Kỳ họp thứ mười bảy, HĐND TP Hà Nội khóa XVI Kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng phòng cháy, chữa cháy
Ngày 1-7, trong khuôn khổ Kỳ họp thứ mười bảy, HĐND TP Hà Nội khóa XVI, Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP Hà Nội đã trình bày tờ trình về việc xem xét, thống nhất chủ trương ban hành Đề án nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn cứu hộ (CNCH) trên địa bàn Thủ đô giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Trên cơ sở định hướng, quy hoạch phát triển Thủ đô, đề án đưa ra dự báo tình hình và 5 nhóm giải pháp với 13 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá.
Theo đó, nhóm giải pháp thứ nhất là tăng cường sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, các cấp, ngành, địa phương từ cấp thành phố đến cấp cơ sở trong công tác PCCC và CNCH.
Nhóm giải pháp thứ hai là làm tốt công tác quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng. Tập trung giải quyết dứt điểm những tồn tại liên quan đến PCCC và CNCH với 2 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá là: Nhiệm vụ đối với các khu dân cư; nhiệm vụ đối với các công trình vi phạm PCCC trong lĩnh vực đầu tư xây dựng.
Nhóm giải pháp thứ ba là xây dựng và phát triển toàn diện hệ thống cơ sở của lực lượng cảnh sát PCCC và CNCH. Trong đó chú trọng 3 nhiệm vụ trọng tâm: Kiện toàn, thành lập bổ sung các đội, phân đội cảnh sát PCCC và CNCH, quy hoạch bổ sung địa điểm làm việc, doanh trại cho lực lượng cảnh sát PCCC và CNCH thành phố; tăng cường quân số, biên chế; đầu tư trang thiết bị, phương tiện PCCC và CNCH.
Nhóm giải pháp thứ tư là đầu tư phát triển hạ tầng PCCC và CNCH, với 3 nhiệm vụ trọng tâm: Hệ thống giao thông phục vụ PCCC; Hệ thống cung cấp nước phục vụ PCCC; Hệ thống thông tin liên lạc phục vụ PCCC.
Nhóm giải pháp thứ năm là kiện toàn, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các lực lượng PCCC tại chỗ.
Đồng chí Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, dự thảo đề án cũng đề ra 5 nhiệm vụ định kỳ, thường xuyên là tham mưu hoàn thiện thể chế trong việc thực hiện công tác PCCC và CNCH của thành phố; Nâng cao nhận thức, ý thức trong công tác PCCC và CNCH; nâng cao hiệu lực, hiệu quả và năng lực của các đơn vị thực hiện chức năng quản lý nhà nước về PCCC và CNCH; cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong công tác quản lý nhà nước và tăng cường công tác nghiên cứu khoa học về PCCC và CNCH.
Ý kiến ()