Ký nhiều hợp đồng sử dụng sản phẩm của nhau
Ngày 19-8, tại Hà Nội, Bộ Công thương sơ kết hai năm thực hiện Thỏa thuận giữa các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Bộ trong việc ưu tiên sử dụng sản phẩm của nhau, hưởng ứng Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Sau hai năm triển khai, nhiều hợp đồng giữa các đơn vị đã được ký với tổng giá trị gần 71 nghìn tỷ đồng, chưa kể các hợp đồng mua bán điện, xăng dầu... Bộ Công thương đánh giá việc triển khai Thỏa thuận đã có tính lan tỏa, không chỉ giới hạn trong việc hợp tác giữa các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Bộ mà còn mở rộng với các công ty, doanh nghiệp sản xuất ngoài Bộ.
* Ngày 19-8, tại Ðảng bộ Khối doanh nghiệp (DN) Trung ương, Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động (CVÐ) “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tổ chức đánh giá kết quả 5 năm triển khai CVÐ.
Sau 5 năm thực hiện CVÐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng trong Khối đã ưu tiên sử dụng sản phẩm, hàng hóa dịch vụ của nhau, nhờ đó, tỷ lệ nội địa hóa của các DN tăng, có đơn vị đạt hơn 90%.
Lắp đặt kết cấu thép lò hơi số 1 nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2
Ngày 19-8, tại tỉnh Thái Bình, Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) phối hợp Tổng công ty xây lắp dầu khí (PVC) khởi công lắp đặt kết cấu thép lò hơi số 1 Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, công suất 1.200 MW (2×600 MW) do Tổng công ty Ðiện lực dầu khí làm chủ đầu tư.
Theo kế hoạch, Công ty CP Lilama 18 (thuộc Lilama) sẽ lắp đặt gần 20.000 tấn thiết bị kết cấu thép lò hơi số 1 trong thời gian bảy tháng. Hiện nay, công ty đã huy động hơn 50 cán bộ, kỹ sư và công nhân đến công trường, dự kiến thời gian cao điểm sẽ huy động khoảng 600 người cùng nhiều máy móc, thiết bị thi công. Sau đó, Lilama 18 sẽ lắp đặt thiết bị áp lực, cơ khí áp lực và tiến hành thử áp, hoàn thiện để bàn giao cho chủ đầu tư. Cũng tại công trình này, một thành viên khác của Lilama là Công ty CP Lilama 69-1 cũng đang triển khai các bước thi công, sẵn sàng lắp đặt thiết bị lò hơi số 2 trong tháng 10.
Tăng nguồn cung hàng Việt Nam cho chợ Ðồng Xuân
Sáng 19-8, tại Hà Nội, Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam phối hợp Công ty CP Ðồng Xuân tổ chức Hội nghị đối thoại giữa các doanh nghiệp sản xuất hàng Việt với các hộ kinh doanh ở chợ Ðồng Xuân. Thiết thực hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” hội nghị nhằm tìm ra những tương đồng giữa nhà sản xuất với kênh phân phối, hướng tới kết nối thành công quá trình sản xuất – phân phối, đồng thời kiến nghị nhiều giải pháp khuyến khích, hỗ trợ thúc đẩy kinh doanh và tạo nguồn cung hàng Việt Nam dồi dào cho chợ Ðồng Xuân.
Chợ Ðồng Xuân (quận Hoàn Kiếm – Hà Nội) hơn một trăm năm tuổi là chợ đầu mối lớn nhất tại Hà Nội và khu vực phía bắc, hiện có gần 2.300 hộ kinh doanh hàng nghìn mặt hàng thuộc bảy nhóm hàng chủ yếu bán buôn. Tùy mặt hàng, hiện nay hàng có xuất xứ Việt Nam tại chợ chiếm khoảng 70%, hằng ngày có khoảng 10 đến 20 tấn hàng luân chuyển qua chợ, số thuế thu được hằng năm từ 60 đến 70 tỷ đồng.
Phạt hai công ty sản xuất phân bón không đúng tiêu chuẩn
Ngày 19-8, UBND tỉnh Lâm Ðồng cho biết, vừa quyết định xử phạt hành chính đối với Công ty TNHH thương mại, dịch vụ, sản xuất phân bón Việt Nga (Củ Chi, TP Hồ Chí Minh) và Công ty CP phân bón Long Việt (Ðức Hòa, Long An), mỗi đơn vị 160 triệu đồng, về hành vi sản xuất phân bón không đạt mức sai số định lượng cho phép, so với mức công bố tiêu chuẩn áp dụng. Ngoài ra, Công ty Long Việt còn bị phạt thêm hai triệu đồng, về hành vi kinh doanh hàng hóa (phân bón) có nhãn ghi không đúng các nội dung bắt buộc theo tính chất hàng hóa; buộc thu hồi hàng hóa vi phạm về nhãn đang lưu thông trên thị trường.
Ðưa vào khai thác đường liên tỉnh Hà Nội – Hưng Yên
Ngày 19-8, tại Hà Nội, UBND huyện Gia Lâm phối hợp Liên danh Coma – Cotana khánh thành, đưa vào khai thác đường liên tỉnh Hà Nội – Hưng Yên, đoạn qua địa phận Hà Nội. Ðoạn tuyến này có chiều dài 4,2 km, rộng 40 m, quy mô sáu làn xe, tốc độ tối đa 80 km/giờ, với dải phân cách, hệ thống chiếu sáng, chỉ dẫn giao thông đồng bộ, hiện đại. Tổng mức đầu tư đoạn tuyến 560 tỷ đồng, triển khai theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao). Dự án đường liên tỉnh nối đường vành đai 3 (Hà Nội) và thị xã Hưng Yên đưa vào khai thác, sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, thu hút đầu tư, du lịch – thương mại, kết nối giao thông thuận lợi giữa hai địa phương, góp phần giảm tải cho quốc lộ 5, mở rộng hệ thống giao thông của Thủ đô với các địa phương trong khu vực vùng Thủ đô và đồng bằng sông Hồng.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()