Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Kỳ vọng vào những đột phá để tháo gỡ khó khăn thực tiễn
Sau Hội nghị Trung ương 10, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV diễn ra với những nhiệm vụ đặc biệt, không chỉ về khối lượng công việc lớn, đặc biệt là trong công tác lập pháp, mà còn ở sự đổi mới trong tinh thần xây dựng luật. Các đại biểu Quốc hội kỳ vọng những đổi mới này sẽ góp phần tháo gỡ các điểm nghẽn trong phát triển kinh tế-xã hội, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của đất nước.
Đổi mới trong xây dựng pháp luật
Trong ngày khai mạc Kỳ họp thứ 8, nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội được ghi nhận bên hành lang Quốc hội, bày tỏ kỳ vọng những nội dung được đưa ra bàn thảo và các dự án luật, nghị quyết sẽ giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn.
Ông Nguyễn Hải Dũng, đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định nhận định: "Kỳ họp thứ 8 diễn ra ngay sau Hội nghị Trung ương 10, và tôi cho rằng đây là một kỳ họp với nhiều sự đổi mới đáng chú ý, đặc biệt trong công tác lập pháp. Chúng ta đã xác định rõ mục tiêu xây dựng luật pháp phải ngắn gọn, dễ hiểu, có tính thực tiễn cao và không lồng ghép các nội dung thuộc nghị định, thông tư".
Ông cũng khẳng định, quan điểm xây dựng luật này hoàn toàn phù hợp với xu hướng quốc tế và sẽ giúp tháo gỡ các điểm nghẽn hiện nay trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội.
Cũng đồng tình với ý kiến này, bà Nguyễn Thị Việt Nga, đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương nhấn mạnh thêm về tính hiệu quả trong quá trình xây dựng luật: "Nhiều điểm mới trong công tác xây dựng luật đã được quán triệt rất rõ ràng. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã nhiều lần nhấn mạnh việc xây dựng các văn bản luật phải ngắn gọn, không quy định dài dòng mà tập trung vào các nội dung cần thiết, để Chính phủ có thể quy định chi tiết".
Với khối lượng công việc lớn trong kỳ họp này, các đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm đến các danh mục được xem xét cho ý kiến và thông qua. Bà Nga kỳ vọng rằng, với những nội dung trọng điểm được thảo luận, sau kỳ họp, Quốc hội sẽ tháo gỡ được nhiều khó khăn và mang lại sức bật mới cho sự phát triển kinh tế-xã hội, từ đó góp phần hoàn thành các mục tiêu của nhiệm kỳ 2020-2025.
Giám sát chặt chẽ, tăng tính hiệu quả
Ngoài công tác lập pháp, hoạt động giám sát tại kỳ họp lần này cũng được các đại biểu Quốc hội đánh giá cao. Ông Nguyễn Quang Huân, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương cho biết, Kỳ họp thứ 8 đã có những đổi mới tích cực về phương pháp làm việc, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các đại biểu đóng góp ý kiến.
Ông chia sẻ: "Một trong những điểm rất mới của kỳ họp này là hướng đại biểu Quốc hội bàn về các quyết sách lớn, không sa đà vào các câu từ mà tập trung vào nội dung. Thời gian báo cáo được giảm bớt để các đại biểu có thêm thời gian thảo luận, trao đổi tại tổ, qua đó ghi nhận được nhiều ý kiến đóng góp thiết thực vào các dự thảo luật".
Về hoạt động giám sát tối cao, ông Nguyễn Hải Dũng cho rằng, việc giám sát thường xuyên các hoạt động của Chính phủ, bộ, ngành sẽ giúp các đại biểu đặt ra những câu hỏi đúng, trúng, từ đó thúc đẩy quá trình giải quyết những tồn tại, hạn chế.
Ông cũng nhấn mạnh, kỳ họp này sẽ tiến hành chất vấn đối với 3 Bộ trưởng, và hy vọng rằng thông qua hoạt động giám sát, các bộ, ngành sẽ nhận thức rõ những tồn tại để tiếp tục cải thiện, tháo gỡ vướng mắc.
Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp bày tỏ sự kỳ vọng về chất lượng của kỳ họp. Bà cho biết: "Thời gian của kỳ họp này được kéo dài hơn và nội dung nhiều hơn. Chúng tôi tin rằng với sự đổi mới trong cách điều hành của lãnh đạo Quốc hội, toàn bộ các nội dung sẽ được hoàn thành với chất lượng tốt nhất".
Một trong những nội dung quan trọng tại kỳ họp này là các dự án luật và nghị quyết được đưa ra để thảo luận, thông qua. Dự kiến, Quốc hội sẽ thông qua 15 luật, đồng thời cho ý kiến lần đầu đối với 13 luật khác.
Một số nội dung đặc biệt quan trọng, được cử tri và nhân dân quan tâm, bao gồm các dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), Luật Điện lực (sửa đổi), chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao bắc-nam, việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương...
Đặc biệt, theo ông Nguyễn Quang Huân, trong trường hợp các dự án luật quan trọng chưa thể thông qua theo quy trình một kỳ họp, Quốc hội có thể ban hành nghị quyết riêng để tháo gỡ các vấn đề cấp bách.
Các đại biểu Quốc hội đều đồng thuận rằng kỳ họp thứ 8 lần này mang lại nhiều cơ hội và kỳ vọng cho sự phát triển của đất nước. Ông Nguyễn Hải Dũng tin tưởng rằng, với sự đổi mới trong cách tiếp cận và xây dựng luật, cùng với sự giám sát chặt chẽ, Quốc hội sẽ tháo gỡ được nhiều khó khăn, đặc biệt là các vấn đề tồn đọng trong sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội.
Bà Nguyễn Thị Việt Nga chia sẻ niềm tin rằng, sau kỳ họp, các dự án luật được thông qua sẽ mang lại những chuyển biến tích cực, giúp tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp phát triển.
Ý kiến ()