“Kỷ luật thép” huấn luyện chiến đấu trên tàu hộ vệ tên lửa
Trên hành trình tới Singapore và Philippines thực hiện nhiệm vụ đối ngoại quốc phòng, Tàu hộ vệ tên lửa 015-Trần Hưng Đạo thuộc Lữ đoàn 162, Vùng 4 Hải quân đã tổ chức huấn luyện chiến đấu công kích tên lửa, công kích ngư lôi, chiến đấu đối không, chiến đấu đối hải với các tình huống chiến thuật giả định, nhằm nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị.
Con người là yếu tố quyết định
Từng hồi chuông báo động chiến đấu vang lên rộn rã đi kèm khẩu lệnh dõng dạc của thuyền trưởng: “Báo động chiến đấu, các ngành, các vị trí làm công tác chuẩn bị, báo cáo quân số, sự có mặt về đài chỉ huy!”. Ngay lập tức, kể cả những người vừa hoàn thành nhiệm vụ trực canh, đi ca cũng nhanh chóng có mặt tại vị trí chiến đấu. Những bước chân thoăn thoắt bám bậc cầu thang dựng đứng theo kết cấu con tàu bắt đầu thực hiện nhiệm vụ theo chức trách đảm nhiệm. Từ mở bạt che, thao tác vũ khí trang bị chế độ cơ, báo cáo sẵn sàng nhận điện đến đưa vũ khí trang bị về trạng thái chiến đấu được cán bộ, chiến sĩ toàn tàu thao tác thuần thục, chính xác.
Hai hồi chuông dài cùng khẩu lệnh chỉ huy của Trung tá Mã Nguyên Thanh, Thuyền trưởng vang lên: “Báo động chiến đấu cấp 1. Toàn tàu báo động chuẩn bị công kích tên lửa!”. Không khí khẩn trương bao trùm Trung tâm Chỉ huy chiến đấu toàn tàu. Mọi vị trí đều tập trung cao độ. Thuyền trưởng Mã Nguyên Thanh liên tục tiếp nhận và xử lý linh hoạt, chính xác tất cả những nguồn thông tin báo cáo về từ các vị trí chiến đấu.
Thuyền trưởng Mã Nguyên Thanh chỉ huy huấn luyện ở Trung tâm Chỉ huy chiến đấu toàn tàu. |
Một trong những nội dung của buổi huấn luyện chiến đấu trên đường hành quân là công kích tên lửa theo radar tàu. Ánh mắt trắc thủ bám chặt màn hình trong khi đôi bàn tay vẫn linh hoạt lăn chuột, điều chỉnh thông số. Rất nhanh chỉ sau vài vòng quét đã bắt bám và khóa chặt thông số mục tiêu. Tiếp nhận mục tiêu truyền về vị trí chỉ huy, trưởng ngành radar báo cáo thuyền trưởng: “Lúc… giờ 5 phút, ngành… phát hiện mục tiêu ở phương vị… độ, cự ly… km, đang đi hướng… độ, vận tốc… hải lý/giờ. Hết!”.
Chủ quyền mục tiêu được xác định, theo lệnh của thuyền trưởng, mỗi ngành, mỗi vị trí như được tiếp thêm sức mạnh làm cho không khí buổi luyện tập chiến đấu càng trở nên sôi động. Thuyền trưởng ra lệnh cho tổ tiêu đồ tác nghiệp, tiếp cận chiếm lĩnh vị trí phát huy hỏa lực; ngành vũ khí pháo, tên lửa nhập các thông số, giải tính các phương án… Cuộc hội ý nhanh giữa thuyền trưởng và chính trị viên bên tấm hải đồ thống nhất đòn đánh được xác định. Trung tâm chỉ huy lúc này chờ đợi giờ khai hỏa để ấn nút phóng tên lửa tiêu diệt chính xác mục tiêu. Khẩu lệnh chỉ huy của Thuyền trưởng: “Công kích tên lửa. Toàn tàu về vị trí ẩn nấp!” vang lên cũng là lúc không khí ở trung tâm chỉ huy trở nên khẩn trương hơn với các khẩu lệnh báo cáo liên tiếp vang lên ở các vị trí.
