Kỷ niệm 113 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911-5/6/2024): Tiếp tục hành trình thực hiện khát vọng của Người
Ngày 5/6/1911, từ bến cảng Nhà Rồng, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã thực hiện hành trình khát vọng cứu nước, cứu dân và tìm ra con đường cách mạng đúng đắn, đưa dân tộc Việt Nam thoát cảnh lầm than, trở thành một nước tự do, độc lập, thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội. Vinh dự là nơi tiễn Người ra đi tìm đường cứu nước, Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh luôn kiên định, nỗ lực sáng tạo, tiếp tục hành trình thực hiện khát vọng xây dựng thành phố ngày càng văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ, Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định luôn đứng ở đầu sóng ngọn gió nhưng những con người nơi đây vẫn một dạ kiên trung bất khuất, góp phần quan trọng cùng toàn Đảng, toàn dân hoàn thành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước.
Xứng danh “Thành phố Anh hùng”
Vừa qua, Lễ hội Sông nước Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ hai-năm 2024 đã mở đầu bằng chương trình nghệ thuật “Chuyến tàu huyền thoại”. Trong không gian của cảng Nhà Rồng - Khánh Hội, những người làm chương trình đã kể lại câu chuyện lịch sử bằng ngôn ngữ nghệ thuật sáng tạo về một vùng đất Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định-Thành phố Hồ Chí Minh trù phú, được vun đắp từ những dòng sông. Nơi ấy lưu giữ những mạch nguồn văn hóa, tình cảm gia đình, làng xóm, quê hương; là mạch nguồn để lớp lớp người con anh dũng đi theo tiếng gọi non sông, là nơi khởi hành chuyến tàu huyền thoại đã đi vào trái tim mỗi con người Việt Nam.
Đó là câu chuyện lịch sử diễn ra vào ngày 5/6/1911, cách đây 113 năm, người thanh niên Nguyễn Tất Thành trên con tàu Amiral Latouche-Tréville đã rời bến cảng Nhà Rồng với ý chí sắt son và khát vọng tìm ra con đường giải phóng dân tộc, mong muốn đưa nước ta trở thành một nước “độc lập, tự do, hạnh phúc, dân chủ, phồn vinh, hùng cường, sánh vai với các cường quốc năm châu”. Trong không gian của một vở đại nhạc kịch, khán giả còn được chứng kiến cuộc bãi công (tháng 8/1925) đòi tăng lương, giảm giờ làm việc của hơn 1.000 công nhân xưởng Ba Son dưới sự lãnh đạo của Công hội do đồng chí Tôn Đức Thắng sáng lập. Đây là cuộc bãi công đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam có sự lãnh đạo, có tổ chức và được sự ủng hộ của toàn thể công nhân và nhân dân lao động trong thành phố.
Thực tiễn lịch sử ở Sài Gòn, trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, phong trào yêu nước đã diễn ra rất sôi nổi, của nhiều tầng lớp. Đây chính là nơi hội tụ các phong trào chống lại sự áp bức của thực dân Pháp. Theo đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định từ năm 1930 đến 1975, luôn đứng ở đầu sóng ngọn gió, giữa sào huyệt của thực dân, đế quốc, vẫn một dạ kiên trung bất khuất, cùng với miền nam “Thành đồng Tổ quốc”, “đi trước về sau” qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ mà vô cùng oanh liệt. Dựa vào dân, nhờ trí tuệ và sức mạnh lòng dân, 45 năm đấu tranh cách mạng của Đảng bộ thành phố là những trang sử sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, bản lĩnh, trí tuệ, đoàn kết, năng động, sáng tạo, góp phần quan trọng cùng toàn Đảng, toàn dân hoàn thành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước bằng những sự kiện lịch sử cụ thể.
Đảng bộ thành phố đã lãnh đạo nhân dân giành thắng lợi của cuộc khởi nghĩa ở Sài Gòn tháng 8 năm 1945 và ngay sau đó đã mở đầu cuộc kháng chiến của nhân dân Nam Bộ chống thực dân Pháp xâm lược, góp phần to lớn vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng bộ thành phố hoạt động ngay trung tâm sào huyệt của địch, nhưng kiên cường bám trụ, năng động sáng tạo, thực hiện sự phối hợp chặt chẽ phong trào đấu tranh của công nhân và các tầng lớp nhân dân ở đô thị với phong trào đấu tranh của nông dân ở vành đai và ở các tỉnh Nam Bộ, phối hợp giữa quân dân thành phố với quân chủ lực, tiến công địch liên tục về chính trị, vũ trang và binh vận, góp phần rất quan trọng vào công cuộc giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền nam.
