Tháng 3 năm nay, năm 2011, chúng ta kỷ niệm lần thứ 105 Ngày sinh cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng (ngày 1-3-1906), một nhà lãnh đạo lớn của Đảng và Nhà nước ta.Mười một năm trước, năm 2000, khi đồng chí qua đời, cả nước tiếc thương và đã dành cho đồng chí những lời tôn vinh: Người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chiến sĩ cộng sản kiên cường, người lãnh đạo cách mạng tài năng và đức độ, nhà hoạt động nhà nước lỗi lạc, nhà ngoại giao uyên bác, nhà văn hóa lớn, nhà giáo dục lớn, một nhân cách lớn, một trí tuệ uyên thâm, v.v.Năm 2002, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia cho in một tập sách nhan đề là: 'Phạm Văn Đồng trong lòng nhân dân và bạn bè quốc tế'. Sách tập hợp hơn một trăm tài liệu và bài viết của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, những đồng chí lãnh đạo cách mạng, những người chiến đấu gần gũi nhất của đồng chí Phạm Văn Đồng, các nhà khoa học, nhà báo, văn nghệ sĩ, cán bộ các ngành,...
Tháng 3 năm nay, năm 2011, chúng ta kỷ niệm lần thứ 105 Ngày sinh cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng (ngày 1-3-1906), một nhà lãnh đạo lớn của Đảng và Nhà nước ta.
Mười một năm trước, năm 2000, khi đồng chí qua đời, cả nước tiếc thương và đã dành cho đồng chí những lời tôn vinh: Người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chiến sĩ cộng sản kiên cường, người lãnh đạo cách mạng tài năng và đức độ, nhà hoạt động nhà nước lỗi lạc, nhà ngoại giao uyên bác, nhà văn hóa lớn, nhà giáo dục lớn, một nhân cách lớn, một trí tuệ uyên thâm, v.v.
Năm 2002, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia cho in một tập sách nhan đề là: 'Phạm Văn Đồng trong lòng nhân dân và bạn bè quốc tế'. Sách tập hợp hơn một trăm tài liệu và bài viết của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, những đồng chí lãnh đạo cách mạng, những người chiến đấu gần gũi nhất của đồng chí Phạm Văn Đồng, các nhà khoa học, nhà báo, văn nghệ sĩ, cán bộ các ngành, các địa phương từng được làm việc và tiếp xúc với đồng chí. Mỗi tài liệu, mỗi bài viết ấy đều nêu lên những kỷ niệm, những nhận xét và đánh giá riêng, nhưng tổng quát lại là sự trình bày có hệ thống những điều vinh danh đã nêu trên.
Phạm Văn Đồng là con người của thế kỷ XX. Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí trải dài suốt thế kỷ này, gắn liền với những dấu mốc lịch sử quan trọng nhất của nước ta, từ thời chuẩn bị thành lập Đảng, Cách mạng Tháng Tám cho đến hai cuộc kháng chiến cứu nước và tiếp theo là đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Bài viết này không nhằm, không thể và cũng không dám nói tới toàn bộ hay chỉ một mảng cuộc đời của một nhân vật lịch sử. Chỉ xin đề cập vài nét đơn sơ về một con người suốt đời học tập và làm theo tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh, và trên thực tế, đã trở thành hiện thân của những đức tính cao quý của Bác Hồ, được nhân dân trìu mến gọi là Anh Tô, Bác Tô.
Ngay từ năm 1926, khi mới tròn 20 tuổi, được cử đi Quảng Châu (Trung Quốc) dự lớp huấn luyện do Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tổ chức, và tại đó, được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên, đồng chí Phạm Văn Đồng đã nhập tâm bài học về Đường Cách mệnh và về tư cách người cách mạng.