Theo Thuyền trưởng Mã Nguyên Thanh, mặc dù có sự hỗ trợ tính toán của máy tính, nhưng con người vẫn đóng vai trò quyết định. Thuyền trưởng sẽ là người cuối cùng đưa ra các phương án sử dụng và phân chia hỏa lực tùy theo yêu cầu nhiệm vụ, tình hình thực tế, khả năng của vũ khí trang bị kỹ thuật, không thể phụ thuộc hoàn toàn vào các thông số tính toán trên máy tính. Các tình huống chiến đấu diễn ra nhanh chóng đòi hỏi các vị trí phải thao tác nhanh và chuẩn xác để kịp định mức thời gian; giữa các vị trí trong tiểu đội, các ngành tham gia huấn luyện phải có sự phối hợp hiệp đồng nhuần nhuyễn.
Điều kiện thời tiết khá thuận lợi cho huấn luyện, nhưng càng về trưa, trời càng nắng gắt. Trên tháp pháo, cột ngắm của tàu, bất chấp các giọt mồ hôi lăn dài trên trán, lọt vào mắt cay xè, các pháo thủ bám trụ vị trí, miệt mài ngắm bắn các mục tiêu giả định. Cánh sóng radar vẫn tiếp tục quay đều sục sạo mục tiêu. Khẩu lệnh chỉ huy, khẩu lệnh báo cáo chắc nịch vang lên giữa biển khơi, hòa quyện với tiếng sóng vỗ mạn tàu, tiếng động cơ giòn tan. Không khí buổi huấn luyện chiến đấu gấp gáp, khẩn trương cho đến những phút cuối của tình huống huấn luyện.
Chính trị viên Phan Thanh Hòa (bên trái) luôn sát cánh cùng cán bộ, chiến sĩ kịp thời động viên tinh thần bộ đội trong suốt quá trình huấn luyện. |
Huấn luyện lấy thực hành làm chính
Theo Thượng tá Hoàng Anh, Phó lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 162, Vùng 4 Hải quân, không như huấn luyện tại bến, huấn luyện chiến đấu trên hành trình đi biển đường dài là mức huấn luyện cao, nhiều thử thách, bởi vừa phải bảo đảm an toàn hàng hải, vừa thực hiện nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu trong điều kiện có sóng gió.
Khi huấn luyện tại bến, các mục tiêu được tạo giả để đặt vào các hệ thống nên sẽ khó sát với thực tiễn. Do đó, đơn vị luôn tận dụng tối đa thời gian tàu hành trình trên biển, nhất là đi biển đường dài để tổ chức huấn luyện các bảng bố trí chiến đấu. Qua đó, giúp cán bộ, chiến sĩ làm quen với các tình huống chiến thuật sát với thực tế chiến đấu. Đây cũng là dịp để bộ đội thử sức trong môi trường làm việc với cường độ cao hơn khi vừa đi biển thực hiện nhiệm vụ đối ngoại quốc phòng, vừa kết hợp huấn luyện chiến đấu.
Trung úy Ngô Minh Tiến, Trưởng ngành Hàng hải đang tác nghiệp trong quá huấn luyện chiến đấu. |
Thượng tá Hoàng Anh cho biết thêm, năm 2023, Lữ đoàn 162 tiếp tục tổ chức huấn luyện theo phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, lấy thực hành làm chính. Nhiều cách làm hay, hiệu quả đã được đơn vị áp dụng nhằm nâng cao chất lượng trong công tác huấn luyện, như ứng dụng công nghệ số, đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật phục vụ huấn luyện.
Tàu 015-Trần Hưng Đạo đã tích cực tham gia phong trào thi đua “phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật”, ứng dụng công nghệ thông tin vào huấn luyện. Được biết, trong Hội thi mô hình học cụ, phần mềm mô phỏng, phim huấn luyện năm 2023 của Lữ đoàn 162, phần mềm mô phỏng hỗ trợ khai thác máy điều khiển bắn ngư lôi trên Tàu Gepard 3.9 của Tàu 015-Trần Hưng Đạo được ban giám khảo đánh giá đã thể hiện rõ được nguyên lý, quy trình hoạt động của từng tổ hợp vũ khí trang bị giúp người học dễ dàng tiếp cận kiến thức chuyên sâu để áp dụng trong quá trình khai thác vận hành và khắc phục sự cố.
