Ký Nghị quyết Liên tịch về giám sát và phản biện xã hội
Nhằm cụ thể hóa Điều 27 và 34 của Luật MTTQ Việt Nam có hiệu lực từ ngày 1/1/2016, chiều 15/6, tại Nhà Quốc hội, UBTVQH, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức lễ ký Nghị quyết Liên tịch quy định chi tiết các hình thức giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đã cùng nhau ký Nghị quyết Liên tịch. Ảnh: quochoi.vn |
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đồng chủ trì buổi lễ.
Tham dự còn có các Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ, các thành viên UBTVQH, Bộ trưởng, các thành viên của Chính phủ và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
Thay mặt Ban soạn thảo, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết, Nghị quyết Liên tịch nhằm cụ thể hóa Điều 27 và 34 của Luật MTTQ Việt Nam đã được Quốc hội thông qua ngày 9/6/2015 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2016. Đây là văn bản pháp luật, có giá trị pháp lý quan trọng, góp phần tiếp tục cụ thể hóa về cơ chế đối với hình thức giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội.
Trong suốt quá trình chủ trì, phối hợp soạn thảo, Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tọa đàm, gửi lấy ý kiến cơ quan, tổ chức có liên quan ở Trung ương và địa phương với tinh thần cầu thị, xây dựng.
Trong giai đoạn hoàn thiện, MTTQ Việt Nam đã nhận được sự tham gia, phối hợp có trách nhiệm của các cơ quan tham mưu của UBTVQH, của Chính phủ và đặc biệt là sự quan tâm, đồng thuận, ủng hộ với quyết tâm chính trị cao của UBTVQH, Chính phủ để ký ban hành Nghị quyết liên tịch bảo đảm tiến độ, chất lượng.
Ông Trần Thanh Mẫn cũng nhấn mạnh, việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế, trong đó có việc quy định chi tiết về các hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam ở Nghị quyết liên tịch này sẽ góp phần tháo gỡ về cơ chế, nâng cao về chất công tác giám sát, phản biện xã hội.
Trong thời gian tới, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam mong muốn UBTVQH, Chính phủ tiếp tục quan tâm phối hợp với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam triển khai thực hiện phần trách nhiệm của mình được quy định trong Nghị quyết Liên tịch để Luật MTTQ Việt Nam nói chung, Nghị quyết Liên tịch này nói riêng được sớm đi vào thực tiễn cuộc sống.
Thường xuyên quan tâm phối hợp trong hoạt động giám sát và phản biện xã hội, để hoạt động này thực sự trở thành một kênh quan trọng trong tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước, phát huy quyền làm chủ, trí tuệ, sáng tạo của nhân dân, góp phần tạo đồng thuận xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tại buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đã cùng nhau ký Nghị quyết Liên tịch số: 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN của UBTVQH, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam quy định chi tiết các hình thức giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam.
Nghị quyết chính thức có hiệu lực kể từ ngày ký, 15/6/2017.
Nghị quyết quy định căn cứ tổ chức giám sát, phản biện xã hội quy định:
1. Căn cứ tổ chức giám sát: a) Chương trình phối hợp và thống nhất hành động hằng năm của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp; b) Chương trình phối hợp giám sát giữa Ủy ban MTTQ Việt Nam với các tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam và cơ quan nhà nước cùng cấp; c) Kiến nghị của tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam; d) Đơn, thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức do Ủy ban MTTQ Việt Nam tiếp nhận; đ) Thông tin phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng.
2. Căn cứ tổ chức phản biện xã hội: a) Chương trình phối hợp và thống nhất hành động hằng năm của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp; b) Chương trình, kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hằng năm; dự thảo quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án (sau đây gọi chung là dự thảo văn bản) của cơ quan Nhà nước cùng cấp có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, hội viên, đoàn viên của các tổ chức thành viên, quyền và trách nhiệm của Ủy ban MTTQ Việt Nam; c) Kiến nghị của tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam; d) Đề nghị của cơ quan Nhà nước cùng cấp có dự thảo văn bản.
Về trách nhiệm của các bên, Nghị quyết quy định:
Đối với trách nhiệm của UBTVQH, Chính phủ (Điều 20): 1. Phối hợp với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện Nghị quyết này. 2. Phối hợp trong việc xây dựng và triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. 3. Xem xét, trả lời kiến nghị từ kết quả giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cơ quan Trung ương của các tổ chức chính trị-xã hội theo quy định của pháp luật.
Đối với trách nhiệm của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam (Điều 21): 1. Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì, phối hợp với UBTVQH, Chính phủ hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, sơ kết, tổng kết việc thực hiện Nghị quyết này. 2. Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam hướng dẫn Ủy ban MTTQ Việt Nam địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát, phản biện xã hội.
Theo baochinhphu
Ý kiến ()