Sau Cách mạng Tháng Tám và ở buổi đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, những năm 1947-1948, khi là đại diện Trung ương Đảng và Chính phủ ở miền Nam Trung Bộ, đồng chí Phạm Văn Đồng đã dạy cho cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và đồng bào hiểu rõ sáu chữ 'Trung với nước, hiếu với dân' của Chủ tịch Hồ Chí Minh. 'Học trung với nước, hiếu với dân là học làm cho nước độc lập và phú cường, dân tự do và hạnh phúc. Làm cho nước độc lập, phú cường cốt để làm cho dân tự do và hạnh phúc. Và dân có tự do và hạnh phúc thì nước mới thật sự độc lập và phú cường. Ngày nay nước là dân, dân là nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dày công dạy chúng ta câu ấy, cho nên quyết không có sức mạnh nào và mánh khóe gì có thể làm chúng ta sai đường lạc lối được'. (1)
Cũng ở miền Nam Trung Bộ, đồng chí Phạm Văn Đồng là người đầu tiên truyền đạt và thực hành những tư tưởng lớn của Bác Hồ trong 'Sửa đổi lối làm việc'.
Từ năm 1949, khi được cử làm Phó Thủ tướng cho đến năm 1955, trở thành Thủ tướng và giữ chức vụ này suốt 32 năm, đồng chí Phạm Văn Đồng luôn thực hành nghiêm túc tám chữ Cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư. Những cố gắng lớn của người đứng đầu Chính phủ đều tập trung vào việc làm sao xây dựng cho được một chính quyền của dân, do dân, vì dân, hoạt động có hiệu lực và hiệu quả, theo cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ, sao cho mọi cán bộ, công chức đều là công bộc của nhân dân, không đứng trên mà ở trong lòng nhân dân.
Suốt 41 năm là Ủy viên Trung ương Đảng, 35 năm là Ủy viên Bộ Chính trị, 10 năm là Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương, đồng chí Phạm Văn Đồng hiểu một cách sâu sắc rằng, sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng. Cùng với tập thể lãnh đạo của Trung ương, đồng chí đã hết lòng chăm lo việc nâng cao tính tiên phong gương mẫu và giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, thắt chặt quan hệ giữa Đảng với nhân dân, trau dồi trí tuệ và rèn luyện phẩm chất cho cán bộ, đảng viên. Đồng chí thường nói rằng đồng chí tự hào và vui mừng vì sau khi Bác Hồ mất, Đảng ta đã kế thừa và phát triển tư tưởng của Người một cách vững vàng, đứng đắn; sáng tạo trong việc đề ra đường lối đổi mới mà đồng chí hết lòng ủng hộ. Nhưng đồng chí cũng lo lắng trước những nguy cơ và thách thức đang diễn biến phức tạp có thể dẫn đến những hậu quả khó lường. Mong muốn thiết tha của đồng chí là làm sao Đảng ta vươn lên ngang tầm với tình hình và nhiệm vụ mới. Phải hết sức sáng suốt, nhận rõ sự thật, thấy cái tốt cũng phải thấy cả cái xấu. Phải vạch rõ và đấu tranh chống những biểu hiện suy thoái, biến chất, trước hết là trong những cán bộ có chức, có quyền.
