Thông báo chương trình kỳ họp, Phó Tổng thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Lê Minh Thông cho biết, kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIV có vai trò đặc biệt quan trọng, tạo tiền đề cho hoạt động của Quốc hội trong cả nhiệm kỳ.
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tập trung phần lớn thời gian để xem xét, quyết định về tổ chức, nhân sự cấp cao của Nhà nước. Quốc hội cũng xem xét, thảo luận các báo cáo về kinh tế – xã hội và quyết định một số vấn đề quan trọng khác.
Công tác tổ chức, nhân sự cấp cao của Nhà nước là nội dung trọng tâm của kỳ họp đầu nhiệm kỳ nên phần lớn thời gian của kỳ họp lần này dành cho việc xem xét, quyết định về công tác nhân sự. Quốc hội sẽ dành khoảng 6 ngày làm việc để xem xét, quyết định về công tác nhân sự Nhà nước.
Khác với các khóa Quốc hội trước, Quốc hội khóa XIV sẽ không tiến hành thẩm tra tư cách đại biểu và thông qua nghị quyết về việc xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội tại kỳ họp đầu tiên. Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân đã trao thẩm quyền xác nhận tư cách của người trúng cử đại biểu Quốc hội cho Hội đồng bầu cử quốc gia.
Hội đồng bầu cử quốc gia căn cứ vào kết quả tổng kết bầu cử đại biểu Quốc hội, kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan người trúng cử đại biểu Quốc hội để tiến hành xác nhận tư cách của người trúng cử đại biểu Quốc hội, cấp giấy chứng nhận đại biểu Quốc hội khóa mới cho người trúng cử và báo cáo Quốc hội khóa mới về kết quả xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội tại kỳ họp đầu tiên.
Tại kỳ họp này Quốc hội sẽ nghe Hội đồng bầu cử quốc gia báo cáo tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 và kết quả xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội được bầu.
Quốc hội sẽ tiến hành bầu Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội và các Ủy viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội; Bầu Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viên Kiểm sát Nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước; Quyết định cơ cấu tổ chức, số lượng thành viên Chính phủ; Phê chuẩn việc bổ nhiệm các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ; Phê chuẩn danh sách Phó chủ tịch và Ủy viên Hội đồng quốc phòng và an ninh.
Quốc hội sẽ dành khoảng 2 ngày làm việc để xem xét, thảo luận các báo cáo và quyết định một số vấn đề quan trọng của đất nước: Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2016; các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2016; Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014; Xem xét, thông qua các Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2017 và việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề; Nghị quyết về một số vấn đề quan trọng (nếu có); Báo cáo của Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc – Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XIV, Lễ tuyên thệ nhậm chức tiến hành với các chức danh Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao.
Theo đó, hình thức tuyên thệ cơ bản giống như đã thực hiện tại kỳ họp 11, Quốc hội khóa XIII. Tuy nhiên, để bảo đảm tính trang trọng, khi các chức danh theo quy định lên tuyên thệ thì Đoàn Chủ tịch sẽ đứng dưới và cùng tất cả đại biểu Quốc hội đứng lên nghiêm trang; đồng thời đại biểu không được quay phim, chụp ảnh.
Ý kiến ()