Kỳ lạ “Bảy chuyện kể Gothic”
“Kỳ lạ, không dễ để hiểu, như một mê cung chữ nghĩa” là những lời nhận xét mà các nhà phê bình dành cho “Bảy chuyện kể Gothic” của nữ nhà văn Đan Mạch Isak Dinesen. Sách vừa được Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam ấn hành.
Isak Dinesen tên thật là Karen Christentze Dinesen, cũng là tác giả của cuốn sách nổi tiếng “Châu Phi nghìn trùng”, từng được Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam chuyển ngữ và xuất bản. “Bảy chuyện kể Gothic” là tác phẩm đầu tay của bà, xuất bản năm 1934. Đây cũng chính là tác phẩm đã đưa bà trở thành một trong những nhà văn quan trọng nhất của thế kỷ 20.
“Bảy chuyện kể Gothic” gồm 7 truyện, được đặt trong bối cảnh châu Âu thế kỷ XIX. Các truyện này xoay quanh nhiều chủ đề, là sự kết hợp giữa các yếu tố lãng mạn và siêu nhiên với lối kể chuyện châm biếm, tinh tế. Nhà phê bình Đỗ Lai Thúy ví tác phẩm này là “một tòa kiến trúc ngôn ngữ đồ sộ, bí hiểm, khó vào”.
Bảy câu chuyện bao gồm “Những con đường vòng quanh Pisa”, “Lão hiệp sĩ”, “Con khỉ”, “Trận lụt tại Norderney”, “Bữa tối tại Elsinore”, “Những kẻ sống trong mơ” và “Thi nhân”.
Văn học Gothic là một thể loại hư cấu kết hợp hai yếu tố kỳ bí và lãng mạn, xuất hiện tại Anh từ cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX. Khi được hỏi tại sao lựa chọn tựa đề “chuyện kể Gothic”, Dinesen đáp: “Bởi tại Anh, nó đặt các câu chuyện vào bối cảnh thời đại và hàm ý về điều gì đó mà vừa mang sắc thái đề cao vừa ngập tràn bầu không khí giễu nhại trong thế giới yêu ma, bí ẩn”. Bà cho biết mình không muốn viết theo đúng phong cách Gothic thật sự, mà sao phỏng phong cách Gothic, thời đại Lãng mạn của Byron.
Từng trang sách của “Bảy chuyện kể Gothic” dẫn dắt người đọc như lạc vào một mê cung, một câu đố, không gian đa chiều, mà mỗi một tình tiết mới khiến ta không ngừng òa lên bất ngờ, phải trở lại đầu truyện để tìm những manh mối ẩn giấu mà tác giả đã khéo léo cài vào. Cứ mỗi lần đọc lại, chúng ta lại khám phá những chi tiết, ẩn ý mới.
Mùa xuân năm 1933, “Bảy chuyện kể Gothic” chính thức được viết xong, nhưng khi tác giả gửi tới một số nhà xuất bản ở Anh thì bị từ chối. Em trai của tác giả, ông Thomas Dinesen đã gửi bản thảo cho nhà văn người Mỹ Dorothy Canfield (thành viên ban tuyển chọn sách của Câu lạc bộ Sách của tháng). Canfield rất ấn tượng và đã giới thiệu “Bảy chuyện kể Gothic” cho Nhà xuất bản Mỹ Harrison Smith & Robert Haas.
Để in được, Nhà xuất bản ra điều kiện là Karen Dinesen không được nhận tiền tạm ứng và sách phải do nhà văn nổi tiếng viết lời giới thiệu. Bà đồng ý và yêu cầu thêm: bà sẽ dùng bút danh chứ không dùng tên thật. Từ đây cái tên “Isak Dinesen” ra đời – “Dinesen” là họ thời con gái, “Isak” là phiên bản Đan Mạch của cái tên Isaac (có nghĩa là “tràng cười”), mang hàm ý về đứa con sinh sau đẻ muộn, không được mong đợi.
