Kỳ họp thứ nhất: Tiết kiệm, chống lãng phí phải trở thành thói quen
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng chống lãng phí, thực hành tiết kiệm phải bắt đầu từ giáo dục, từ đạo đức và coi nó như nếp sống hàng ngày.
Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, sáng 26/7, Quốc hội thảo luận ở hội trường về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020.
Đánh giá kỹ vấn đề phân bổ ngân sách
Nhất trí nội dung báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019, nhiều đại biểu cho rằng, nội dung Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội đã nêu đầy đủ những thành tựu cũng như những tồn tại hạn chế trong thực hiện ngân sách năm 2019.
Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân (Thành phố Hồ Chí Minh), năm 2019 là năm Việt Nam đạt được nhiều thành tựu toàn diện nhất kể từ khủng hoảng tài chính năm 2008.
Là năm thứ hai liên tiếp Việt Nam đạt được tăng trưởng trên 7%, năm 2019, Việt Nam đảm bảo được các khoản cân đối lớn cho nền kinh tế, kiểm soát được lạm phát, thặng dư thương mại lớn, xuất siêu.
Đại biểu đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc tiết kiệm các khoản chi. Trong năm 2019, với tốc độ tăng trưởng kinh tế như vậy, tổng thu ngân sách đã tăng 10,1%, chi ngân sách giảm được 6,5%.
Nhờ thu tăng chi giảm, bội chi ngân sách từ 3,6% GDP xuống còn 2,67% GDP nên nợ công giảm còn 55% GDP. Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, đây là nỗ lực cần phải được tiếp tục phát huy trong giai đoạn tới.
Cũng theo đại biểu, Báo cáo thẩm tra chỉ ra những tồn tại trong thực hiện ngân sách 2019 để từ đó có hướng khắc phục như: Vấn đề về nợ thuế, thất thu thuế, kê khai thuế, chậm triển khai những chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa…
Thống nhất với đại biểu Trần Hoàng Ngân về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019, đại biểu Hoàng Thị Đôi (Sơn La) nêu ý kiến về định mức chi ngân sách giai đoạn 2016-2021.
Đại biểu đánh giá, định mức này cơ bản phù hợp với cả nước. Tuy nhiên, đối với các tỉnh miền núi, địa bàn rộng, dân cư thưa thớt, quá trình thực hiện có những điểm chưa phù hợp theo tiêu chí vùng, tiêu chí dân số.
“Nội dung này chưa bao quát được các yếu tố đặc thù khác như vùng cao, vùng biên giới, vùng dân tộc thiểu số, các xã nghèo, bản đặc biệt khó khăn có tỷ lệ hộ nghèo cao…,” đại biểu nêu rõ.
Vì vậy, đại biểu Hoàng Thị Đôi đề nghị, khi tính toán xây dựng định mức chi giai đoạn 2022-2025, Chính phủ cần nghiên cứu bổ sung thêm các yếu tố nêu trên, ngoài mức chi bình quân phải cộng thêm các chỉ tiêu hoặc hệ số đối với các địa phương có tính chất đặc thù để đảm bảo nguyên tắc hỗ trợ bổ sung cân đối từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương đạt mức chi bình quân vùng và tối thiểu không thấp hơn mức trần chi ngân sách năm 2020.
Đề cập sâu hơn đến việc phân bổ ngân sách liên quan đến ý kiến của đại biểu Hoàng Thị Đôi (Sơn La), Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành cho rằng, theo Nghị quyết 266 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2017 có phân chia ngân sách cho các địa phương theo 4 nhóm: đô thị, đồng bằng, miền núi, vùng dân tộc thiểu số và vùng hải đảo.
Đại biểu cho rằng việc phân bổ theo các tiêu chí phân loại như vậy là phù hợp. Tuy nhiên, một số hệ số cần được điều chỉnh một cách cụ thể, phù hợp hơn.
Đến giai đoạn này, việc phân bổ ngân sách lại theo tiêu chí dân số, với 4 nhóm là vùng đặc biệt khó khăn, vùng khó khăn, vùng đô thị và các vùng khác.
Theo đại biểu, việc phân bổ theo tiêu chí này là không phù hợp vì đây là sự phân bổ theo theo tiêu chí về trình độ phát triển và có sự thay đổi theo thời gian.