“Kỷ luật thép” trong huấn luyện trên chiến hạm
Tận mắt chứng kiến những giờ huấn luyện chiến đấu trên tàu hộ vệ tên lửa giữa biển khơi, chúng tôi hiểu thêm về “kỷ luật thép” trên một trong những chiến hạm hiện đại bậc nhất của Hải quân nhân dân Việt Nam. Trong suốt quá trình huấn luyện, Thiếu tá Phan Thanh Hòa, Bí thư Đảng ủy-Chính trị viên Tàu 015 thường xuyên tới các vị trí kiểm tra để bảo đảm các vị trí thực hiện theo đúng ý đồ chiến thuật, nắm bắt tinh thần trách nhiệm trong huấn luyện, ý thức địch tình, chấn chỉnh về điều lệnh, lễ tiết tác phong, kịp thời động viên, nhắc nhở góp phần nâng cao quyết tâm chiến đấu cho bộ đội…
Trung úy Nguyễn Minh Vương, Trưởng ngành Pháo tên lửa chỉ huy ngành tổ chức công kích tên lửa theo mệnh lệnh của Thuyền trưởng. |
Theo Thượng úy Quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Bùi Văn Lực, Tiểu đội trưởng Radar tên lửa: “Yêu cầu bắt buộc là chúng tôi không chỉ nắm vững chức trách, thao tác chính xác trên trang bị tại vị trí chiến đấu mình phụ trách, mà phải có thể và sẵn sàng thay thế 1 đến 2 vị trí khác trong tiểu đội. Như ở tiểu đội tên lửa, vị trí nhân viên bệ tên lửa vẫn có thể thao tác trên máy trong tình huống cần thiết. Ở các ngành, các tiểu đội khác cũng vậy, các vị trí đều phải sẵn sàng thay thế nhau đảm nhận nhiệm vụ”. Thuyền trưởng Mã Nguyên Thanh cho biết, yêu cầu “một vị trí phải thành thạo nhiều vị trí khác trong tiểu đội” đã trở thành một nguyên tắc bắt buộc trong huấn luyện chiến đấu mà Lữ đoàn 162 đặt ra đối với các đơn vị tàu.
Đồng chí Mã Nguyên Thanh cho biết thêm: “Huấn luyện chiến đấu là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và liên tục của các đơn vị tàu chiến như chúng tôi. Qua đó giúp phát hiện và khắc phục những bất cập cả về con người lẫn vũ khí trang bị kỹ thuật, bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ. Ví dụ có một số vị trí quân nhân mới về đơn vị, chưa bảo đảm định mức thời gian theo bảng bố trí chiến đấu, hay thao tác chưa chuẩn xác, chúng tôi yêu cầu thao tác từ mức thấp đến mức cao, thực hành thường xuyên trong quá trình huấn luyện bởi “trăm hay không bằng tay quen”.
Trong tình huống huấn luyện không có ánh đèn, các vị trí vẫn phải thao tác được trên trang bị. Đối với ngành Cơ điện thường xuyên phải làm việc ở khoang máy, khi gặp sự cố mất điện, các đồng chí trong ngành đều phải thuộc hết các ngóc ngách, vị trí cầu thang để tới được các vị trí cần xử lý trong điều kiện bóng tối. Đồng chí Thiếu tá QNCN Nguyễn Văn Lộc, Tiểu đội trưởng Tuabin chia sẻ: “Cảm giác thân thuộc trên trang bị chúng tôi có được nhờ các buổi huấn luyện được tiến hành liên tục, nhất là những buổi huấn luyện đêm”.
Các vị trí đều tập trung cao độ trong suốt quá trình huấn luyện chiến đấu. |
Theo Thiếu tá Nguyễn Phi Hùng, Phó thuyền trưởng, trong từng bảng bố trí chiến đấu đều có tiêu chuẩn về định mức thời gian, khẩu lệnh của người chỉ huy, hành động của bộ đội. Nếu không đạt định mức thời gian bắt buộc phải huấn luyện đi huấn luyện lại đối với vị trí nào chưa đạt yêu cầu. Vì điều kiện thực tế có thể phức tạp hơn, nên để nâng cao chất lượng, hiệu quả huấn luyện, huấn luyện sát thực tiễn, Đảng ủy-Chỉ huy tàu thường đặt ra những mục tiêu, định mức thời gian cao hơn nhưng phải bảo đảm an toàn trong các tình huống kỹ thuật và chiến thuật.
Chia sẻ với phóng viên, Thượng tá Hoàng Anh nhấn mạnh: “Đặc điểm nổi bật trong huấn luyện của Lữ đoàn “thép” 162 là tăng cường huấn luyện đêm, huấn luyện trong điều kiện thời tiết xấu, tăng dần cường độ, đưa ra tình huống chiến đấu sát thực tiễn nhất có thể. Qua đó rèn luyện cán bộ, chiến sĩ có kỹ năng, kinh nghiệm xử lý đồng thời nhiều tình huống, trạng thái chiến thuật. Đó là điều kiện tiên quyết để Lữ đoàn luôn sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ bất cứ khi nào có lệnh”.
Theo qdnd.vn
Ý kiến ()