Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV: Xây dựng lại cơ chế điều hành giá bán lẻ xăng dầu hợp lý hơn
Chiều 17-10, tại Nhà Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì buổi họp báo về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV.
Xem xét, cho ý kiến về Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Phòng thủ dân sự
Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV sẽ họp phiên trù bị và khai mạc trọng thể vào ngày 20-10-2022. Theo dự kiến chương trình, Quốc hội sẽ họp tập trung trong thời gian 21 ngày, dự kiến bế mạc vào ngày 15-11-2022.
Thông tin tại phiên họp, đồng chí Phạm Thái Hà, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, mặc dù khối lượng công việc rất lớn nhưng với tinh thần cải tiến, đổi mới, sự chuẩn bị tích cực, chủ động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội nên thời gian kỳ họp lần này đã được rút ngắn còn 21 ngày làm việc, trong đó có hai ngày thứ bảy nhưng vẫn bảo đảm yêu cầu về chất lượng.
Tại kỳ họp thứ tư này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 7 dự án luật, 3 dự thảo Nghị quyết; đáng chú ý gồm: Luật Dầu khí (sửa đổi); Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi); Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá; Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk…
Quốc hội cũng sẽ xem xét, cho ý kiến 7 dự án Luật, gồm: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Phòng thủ dân sự.
Tại kỳ họp, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo về: Quyết định kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2023…
Quang cảnh buổi họp báo về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV. |
Đáng chú ý, Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội; xem xét các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về: Công tác phòng, chống tham nhũng; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án năm 2022 (trong đó có nội dung về công tác quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam); xem xét, quyết định công tác nhân sự và xem xét, quyết định vấn đề quan trọng khác…
Miễn nhiệm Bộ trưởng Giao thông vận tải theo nguyện vọng cá nhân
Một trong những nội dung đáng chú ý tại kỳ họp là Quốc hội xem xét, quyết định công tác nhân sự với việc kiện toàn một số chức danh cấp cao.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về lý do Quốc hội xem xét phê chuẩn miễn nhiệm chức danh Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đối với đồng chí Nguyễn Văn Thể và phê chuẩn bổ nhiệm nhân sự thay thế, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã phê chuẩn bổ nhiệm đồng chí Nguyễn Văn Thể giữ chức Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải nhiệm kỳ 2021 – 2026 theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ.
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh, từ đầu nhiệm kỳ tới nay cũng như trong nhiệm kỳ khóa XIV, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã cùng tập thể lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội giao.
“Đến nay, theo nguyện vọng cá nhân và theo phân công của cấp có thẩm quyền, dự kiến tại Kỳ họp thứ tư, Thủ tướng Chính phủ sẽ đề nghị Quốc hội xem xét phê chuẩn miễn nhiệm chức danh Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đối với đồng chí Nguyễn Văn Thể”, Tổng Thư ký Quốc hội thông tin.
Đề nghị xây dựng lại cơ chế điều hành giá bán lẻ xăng dầu hợp lý hơn
Trước vấn đề xăng dầu thời gian qua gây nhiều bức xúc cho người dân, trả lời câu hỏi của phóng viên về vấn đề này, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Minh Sơn khẳng định, đây là vấn đề thuộc điều hành giá bán lẻ xăng dầu của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính.
Trong đó có nguyên nhân là do giá xăng dầu của thế giới biến động với biên độ lớn trong khi chu kỳ điều hành giá xăng dầu chưa phù hợp. Do đó, Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng lại cơ chế điều hành giá bán lẻ hợp lý hơn, vừa bảo đảm lợi ích của người dân, doanh nghiệp cũng như lợi ích của các thương nhân đầu mối xuất nhập khẩu và đơn vị bán lẻ xăng dầu.
Về việc xem xét giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Minh Sơn cho biết, tại thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ khẩn trương nghiên cứu các nội dung liên quan đến thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng dầu để trình Quốc hội xem xét, quyết định phù hợp trong trường hợp giá xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, tăng cao hoặc vẫn giữ ở mức cao, tác động đến chỉ số lạm phát, kinh tế vĩ mô, sinh kế, đời sống của người dân và tăng trưởng nền kinh tế.
Đến nay, Chính phủ vẫn chưa có tờ trình báo cáo Quốc hội về nội dung này. Khi Chính phủ có tờ trình, các cơ quan của Quốc hội sẽ tiến hành xem xét thẩm tra, nếu đủ điều kiện sẽ báo cáo Quốc hội trong kỳ họp gần nhất.
Ý kiến ()