Việc phân định theo các xã đặc biệt khó khăn, các vùng khó khăn theo Quyết định 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực 3, khu vực 2, khu vực 1 thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025. Theo đó, các xã khu vực này chỉ bao gồm 3.434 xã, trong đó có 1.551 xã được xem là xã đặc biệt khó khăn; 210 xã khó khăn và 1.637 xã còn lại.
Theo ông Nguyễn Lâm Thành, danh sách này không bao phủ hết các xã khó khăn của miền núi và các xã khó khăn vùng đồng bằng bởi nếu chiếu theo danh mục của theo Nghị quyết 226, có tới gần 5.300 xã.
Điều này đồng nghĩa với việc gần 2.000 xã của vùng miền núi và các vùng khó khăn còn lại không được hưởng định mức về ngân sách một cách hợp lý.
Đại biểu đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Tài chính nghiên cứu xem xét để điều chỉnh phù hợp với nội dung này để tránh ảnh hưởng đến phân bổ ngân sách sự nghiệp ở các địa phương liên quan đến giáo dục, y tế, an ninh, quốc phòng, biên giới…
Chống lãng phí, thực hành tiết kiệm phải bắt đầu từ giáo dục, đạo đức
Liên quan đến kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020, đại biểu Trần Hoàng Ngân khẳng định, với phương châm kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả, đi kèm theo đó là những quy định về thể chế, định mức, tiêu chuẩn, chế độ ban hành nhiều văn bản, năm 2020 Chính phủ đã thực hiện nhiều nội dung thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và đạt được một số kết quả tích cực.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, vẫn còn một số tồn tại trong liên quan đến mua sắm tài sản công, cải cách hành chính, tinh giản biên chế…
“Để công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đi vào chiều sâu, chúng ta cần phải tổ chức tốt hơn công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức trách nhiệm trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Thứ hai là thể chế phải chặt chẽ, khả thi; phân công, phân cấp phải rõ ràng,” đại biểu nêu ý kiến.
Trong các nội dung về tiết kiệm, theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, tiết kiệm về thời gian là quan trọng nhất. Triển khai thực hiện tinh thần Nghị quyết 18, Hội nghị Trung ương lần thứ 6, khóa XII về phân cấp phân quyền giữa Trung ương và địa phương, đại biểu nhận thấy, Quốc hội đã ngày càng đưa nhiều nội dung này vào trong các văn bản pháp luật.
Nêu ví dụ đối với công tác phòng, chống dịch COVID-19, đại biểu cho rằng, các phương châm tại chỗ, phân cấp phân quyền cho địa phương đã thể hiện rõ hiệu quả hơn.
Việc phân cấp, phân quyền cho các địa phương triệt để sẽ giảm đi nhiều khâu, trung gian, nhiều thủ tục và quan trọng hơn là giảm thời gian đi lại từng địa phương ra Trung ương.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 cần hạn chế việc đi lại, đại biểu cho rằng, việc phân cấp, phân quyền tới địa phương sẽ càng có ý nghĩa.
“Dĩ nhiên, đi kèm với đó là việc nâng cao năng lực, khả năng thực hiện của cấp dưới và tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, cá thể hóa trách nhiệm,” đại biểu Trần Hoàng Ngân nêu rõ.
Nêu ý kiến đối với nội dung thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng, lãng phí diễn ra ở nhiều ngành, nhiều cấp và nhiều nơi. Lãng phí còn đáng lên án, phê phán.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí mong Đảng, Nhà nước quan tâm để công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí phải xứng với yêu cầu của cử tri.
“Chúng ta chống lãng phí không phải là đợi để bắt xét xử rồi cho vào tù, bởi rất khó định tội vì khi xảy ra rồi sẽ không còn nhiều hiệu quả. Chống là để chủ động không cho gây lãng phí, muốn vậy phải đẩy mạnh giáo dục, truyền thông. Phải coi tiết kiệm là lẽ sống, là đạo đức để mà sống, thực hành và quản lý xã hội,” đại biểu Nguyễn Anh Trí kiến nghị.
Đồng quan điểm, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, muốn tiết kiệm, chống lãng phí thực chất phải có kế sách bền vững, lâu dài, mọi nơi, mọi lúc.
Tiết kiệm, chống lãng phí phải trở thành thói quen, nếp sống của từng cá nhân trước khi trở thành yêu cầu của một cán bộ, công chức. “Chống lãng phí, thực hành tiết kiệm phải bắt đầu từ giáo dục, từ đạo đức và coi nó như nếp sống hàng ngày,” đại biểu Trương Trọng Nghĩa nêu ý kiến./.
Ý kiến ()