Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV: Tình hình cháy, nổ còn diễn biến phức tạp, cần xây dựng Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ
Sáng 19-6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Tại phiên họp, Thượng tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công an trình Quốc hội dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; nhấn mạnh, việc xây dựng luật nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và tăng cường sự lãnh đạo, quản lý về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
"Cần phải quy định đầy đủ trong dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ các nội dung về hoạt động cứu nạn, cứu hộ đối với những sự cố, tai nạn thông thường xảy ra trong đời sống hằng ngày mà lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đang thực hiện và chưa đến mức áp dụng cấp độ phòng thủ dân sự; bao gồm sự cố, tai nạn cháy, nổ, sập, đổ nhà, công trình, sạt lở đất, đá, có người bị mắc kẹt, tai nạn đuối nước…", Thượng tướng Lương Tam Quang nói.
Đồng thời, nghiên cứu, bổ sung vào dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ các quy định về: Tổ chức, hoạt động, phạm vi cứu nạn, cứu hộ, các điều kiện bảo đảm và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác cứu nạn, cứu hộ; công tác tuyên truyền, hướng dẫn kiến thức về cứu nạn, cứu hộ và những vấn đề khác liên quan, vừa bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm quyền con người, quyền công dân; vừa tạo cơ sở pháp lý minh bạch trong việc xác định, phân định cụ thể những nhiệm vụ mà lực lượng chức năng được thực hiện và giới hạn, phạm vi, cách thức thực hiện.
Bộ trưởng Lương Tam Quang nhấn mạnh, trong thời gian qua, tình hình cháy, nổ còn diễn biến phức tạp, nhất là tại các thành phố lớn, các khu đô thị tập trung đông dân cư với nhiều loại hình cơ sở mới xuất hiện đã và đang gây ra những thiệt hại về người và tài sản, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, đời sống xã hội, môi trường ổn định để phát triển kinh tế - xã hội…
Thực tế này đòi hỏi cấp thiết phải tăng cường các giải pháp, biện pháp, yêu cầu để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và việc sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy hiện hành là để kịp thời tạo cơ sở pháp lý nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy trong thực tiễn.
Từ đó, Bộ trưởng Lương Tam Quang nêu rõ: Việc xây dựng, ban hành Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ là cần thiết để khắc phục triệt để những hạn chế, bất cập, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật và tăng cường công tác quản lý nhà nước. Trong đó, quy định cụ thể về trách nhiệm phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, đặc biệt là của người đứng đầu cơ sở, chủ phương tiện giao thông cơ giới, chủ hộ gia đình, chủ đầu tư dự án, công trình, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong thẩm định, thẩm tra về phòng cháy, chữa cháy; quy định việc xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ phù hợp với thực tiễn; quy định về phòng cháy trong sử dụng, cung ứng điện…
Dự thảo luật gồm 9 chương, 65 điều, trong đó có các quy định về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, xây dựng, bố trí lực lượng, nhiệm vụ của lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; bảo đảm điều kiện cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ…
Đại diện cơ quan thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cơ bản nhất trí sự cần thiết ban hành Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đề nghị tiếp tục nghiên cứu, thể chế đầy đủ, toàn diện và cụ thể hơn trong dự thảo luật các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, rà soát kỹ các luật có liên quan để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Về tính khả thi của dự thảo luật, có ý kiến đề nghị nghiên cứu, đánh giá cụ thể tác động của chính sách trong dự thảo luật, đặc biệt cần làm rõ những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn sẽ được khắc phục bằng những quy định cụ thể tại dự thảo luật. Có ý kiến cho rằng dự thảo luật còn nhiều nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết hoặc thực hiện theo quy định của Chính phủ, do đó cần nghiên cứu quy định rõ trong dự thảo luật.
Ý kiến ()