Kỳ họp thứ mười thành công trên nhiều mặt
Kỳ họp thứ mười đã kết thúc thành công và ghi những dấu ấn quan trọng trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII. Dưới đây là nhận định của một số đại biểu Quốc hội về sự kiện này.
NDĐT- Kỳ họp thứ mười đã kết thúc thành công và ghi những dấu ấn quan trọng trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII. Dưới đây là nhận định của một số đại biểu Quốc hội về sự kiện này.
* Đại biểu Phạm Tất Thắng, đoàn Vĩnh Long: Tôi cho rằng, đây là một kỳ họp thành công, thể hiện trên nhiều mặt. Đây là kỳ họp có số lượng luật, nghị quyết được đóng góp ý kiến, thông qua rất nhiều. Có nhiều luật, bộ luật hết sức đồ sộ và quan trọng trong đời sống xã hội như Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự… Các luật này đặc biệt quan trọng bởi liên quan đến quyền con người, quyền công dân đã được quy định trong Hiến pháp 2013. Các đạo luật này được sửa đổi, ban hành góp phần cụ thể hóa, thể chế hóa những quan điểm cơ bản ấy trong bản Hiến pháp mới nhất.
Kỳ họp này cũng quyết định những vấn đề quan trọng. Đó là đánh giá những kết quả về kinh tế – xã hội giai đoạn 2011 – 2015, đề ra phương hướng thực hiện các chỉ tiêu kinh tế – xã hội Nhà nước năm 2016, là năm đầu tiên của nhiệm kỳ tiếp theo.
Quốc hội cũng thực hiện những hoạt động giám sát, như giám sát về chức năng quản lý đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh. Quốc hội cũng có một hoạt động đặc biệt so với các kỳ họp trước: hình thức chất vấn và trả lời chất vấn khác biệt với các cuộc chất vấn trước đó trong cùng nhiệm kỳ. Đại biểu Quốc hội chất vấn tất cả các thành viên của Chính phủ, nêu vấn đề liên quan thực hiện các nghị quyết, các cam kết, lời hứa của các thành viên Chính phủ từ đầu nhiệm kỳ tới nay.
Đánh giá về sự thay đổi trong hoạt động chất vấn tại kỳ họp này, tôi nghĩ rằng, những đổi mới trong hoạt động Quốc hội đều có hai mặt. Thí dụ, trong một kỳ họp, phải thông qua số lượng lớn các luật, nghị quyết như vậy, việc đại biểu Quốc hội dành thời gian để có thể trao đổi, đóng góp sâu về một số luật nào đó sẽ không được nhiều như mong muốn. Việc đổi mới hình thức chất vấn cũng khiến không nhiều đại biểu được nêu câu hỏi tại phiên chất vấn. Nếu tiết kiệm thời gian, để nhiều đại biểu được đặt câu hỏi nhiều hơn, hoặc các bộ trưởng có thể trả lời sâu hơn sẽ có hiệu quả. Hoạt động đổi mới là cơ bản, nhưng bên cạnh đó, cũng rút kinh nghiệm cho những kỳ họp khác của nhiệm kỳ tiếp theo.
* Đại biểu Đỗ Văn Vẻ, đoàn Thái Bình: Tôi đánh giá kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIII thành công. Kỳ họp có nhiều điểm mới. Việc chất vấn và trả lời chất vấn để lại ấn tượng trong lòng nhân dân. Tại kỳ họp, toàn bộ thông điệp từ Chính phủ, các bộ, ngành,cơ quan chức năng, đã làm và chưa làm được, những tồn tại, khó khăn đều được báo cáo trước Quốc hội,
Tôi đánh giá cao hoạt động lần chất vấn và trả lời chất vấn lần này. Các đại biểu Quốc hội hỏi những vấn đề có thể rộng hơn, có thể hỏi Phó Thủ tướng, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, các Bộ trưởng, trưởng ngành. Các thành viên tham gia trả lời đều thể hiện tinh thần trách nhiệm với các câu hỏi của đại biểu Quốc hội.
Trong kỳ họp, Quốc hội chú trọng công tác về nhân sự, bầu Hội đồng Bầu cử quốc gia, bầu Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia và lần đầu tiên bầu Tổng thư ký Quốc hội.
Về cơ bản, tôi hài lòng về công tác chuẩn bị chương trình kỳ họp. Tuy nhiên, điều trăn trở là một số câu hỏi chất vấn của các đại biểu, do thời gian có hạn, nên chưa làm hết đến cùng. Nếu sau này, có thể đánh giá lại, rút kinh nghiệm, từ người đặt câu hỏi ngắn gọn, đi đúng trọng tâm thì sẽ tiết kiệm thời gian. Nếu rút kinh nghiệm, mở rộng hình thức chất vấn như thế này cho các kỳ sau cũng tốt hơn.
* Đại biểu Trần Du Lịch, đoàn TP Hồ Chí Minh: Các chương trình đặt ra cho kỳ họp này rất nặng trên cả ba lĩnh vực. Một là công tác về lập pháp. Hai là quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước như phân bổ ngân sách, đánh giá tình hình phát triển kinh tế – xã hội năm năm qua và kế hoạch năm năm tới. Cuối cùng là, thực hiện vai trò giám sát tối cao thông qua hoạt động chất vấn với tất cả các thành viên Chính phủ không giới hạn thời gian, cho cả nhiệm kỳ.