Tôi còn nhớ, năm 1986, tại Đại hội VI của Đảng, đại hội mở đầu thời kỳ đổi mới, đồng chí đề nghị ghi vào nghị quyết của Đại hội một điểm: sau Đại hội, tiến hành đồng thời ba cuộc vận động: Cuộc vận động làm trong sạch Đảng, cuộc vận động khắc phục những hiện tượng hư hỏng trong bộ máy Nhà nước, cuộc vận động đẩy lùi những hiện tượng tiêu cực trong xã hội. Các đồng chí khác trong Đoàn Chủ tịch Đại hội nói chỉ nên tiến hành một cuộc vận động bao gồm cả ba mặt đó. Đắn đo mãi, đồng chí nói: 'Thôi được, nêu chung thành một cuộc vận động cũng tốt. Nhưng đừng quên rằng mỗi mặt trong cuộc vận động đó đều có ý nghĩa riêng của nó. Thấy rõ mối liên quan giữa ba mặt đó là đúng đắn, dẫu sao trong thực hiện cũng không được coi nhẹ bất cứ mặt nào'. (2)
Năm 1990, tại buổi lễ trao tặng Huân chương Sao Vàng cho đồng chí, đồng chí đã xúc động bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc về phần thưởng cao quý này và nói: 'Trong lúc này, lòng tôi nghĩ đến Bác Hồ và nhớ tới điều căn dặn của Bác: thường xuyên tự phê bình và phê bình như người ta phải rửa mặt. Đồng thời tôi cũng cần nói với các đồng chí một điều mà đồng chí Tổng Bí thư (Nguyễn Văn Linh) đã nói rất rõ trong bài diễn văn nhân dịp 60 năm Ngày thành lập Đảng ta và gần đây có nhắc lại trong một hội nghị với cán bộ, đó là phấn đấu chống cho bằng được các loại tiêu cực trong đời sống kinh tế và xã hội ở nước ta. Nhắc lại lời dạy của Bác Hồ kể trên, tôi nghĩ rằng cái nhà của chúng ta hiện nay đang nhiều rác rưởi và dơ bẩn, làm cho quần chúng nhân dân phẫn nộ một cách chính đáng. Trong tình hình như vậy, việc chúng ta phải đặt lên hàng đầu công tác quét cái nhà của chúng ta, quét mọi rác rưởi và dơ bẩn, làm cho nó ngày càng sạch sẽ, có như vậy chúng ta mới có môi trường và cơ hội thuận lợi để làm tốt các công tác khác về chính trị, kinh tế, xã hội, về đối nội, đối ngoại, đưa sự nghiệp cách mạng của Đảng ta và nhân dân ta tiến lên những bước mới, giành những thắng lợi mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thân yêu của chúng ta'. (3)
Năm 1998, trong một cuộc làm việc với Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu về tình hình tự phê bình và phê bình trong Đảng, đồng chí Phạm Văn Đồng tỏ ra bận tâm nhiều đến những hiện tượng thoái hóa biến chất của một số cán bộ đảng viên. Đồng chí nói: 'Đường đời cũng như đường cách mạng thường đứng trước và trải qua nhiều ngã ba. Đứng trước những ngã ba đó, Đảng và đảng viên phải kiên định con đường đã lựa chọn. Chỉnh đốn Đảng chính là để bảo đảm sự kiên định của Đảng trong đấu tranh lâu dài. Bởi vậy, phải làm đi làm lại cho bằng được, cho đạt kết quả, xây dựng Đảng ta thật sự là Đảng của Bác Hồ, Đảng của giai cấp công nhân, Đảng của các tầng lớp nhân dân lao động trí óc và chân tay, Đảng của dân tộc'. (4)
Tháng 7-1999, trong khi nghe các đồng chí thường trực Tổ biên tập Báo cáo chính trị Đại hội IX của Đảng trình bày về đề cương của báo cáo này, đồng chí Phạm Văn Đồng lưu ý rằng phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng cần được trình bày tốt hơn, thiết thực hơn. Đồng chí đặc biệt quan tâm đến cuộc vận động tự phê bình và phê bình đang được tiến hành trong toàn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương sáu (lần 2). Đồng chí nhắc lại rằng, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã hứa coi đó là cái đòn xeo để đi lên. 'Nếu làm một lần chưa được thì làm lần thứ hai, chưa được nữa thì làm lần thứ ba. Như luyện tập vậy. Nhảy một cái chưa được, nhảy cái thứ hai, nhảy cái thứ ba thì được'.
Kỷ niệm 105 năm Ngày sinh của đồng chí Phạm Văn Đồng, nhớ lại cuộc đời và những lời dạy của Bác Tô, chúng ta thấy như tất cả vẫn còn mới tinh khôi, vẫn còn là một động lực thúc đẩy chúng ta trong công việc lâu dài xây dựng và chỉnh đốn Đảng, học tập và làm theo tư tưởng và tấm gương đạo đức của Bác Hồ.
———————————-
(1) Sách Phạm Văn Đồng trong lòng nhân dân và bạn bè quốc tế, NXB Chính trị Quốc gia, 2002, tr 169-170
(2) Sđđ, tr 171-172
(3) Sđđ, tr 21-22
(4) Sđđ, tr 48.
Theo Nhandan
Ý kiến ()