. Khi tiến bước theo nhịp điệu hùng tráng của hành khúc “Tiến bước dưới Quân kỳ” ra Quảng trường, anh thực sự xúc động khi thấy rất nhiều bà con che ô, mặc áo mưa dõi theo đội hình của mình. Những hình ảnh ấy khiến anh càng ý thức sâu sắc hơn niềm vinh dự, tự hào và sự thiêng liêng về nhiệm vụ mà mình đang thực hiện.
“Chúng tôi là những người được ở gần Bác hằng ngày, vậy nên khi xa nơi đây hẳn sẽ rất nhớ. Do đó, chúng tôi càng quyết tâm rèn luyện, sẵn sàng hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao và lập nhiều thành tích kính dâng lên Bác”, Nguyễn Hữu Tuấn chia sẻ.
Để nghi thức chào cờ tại Quảng trường Ba Đình ngày càng có ý nghĩa đối với đồng bào cả nước, cũng như du khách nước ngoài đến thăm Lăng Bác, Đại tá Nguyễn Trọng Khánh cho biết: Có nhiều việc phải làm để thực hiện tốt nghi lễ trong khu vực Lăng, đó là công việc bảo đảm an ninh nghi lễ, an toàn tuyệt đối cho người dân; công tác bảo đảm thiết bị kỹ thuật phục vụ cũng được coi trọng để không có những sai sót xảy ra, tạo nên sự trang nghiêm trong thực hiện nghi lễ; không gian cho đội thực hiện nghi lễ và đồng bào đến tham quan cũng sẽ được mở rộng hợp lý hơn.
Trong thời gian tới, Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ tập trung huấn luyện nâng cao chất lượng thực hiện nghi thức, trong đó đặc biệt chú trọng đến các động tác thượng cờ, hạ cờ để nghi thức này ngày càng trang trọng, đồng thời thể hiện được sự chính quy, tinh nhuệ của bộ đội bảo vệ Lăng và sự hùng mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Ý kiến ()