Kỷ nguyên mới trong hợp tác phát triển Việt-Nhật
Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Việt Nam tổ chức vào chiều 5/6 tại Tokyo, Nhật Bản, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ tin tưởng không gì có thể ngăn cản được một kỷ nguyên mới về sự thân tình, gần gũi, tin cậy trong hợp tác phát triển giữa hai nước Việt Nam-Nhật Bản.
Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Việt Nam tổ chức chiều 5/6 tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: VGP |
Tại Hội nghị, Thủ tướng dẫn lại một báo cáo vừa được JETRO công bố, theo đó môi trường đầu tư ở Việt Nam đã nhận được đánh giá tích cực của cộng đồng DN Nhật Bản. Có 87,7% DN Nhật Bản tin rằng mở rộng kinh doanh tại Việt Nam giúp tăng doanh thu; 63% các DN Nhật Bản đã kinh doanh có lãi trong năm 2016 và 66,6% DN Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam đang có kế hoạch mở rộng kinh doanh và tiếp tục coi Việt Nam là một điểm đầu tư quan trọng. Cuộc khảo sát của JETRO cũng nhấn mạnh rằng, xếp hạng của Việt Nam về rủi ro kinh doanh đang giảm, cho thấy điều kiện đầu tư cải thiện.
Thủ tướng khẳng định: Đây thực sự là một nguồn động viên rất lớn, là động lực để chúng tôi tiếp tục hoàn thiện chính sách và môi trường đầu tư, “hướng tới kỷ nguyên mới của quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Nhật Bản”.
“Hoạt động thương mại song phương giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản đã phát triển rực rỡ từ cách đây hơn 400 năm khi các thương nhân Nhật thành lập “thị trấn Nhật Bản” tại Hội An”, Thủ tướng nói và cho biết, trong đầu thế kỷ 17, Nhật Bản đã từng là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của Đàng Trong.
Bên cạnh đó, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, những thành quả của Minh Trị Duy Tân cũng là nguồn cảm hứng thu hút những nhà yêu nước Việt Nam đến Nhật Bản học tập, tìm đường cứu nước. Từ khi chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973 cho đến nay, Nhật Bản nói chung và cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng đã thực sự là người bạn đồng hành của Việt Nam trong tiến trình hội nhập toàn cầu thông qua việc thúc đẩy nhiều thỏa thuận, hiệp định thương mại.
Thủ tướng khẳng định, quan hệ Việt Nam-Nhật Bản đã không ngừng phát triển, trở thành đối tác chiến lược toàn diện trên mọi lĩnh vực, đặc biệt nhất là kinh tế, thương mại và đầu tư. Nhật Bản là quốc gia viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất cho Việt Nam, là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ hai, là đối tác lớn thứ ba về du lịch và là đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam. Đến hết năm 2016, Nhật Bản có hơn 3.200 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng số vốn đầu tư đăng ký hơn 42 tỷ đô la Mỹ, chiếm 15% tổng FDI vào Việt Nam.
Bên cạnh đó, Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam-Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030 được Thủ tướng Việt Nam phê duyệt năm 2013 đặt trọng tâm phát triển vượt bậc 6 ngành công nghiệp ưu tiên, bao gồm: Điện tử; máy nông nghiệp; chế biến nông, thủy sản; đóng tàu; môi trường và tiết kiệm năng lượng; sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô thành những ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế, có giá trị gia tăng cao và năng lực cạnh tranh quốc tế. “Đây sẽ là những ngành dẫn dắt về thúc đẩy thu hút đầu tư của DN trong và ngoài nước, trước hết là DN Nhật Bản”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Dẫn lại câu nói của Thủ tướng Sinzo Abe trong chuyến thăm chính thức Việt Nam vào tháng 1/2017 vừa qua “Dòng sông Hồng hùng vĩ chảy xuyên suốt qua Hà Nội, hướng ra Biển Đông, tới biển Hoa Đông rồi nối dòng với Vịnh Tokyo. Không gì có thể ngăn sự tự do qua lại trên dòng chảy này. Nhật Bản và Việt Nam là hai nước láng giềng được gắn kết bởi vùng biển tự do”; phát biểu trước 1.400 đại biểu, DN Nhật Bản và 200 đại biểu DN Việt Nam; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ tin tưởng rằng không gì có thể ngăn cản được một kỷ nguyên mới về sự thân tình, gần gũi, tin cậy trong hợp tác phát triển giữa hai nước chúng ta.
“Việt Nam đã xây dựng quan hệ hữu nghị, tích cực hội nhập quốc tế và Nhật Bản chính là một đối tác chiến lược mà chúng tôi rất tin tưởng”, Thủ tướng nói và khẳng định mối quan hệ gắn bó bền chặt giữa hai nước Việt Nam – Nhật Bản sẽ là nền tảng đem đến sự phát triển và phồn thịnh cho hai quốc gia.
Theo baochinhphu
Ý kiến ()