Kỳ họp thứ mười đã đạt những mục tiêu đề ra. Trong đó, công tác lập pháp phải thông qua thảo luận theo quy trình những đạo luật, bộ luật rất quan trọng như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự… rất nhiều luật khác liên quan đến việc triển khai luật hoá quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp 2013.
Chương trình họp tương đối khoa học, dành thời gian thoả đáng, nâng cao chất lượng thảo luận trong tất cả các vấn đề.
Về hạn chế, không chỉ kỳ ở họp này, mà do đặc điểm tỷ lệ đại biểu chuyên trách còn nhỏ, chủ yếu là đại biểu kiêm nhiệm, nên còn lúng túng giữa trách nhiệm tham gia các kỳ họp của đại biểu chuyên trách và các đại biểu kiêm nhiệm chưa rõ ràng. Cũng do tính chất cơ cấu, nên ngay cả các tham luận phát biểu phần nào còn mang tính cơ cấu địa phương, lĩnh vực… Như đã đánh giá khi bàn về Nội quy kỳ họp, làm sao tăng tính tranh luận, thảo luận trong các phiên thảo luận ở hội trường trong từng vấn đề để làm rõ hơn những vấn đề tối ưu, để khi Quốc hội quyết định chính xác hơn. Đặc biệt, làm sao chất lượng làm luật cao để tuổi thọ của các luật, không bị quá ngắn. Hiện nay, tuổi thọ của các luật ban hành còn ngắn. Có những luật mới ban hành đã phải sửa. Đây là bất cập. Tôi tin rằng, với đặc điểm như vậy, từ nhiệm kỳ tới, tinh thần đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu Quốc hội sẽ khắc phục dần những hạn chế đó.
Tôi kỳ vọng, nhiệm kỳ sau kế thừa được những điều kiện thuận lợi trong tình hình ổn định kinh tế hiện nay để có biện pháp mạnh mẽ hơn. Nhiệm kỳ sau thuận lợi hơn ở chỗ đã có hệ thống chính sách pháp luật được đổi mới, khung pháp lý tốt hơn so với nhiệm kỳ 2011 -2015.
Tôi tin rằng, muốn chất lượng hoạt động Quốc hội tốt hơn, kỳ vọng chất lượng đại biểu nhiệm kỳ tới cao hơn, đó là điều quyết định. Và trong nhiệm kỳ tới, hy vọng rằng, cơ cấu đại biểu thể hiện chất lượng cao nhiều hơn, là tính cơ cấu, trọng về chất lượng. Chính chất lượng đại biểu, cái tâm, cái tầm của đại biểu quyết định chất lượng của Quốc hội.
* Đại biểu Trần Ngọc Vinh, đoàn Hải Phòng: Là kỳ họp gần cuối cùng của Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ mười thành công và hoàn thành chương trình Quốc hội đề ra. Kỳ họp dành nhiều thời gian thảo luận nhiều vấn đề quan trọng, đặc biệt là tình hình xây dựng luật và pháp lệnh. Những bộ luật quan trọng thông qua tại kỳ họp này chi phối hoạt động kinh tế – xã hội của đất nước. Tôi đánh giá cao kỳ họp này. Phương thức đổi mới trong chất vấn cũng khác trước.
Tôi hy vọng, nhiệm kỳ sau sẽ bầu được những đại biểu có bản lĩnh trí tuệ, có tâm huyết đối với cử tri. Hoạt động của Quốc hội tốt hơn, chất lượng sẽ mỗi ngày nâng lên. Nhưng muốn hay không còn đợi phía trước, nhân dân và cử tri đánh giá xem đại biểu đã mang được tiếng nói tâm tư nguyện vọng của cử tri đến Quốc hội không, có bản lĩnh dám đứng lên chất vấn vấn đề nổi cộm hay không, có nhiệt tình tiếp nhận đơn thư khiếu nại của nhân dân và gửi đến các cơ quan, đôn đốc giải quyết … Hy vọng những đại biểu của nhiệm kỳ sau sẽ làm tốt hơn.
Nếu được, nên tăng tỷ lệ đại biểu chuyên trách, hạn chế đại biểu ở các cơ quan hành pháp. Tăng tỷ lệ đại biểu chuyên trách sẽ tránh không bị ràng buộc. Ở Việt Nam, tôi thấy đang nâng dần lên tỷ lệ đại biểu chuyên trách. Nếu được khoảng 50% thì tốt, trong khi tỷ lệ hiện tại mới đạt 30%.
* Đại biểu Vi Thị Hương, đoàn Điện Biên: Kỳ họp này có ý nghĩa quan trọng, vì thông qua nhiều luật, đạo luật quan trọng. Thí dụ, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Hình sự… liên quan nhiều đến đời sống nhân dân. Qua lắng nghe ý kiến của cử tri, hy vọng các đạo luật được thông qua sẽ đáp ứng trong thực tiễn.
Kỳ họp thứ mười cũng để lại cho tôi nhiều ấn tượng, với phiên chất vấn “chưa từng có” và phiên các đại biểu thảo luận về Nội quy kỳ họp.
Với kỳ vọng cá nhân, tôi mong muốn vấn đề xây dựng luật sẽ được thực hiện kỹ hơn trong các kỳ họp Quốc hội. Nên dành thêm thời gian để tiếp thu, trao đổi, xem xét kỹ các vấn đề, nhằm góp phần hoàn thiện nội dung các luật tốt hơn.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()