“Những niềm vui thú mà Isak Dinesen mang đến cho hằng bao độc giả đã vượt qua thời gian. ‘Bảy câu chuyện Gothic’ là dấu ấn mở màn cho một sự nghiệp văn chương nổi bật, tác phẩm đưa Dinesen vào danh sách các tác giả quan trọng của thế kỷ XX. Và hằng bao bạn đọc và cả người viết văn sẽ còn nhớ mãi về Isak Dinesen như một người bà, một người kể chuyện lão luyện, lúc nào cũng đem lại cho ta những điều bổ ích.”
Nữ văn hào Margaret Atwood
“Bảy chuyện kể Gothic” được xuất bản lần đầu ở Mỹ vào tháng 4/1934, và được Câu lạc bộ Sách của tháng gửi tặng tới các thành viên của họ. Cuốn sách nhanh chóng trở thành một “cú hích”. Riêng Câu lạc bộ đã cho in 50.000 bản (sau khi thỏa thuận bản quyền với Nhà xuất bản Harrison Smith & Robert Haas).
Bản tiếng Việt do dịch giả Nguyễn Tuấn Bình chuyển ngữ. Anh cũng là dịch giả của một số tác phẩm đã xuất bản như: “Lịch sử và nghệ thuật của những cây cầu” (H. G. Tyrrell), “Lịch sử bóng đá bằng tranh” (David Squires), “Ba bậc thầy” (Stefan Zweig), “Đảo ngược kim tháp” (Jonathan Wilson), “Lịch sử thế giới qua 100 hiện vật” (Neil MacGregor), “Đời con” (Pearl S. Buck).
“Bảy chuyện kể Gothic” bản tiếng Việt có thêm 10 tranh minh họa màu đầy ma mị, quyến rũ, như là một phần quà tặng bạn đọc góp thêm sự hấp dẫn và thú vị.
Họa sĩ Hoa Quỳnh đảm nhiệm việc vẽ tranh minh họa cho tác phẩm. Họa sĩ cho biết: “Ban đầu chúng tôi khá lo lắng vì nhận ‘đề bài’ là làm mới lại những tác phẩm minh họa đã có. Bản chất những tác phẩm đó đã thể hiện được tinh thần của ‘Bảy chuyện kể Gothic’ rất tốt, do đó chúng tôi sẽ gặp áp lực hơn vì cái bóng quá lớn. Tuy nhiên, dịch giả Nguyễn Tuấn Bình đã hỗ trợ cung cấp thêm tư liệu để hoàn thiện quá trình vẽ cho đúng bối cảnh lịch sử. Điều đó giúp chúng tôi nhanh chóng hoàn thiện tranh nhưng vẫn giữ nguyên tinh thần của tác phẩm và của họa sĩ minh họa trước, chỉ làm mới ý tưởng, hình ảnh nhân vật, chi tiết, cho nên đây có thể được hiểu là những bản vẽ được ‘cover’ lại”.
Ngoài ra, dịch giả Nguyễn Tuấn Bình cũng lược dịch thêm phần phân tích 7 truyện từ cuốn sách “Understanding Isak Dinesen” (Để hiểu Isak Dinesen) của nhà phê bình Susan C. Brantly, qua đó độc giả có thể hiểu hơn phong cách viết của Isak Dinesen.
Isak Dinesen sinh năm 1885 tại một trang viên gần bờ biển, cách Copenhagen khoảng 25 cây số về phía bắc. Cha bà, Wilhelm Dinesen, là quân nhân, nhà thám hiểm và nhà văn, mẹ xuất thân trong một gia đình thương gia giàu có. Lớn lên, bà kết hôn, rồi sang châu Phi sinh sống và sau 17 năm thì trở về Đan Mạch. Một số truyện ngắn của Isak Dinesen đã được đăng trên tạp chí ở Đan Mạch với bút danh Osceola. Bà được biết đến nhiều nhất qua “Bảy chuyện kể Gothic” và “Châu Phi nghìn trùng”. Hai trong số tác phẩm của bà được chuyển thể thành phim là “Châu Phi nghìn trùng” năm 1985 và “Ehrengard” năm 2023.
Ý kiến ()