tle=”Click vào để xem ảnh phóng to” rel=””> amesmall” src=”http://nhandan.com.vn/media/k2/items/cache/2032/d339915372d92748aecd274a1663cb39_L.jpg” border=”0″ alt=”Các hoạt động chia sẻ giữa các em học sinh cũng là một hình thức giáo dục kỹ năng.” /> NDĐT- Ở nhiều nước, người ta ý thức dạy kỹ năng sống (KNS) có tầm quan trọng không kém dạy kiến thức. KNS mà không được dạy từ bé thì sau này lớn lên sẽ khó tiếp thu.
Ở nhiều nước phát triển, bộ môn “kỹ năng sống” rất được coi trọng và là một quá trình rèn luyện có hệ thống không thể thiếu đối với học sinh. Còn ở nước ta, những năm gần đây xu thế học KNS mới bắt đầu được xã hội quan tâm.
Thực tế trong khi ngành giáo dục chưa có một chương trình quốc gia về dạy và học KNS, thì để đáp ứng nhu cầu xã hội, hàng loạt trung tâm dạy KNS đã ra đời với đủ chiêu tiếp thị, đủ kiểu giáo trình… Chuyên gia tâm lý học Đinh Đoàn, giọng nói quen thuộc của chương trình tư vấn “Cửa sổ tình yêu” – Đài Tiếng nói Việt Nam có cuộc trò chuyện về vấn đề này.
– Thời gian gần đây dư luận quan tâm nhiều hơn đến những bất cập trong dạy và học KNS cả trong và ngoài nhà trường. Với cách nhìn nhận của một chuyên gia tâm lý, ông có thể đánh giá tầm quan trọng của giáo dục KNS ở nước ta?
– Theo tôi, vấn đề giáo dục KNS không phải là mới. Có nhiều con đường để học KNS, mà quan trọng nhất là học qua trải nghiệm thực tế, chứ không phải là học bài bản trên lớp học. Không phải thông qua một số buổi học, một khóa học mà trẻ em có KNS ngay. Không chỉ trẻ em, mà người lớn cũng phải liên tục học KNS để thích ứng với hoàn cảnh sống mới.
Trước đây, trẻ sinh ra, lớn lên được chăm sóc giáo dục bởi ông bà, cha mẹ, cô dì, chú bác, được vui chơi cùng bạn bè trong môi trường tự nhiên, nên dần hình thành những KNS cần thiết. Ngày nay, xã hội phát triển, trẻ em ít có cơ hội trải nghiệm từ cuộc sống chung quanh, nên mất đi cơ hội được phát triển bản năng vốn có một cách tự nhiên vì vậy phải nghĩ cách bổ sung. Theo tôi, hiện nay các lớp dạy KNS như là việc chúng ta bổ sung vitamin cấp tốc thôi chứ không phải là giải pháp triệt để.
– Việc dạy lồng ghép KNS trong nhà trường cũng đã được quan tâm trong những năm gần đây, nhưng chưa thấy hiệu quả thật sự. Nguyên nhân do đâu, thưa ông?
– Về việc này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ trương hướng dẫn các thầy cô dạy lồng ghép vào các môn học trong nhà trường, song đây chưa phải giải pháp tốt nhất.
Thứ nhất, các thầy cô giáo cũng chưa phải là những người có KNS hoàn hảo, bởi họ là sản phẩm của nền giáo dục trước đây, chỉ chú trọng học văn hóa, dạy chữ, dạy bộ môn, nên khó có thể dạy học sinh được. Khi trao đổi với một số giáo viên, chính họ cũng thú nhận rằng các KNS như tự tin trước đám đông, ứng xử trước những thất bại, ứng phó với cảm xúc tiêu cực, sức ép từ cuộc sống, giải quyết mâu thuẫn, từ chối, nhận thức bản thân… thì chính các thầy cô còn thấy khó.
Thứ hai, tài liệu, chương trình dạy KNS cũng mới chỉ là những gợi mở, chưa có gì là thống nhất.
Thứ ba, khi Bộ chỉ đạo các nhà trường, thầy cô chủ động, tích cực lồng ghép giáo dục KNS trong những giờ ngoại khóa, giờ ra chơi, giờ sinh hoạt tập thể, song trong thực tế, các em học sinh… đâu có giờ ra chơi? Ngoại khóa thì mỗi học kỳ được một lần, thấm tháp gì. Đối với các trường và thầy cô, dạy văn hóa vẫn là việc chính, nhà trường đánh giá chất lượng học sinh dựa vào kết quả thi các môn Văn, Toán, Lý, Hóa… chứ có ai thi KNS.
Thứ tư, nhận thức của phụ huynh học sinh về giáo dục KNS cũng còn chưa thực sự đầy đủ. Chính tôi là người tổ chức các lớp dạy KNS để đưa vào các trường cấp ba nhưng phụ huynh lại không ủng hộ nhiều lắm, lý do là KNS có thi tốt nghiệp đâu, có thi đại học đâu, KNS thì sau này ra đời tự khắc các em sẽ biết. Ai cũng biết học KNS là thiết thực nhưng không phục vụ cho mục đích thi cử nên đa phần không chú trọng lắm.
