Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV: Cán bộ sợ sai, xã hội khó phát triển
Thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội, đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) nhấn mạnh quan điểm không đồng tình với cán bộ có suy nghĩ “thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử”.
Sáng 28-10, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội tiếp tục thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước theo chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ tư. Vấn đề chậm giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các gói chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, tiếp tục nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội.
Quang cảnh phiên họp Quốc hội sáng 28-10. |
Đại biểu Lý Thị Lan (đoàn Hà Giang) nêu thực trạng giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt tiến độ đề ra; việc phân bổ, triển khai thực hiện ba chương trình mục tiêu quốc gia còn rất chậm; các văn bản hướng dẫn của một số bộ, ngành còn chưa rõ; các địa phương còn lúng túng trong việc phân cấp định mức ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng; giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư ảnh hưởng lớn đến mục tiêu xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Nhấn mạnh tỷ lệ giải ngân vốn đấu tư công, nhất là nguồn vốn liên quan tới các gói chính sách phục hồi và phát triển kinh tế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, các đại biểu Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình), Trương Trọng Nghĩa (đoàn thành phố Hồ Chí Minh), Đỗ Thị Lan (đoàn Quảng Ninh), Thích Bảo Nghiêm (đoàn Hà Nội) đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân của tình trạng này và có giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công hiệu quả hơn.
Đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) nêu quan điểm, tiến độ giải ngân các chương trình, dự án trọng điểm quốc gia; công trình, dự án quan trọng của địa phương; các chương trình mục tiêu quốc gia và gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội sau đại dịch Covid-19 còn chậm là điểm nghẽn mới trong tăng trưởng.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành. |
Theo đại biểu Tạ Thị Yên, việc giải ngân chậm do vướng mắc về quy trình, thủ tục khi triển khai các kế hoạch, chương trình, dự án có phần là do phân bổ vốn chậm, chuẩn bị đầu tư chưa kỹ. Tuy nhiên, yếu tố chủ quan của con người, bộ máy vẫn là khâu quyết định.
Đại biểu nhấn mạnh quan điểm không đồng tình với suy nghĩ của cán bộ “thà đứng trước hội đồng kỷ luật, còn hơn đứng trước hội đồng xét xử”. Từ chủ trương chính sách hết sức đúng đắn của Đảng, Quốc hội thể chế hóa, luật hóa, Chính phủ đã điều hành rất quyết liệt, “nhưng cấp cơ sở thì tâm lý e ngại, sợ sai, đùn đẩy, sợ trách nhiệm… như vậy thì làm sao có thể thúc đẩy xã hội phát triển”.
Đại biểu Tạ Thị Yên phân tích, trong khi Quốc hội khẩn trương làm ngày, làm đêm để các chủ trương, chính sách mới sớm đi vào cuộc sống, góp phần tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, vậy mà kết quả đạt được còn rất xa so với kỳ vọng, mục tiêu, nhiệm vụ được thiết kế trong chính sách kèm theo nguồn lực tài chính công. Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần phê bình hiện tượng này và đã từng nói thẳng: “Ai không làm thì đứng sang một bên”.
Đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên. |
Đại biểu cho rằng, nếu làm đúng quy định của pháp luật, trong sáng, vì nước, vì dân thì không có gì phải ngại, vì đứng sau còn có cả tập thể lãnh đạo, có cơ chế bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Trên cơ sở đó, đại biểu Tạ Thị Yên đề nghị Chính phủ siết chặt hơn nữa kỷ luật hành chính, kỷ cương công vụ, đánh giá cán bộ theo kết quả công việc cụ thể. Nếu cán bộ không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, thực hiện không hiệu quả thì cần xem xét lại việc bố trí cán bộ, thuyên chuyển, bố trí công việc khác phù hợp hơn với năng lực sở trường.
Ý kiến ()