Quán triệt sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc xây dựng căn cứ địa cách mạng, Đảng bộ thành phố đã xây dựng hệ thống các căn cứ vững chắc nhờ dựa vào nhân dân. Đảng bộ và nhân dân Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định đã xây dựng, phát triển hàng loạt căn cứ kháng chiến lớn nhỏ, căn cứ ở vùng ven, vùng lõm chính trị ở nội đô…, tiêu biểu như: Căn cứ Vườn Thơm, căn cứ Rừng Sác, và nhất là căn cứ Củ Chi nổi tiếng với hệ thống địa đạo có độ dài hàng trăm ki-lô-mét tỏa rộng trong lòng đất, là một công trình đánh giặc độc đáo và vĩ đại của Việt Nam. Thành phố còn có hàng loạt căn cứ du kích, lõm du kích ở các vùng ven đô thị và trong nội đô, các cơ sở cách mạng, hầm bí mật. Nhờ vào những căn cứ kháng chiến vững chắc như thành đồng ấy mà Đảng bộ và nhân dân Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định đã vượt qua muôn vàn khó khăn, kiên cường kháng chiến, liên tiếp giành được chiến công vang dội, để cùng cả nước đi đến thắng lợi cuối cùng, giành độc lập, tự do, thống nhất non sông.
Tiếp tục thực hiện khát vọng của Người
Sau ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, thành phố Sài Gòn-Gia Định chính thức vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vào ngày 2 tháng 7 năm 1976. Tự hào là thành phố mang tên Bác, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục đứng lên, nỗ lực khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh, giữ vững thành quả cách mạng, ổn định chính trị, khôi phục và phát triển kinh tế. Phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo trong chiến tranh, Đảng bộ, chính quyền thành phố kiên trì từng bước để tháo gỡ, vượt qua những lực cản của cơ chế cũ, tiếp tục tìm tòi hướng đi đúng đắn, khắc phục khó khăn, phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với giải quyết việc làm, chăm lo đời sống nhân dân, làm sáng tỏ dần con đường đi lên chủ nghĩa xã hội với cách làm mới, tư duy mới, góp phần tích cực vào việc xác định và hình thành đường lối đổi mới của Đảng.
Trong mỗi giai đoạn phát triển, Thành phố Hồ Chí Minh luôn tiên phong trong việc tạo ra nhiều mô hình mới trong phát triển kinh tế, sản xuất hàng hóa, bảo đảm an sinh xã hội. Đây chính là địa phương luôn nỗ lực suy nghĩ, tìm tòi, xây dựng và phát triển các phong trào lớn về văn hóa-xã hội, khởi xướng và thực hiện các phong trào như “đền ơn đáp nghĩa”; “xây dựng nhà tình nghĩa” “nhà tình thương”; chương trình “xóa đói giảm nghèo”; “bảo trợ bệnh nhân nghèo”; “phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng”,… mang lại hiệu quả thiết thực, tính nhân văn cao cả, có sức lan tỏa mạnh mẽ.
Thành phố Hồ Chí Minh tìm tòi, thực hiện sáng kiến xây dựng mô hình các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu nông nghiệp sinh thái, hình thành trung tâm giao dịch chứng khoán, những mô hình mới về phát triển kinh tế,… thể hiện trí tuệ, sự nhạy bén, thích ứng nhanh với quá trình và xu thế hội nhập kinh tế thế giới của thành phố mang tên Bác. Thành phố Hồ Chí Minh là nơi khơi nguồn cho việc xây dựng thí điểm mô hình chính quyền đô thị, là địa phương đang triển khai phương thức quản lý đô thị thông minh và đang xây dựng khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía đông-thành phố Thủ Đức.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Dũng cho biết, thành phố có định hướng phát triển về hướng biển nhằm khai thác lợi thế của một “thành phố biển”, một đô thị có hệ thống sông ngòi phong phú không chỉ mang nhiều giá trị lịch sử, văn hóa mà còn có tiềm năng lớn về kinh tế nhưng chưa được “đánh thức”. Chính vì thế, theo nhà sử học Dương Trung Quốc, việc gìn giữ cái lõi cảng Sài Gòn trong lịch sử và con sông Sài Gòn dẫn tàu bè vào trung tâm thành phố sẽ giúp cho thành phố phát triển được thương hiệu “Thành phố cảng Sài Gòn”. Để khu vực này không chỉ lưu giữ mãi ký ức về chuyến tàu mang theo vận mệnh của cả dân tộc, mà dòng sông Sài Gòn đã và đang biến bao giấc mơ và khát vọng của những thế hệ người Việt Nam đưa những chuyến tàu xuôi ngược vượt đại dương mang theo hàng hóa và du khách quốc tế, đưa thương hiệu Việt đi khắp năm châu trở thành hiện thực.
Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định-Thành phố Hồ Chí Minh tự hào là nơi Bác Hồ khởi đầu hành trình tìm đường cứu nước, tự hào là thành phố mang tên Bác kính yêu. Hơn 45 năm sau ngày được mang tên Người, Thành phố Hồ Chí Minh đã có bước chuyển mình mạnh mẽ trên con đường xây dựng, phát triển và đang tiếp tục khẳng định vị thế đầu tàu, động lực phát triển cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Với truyền thống cách mạng, truyền thống yêu nước, đoàn kết, nhân ái, nghĩa tình của người dân Thành phố Hồ Chí Minh, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố tiếp tục hành trình thực hiện khát vọng của Người, chung sức đồng lòng xây dựng, phát triển thành phố giàu đẹp, văn minh để xứng đáng hơn với vinh dự thành phố mang tên Bác.
Ý kiến ()