– Trong khi vấn đề dạy và học KNS trong nhà trường chưa được quan tâm đúng mức, thì xã hội (nhất là các bạn trẻ) đã phải “đối phó” thế nào để có được cho mình những kiến thức quan trọng ấy?
– Điều đáng mừng là trong khi các nhà trường chưa tiếp cận với chương trình giáo dục KNS, hoặc có làm cũng chưa có hiệu quả, thì một số bạn trẻ hiện nay sau khi ra trường đi làm lại có ý thức trau dồi KNS cho bản thân bằng cách đi học ở những trung tâm. Tuy chưa thể đánh giá kết quả của việc học này, song dù sao, đó cũng là những dấu hiệu tích cực. Điều này bước đầu tác động đến hướng tư duy của thế hệ trẻ. Ngày xưa cứ tưởng có bằng đỏ, có Tiếng Anh, có tin học thì làm cái gì cũng được, nhưng hiện nay đời sống ngày sáng phức tạp đòi hỏi phải thành thạo KNS thì cơ hội nghề nghiệp và làm việc sẽ có hiệu quả hơn, thành công hơn.
– Chúng ta có thể học hỏi được gì ở các nước phát triển?
– Ở nhiều nước, người ta ý thức dạy KNS có tầm quan trọng không kém dạy kiến thức. KNS mà không được dạy từ bé thì sau này lớn lên sẽ khó tiếp thu. Kiến thức thì cập nhật cả đời nên ai cũng có thể cập nhật được. Thực tế chứng minh học sinh chúng ta tham gia các kỳ thi học sinh giỏi quốc tế thì đạt kết quả cao nhưng các hoạt động nào đó đòi hỏi năng động sáng tạo, đòi hỏi tự tin thì các em lại kém hẳn so với bạn bè quốc tế.
Một học sinh của chúng ta đi du học thôi thì gia đình rất lo lắng về chỗ ăn, chỗ ở, hay có người còn bắt con chỉ đi học từ nhà đến trường và từ trường về nhà. Mặt khác đối chiếu lại, sinh viên nước ngoài đi ra các nước thì họ rất tự tin, làm tình nguyện dạy tiếng Anh, dạy KNS cho học sinh mặc dù tất cả mới bước vào năm nhất, năm hai đại học.
Bốn trụ cột, hay còn gọi là bốn mục tiêu giáo dục hiện nay do UNESCO đề xuất là: học để biết, để biết làm, để chung sống và tự khẳng định. Nếu như học để biết thì học sinh chúng ta nắm tốt rồi, học để làm còn nhiều hạn chế, và học để chung sống thì càng khó khăn.
– Thời gian qua, liên tiếp xảy ra những sự việc đau lòng, nhiều học sinh đã không tự làm chủ được bản thân trước áp lực cuộc sống, áp lực tình cảm, cả áp lực học hành… nên đã có những hành động dại đột. Ông có thể cho biết, hiện tượng này cảnh báo điều gì?
– Trước đây, để lý giải những hiện tượng, hiện trạng tiêu cực của xã hội thì hay đổ lỗi tại cơ chế, còn bây giờ thì do “thiếu KNS”, nhưng điều đó chỉ đúng một phần thôi.
Thực tế là do người lớn không hiểu tâm lý trẻ em và đối xử với các em quá nặng nề, thừa những lời mạt sát, nên các em sẵn sàng “quyên sinh” để bảo vệ cho lòng trong sáng của mình. Tóm lại là người lớn chúng ta còn rất vụng, nếu như người lớn chúng ta tâm lý, luôn biết quan tâm chia sẻ thì liệu có em nào dại dột thế không?
– Đã xác định được vai trò của công tác giáo dục KNS, nhưng quan trọng vẫn là phải có giải pháp và hành động thiết thực. Vậy phải làm gì để chúng ta hết lúng túng, học cách cùng chung sống tốt hơn?
– Đầu tiên người lớn thiếu kỹ năng nên trước hết phải tự bổ trợ mình đã. Gia đình hiện nay có biết cách tiếp cận con mình đâu, nếu trẻ có mắc khuyết điểm gì thì hỏi như hỏi cung ấy nhu cầu được giãi bày thì ai cũng có. Người lớn cần nhận thấy mình cũng thiếu KNS, cũng cần học tập.
Chương trình giáo dục là phải nhất quán từ mục tiêu, chương trình, nội dung. Giao nhiệm vụ cho nhà trường là phải cho các nhà trường, cho các thầy cô điều kiện để triển khai hoạt động. Để đưa được giáo dục KNS vào nhà trường, phải tinh lọc và loại bớt những kiến thức chưa cần thiết (chưa dám nói là thừa) thì mới không tạo thêm áp lực cho học sinh.
Hiện nay, các thầy giáo cô giáo rất khổ với những chủ trương lồng ghép. Hết lồng ghép giáo dục sức khỏe sinh sản, môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống ma túy, tai nạn thương tích, nay lại lồng ghép KNS, giá trị sống nữa thì… đây quả là gánh nặng khó thực hiện.
– Xin trân trọng cảm ơn ông!
Theo Nhandan
Ý kiến ()