Kỳ họp thứ 7 Quốc hội XV: Thảo luận ở tổ về các nội dung cải cách tiền lương và phương án gia hạn trả nợ đối với khoản vay tái cấp vốn
- Chiều 25/6, tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội thảo luận ở tổ về các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH), trợ cấp ưu đãi người có công (NCC) và trợ cấp xã hội từ ngày 1/7/2024 và phương án gia hạn trả nợ đối với khoản vay tái cấp vốn theo Nghị quyết số 135/2020/QH14 ngày 17/11/2020 của Quốc hội. Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn tham gia thảo luận tại Tổ 13 với Đoàn ĐBQH các tỉnh: Bắc Ninh, Đắk Lắk, Hậu Giang. Tham dự phiên thảo luận tại tổ có đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội.
Theo báo cáo của Chính phủ, đối với khu vực doanh nghiệp, Chính phủ sẽ thực hiện đầy đủ theo đúng nội dung Nghị quyết số 27-NQ/TW gồm 2 nội dung: Điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng (theo tháng và theo giờ) theo quy định của Bộ luật Lao động (tăng 6% áp dụng từ ngày 1/7/2024); Quy định cơ chế tiền lương đối với doanh nghiệp nhà nước (áp dụng từ ngày 1/1/2025 để phù hợp với năm tài chính của doanh nghiệp). Đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, sẽ thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách tiền lương theo lộ trình, từng bước, hợp lý, thận trọng, khả thi.
Thảo luận tại tổ 13, đại biểu các tỉnh cơ bản nhất trí với báo cáo của Chính phủ về các nội dung cải cách tiền lương; đề xuất giải pháp thực hiện điều chỉnh tăng tiền lương, lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp ưu đãi NCC và trợ cấp xã hội với quan điểm bám sát chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 27-NQ/TW, Nghị quyết số 28-NQ/TW, Nghị quyết số 42-NQ/TW và quy định của pháp luật để thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách liên quan theo lộ trình phù hợp, từng bước, thận trọng, chắc chắn, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, khả năng chi trả của ngân sách nhà nước; cải thiện đời sống người hưởng lương và trợ cấp, tạo động lực nâng cao năng suất và hiệu quả làm việc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Đối với phương án gia hạn trả nợ đối với khoản vay tái cấp vốn theo Nghị quyết số 135/2020/QH14 ngày 17/11/2020 của Quốc hội, báo cáo của Chính phủ đã đánh giá việc tích cực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết 135 của Quốc hội. Cụ thể: Chính phủ ban hành Nghị quyết số 194/NQ-CP ngày 31/12/2020 triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam-CTCP (VNA) do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 450/QĐ-TTg ngày 26/3/2021 về việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tái cấp vốn đối với tổ chức tín dụng (TCTD) sau khi TCTD cho VNA vay theo Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết của Chính phủ; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư số 04/2021/TT-NHNN ngày 5/4/2021 quy định về tái cấp vốn đối với các TCTD sau khi TCTD cho VNA vay và việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, trích lập dự phòng rủi ro đối với khoản nợ của VNA do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLV) đã có nhiều cuộc làm việc và các văn bản chỉ đạo, đồng hành cùng VNA thực hiện, hoàn thành các giải pháp đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Với việc kết hợp triển khai tổng thể các giải pháp, nhất là gói giải pháp thanh khoản 12.000 tỷ đồng đã có tác động tích cực, mang lại hiệu quả, cụ thể đảm bảo vốn chủ sở hữu của VNA trên Báo cáo tài chính năm 2021 không bị âm, qua đó cổ phiếu HVN không bị hủy niêm yết bắt buộc tại Sở giao dịch Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh và vẫn duy trì khả năng thanh khoản, củng cố niềm tin, uy tín, hình ảnh của VNA đối với cổ đông, công chúng, đặc biệt là các TCTD để duy trì hạn mức vay vốn hằng năm.
VNA đã tổ chức triển khai hàng loạt các giải pháp cấp bách và xây dựng Đề án tổng thể các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho VNA do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 (Đề án tổng thể) để VNA sớm phục hồi và phát triển bền vững, xử lý giảm lỗ, thực hiện có hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh và quan tâm đến quyền lợi người lao động. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện đã phát sinh nhiều vấn đề mới và nhiều khó khăn, tồn tại, hạn chế nên VNA không thể trả nợ khoản vay tái cấp vốn đúng hạn.
Phát biểu ý kiến tại thảo luận tổ, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn cho rằng, Chính phủ đề nghị Quốc hội gia hạn việc tái cấp vốn nên việc trình Quốc hội là đúng thẩm quyền. Về nội dung, đại biểu nhất trí đưa vào Nghị quyết Kỳ họp thứ 7 cho phép Ngân hàng Nhà nước được tự động gia hạn thêm 3 lần tại thời điểm đến hạn trả nợ đối với dư nợ tái cấp vốn còn lại của các tổ chức tín dụng đang cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam-CTCP vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề nghị, Chính phủ chỉ đạo sớm có văn bản tổ chức thực hiện vì Nghị quyết 135 ban hành từ tháng 11/2020 nhưng đến tháng 4/2021 Ngân hàng Nhà nước mới ban hành Thông tư 04/2021/TT-NHNN ngày 5/4/2021 quy định về tái cấp vốn đối với các TCTD sau khi TCTD cho VNA vay và việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, trích lập dự phòng rủi ro đối với khoản nợ của VNA do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cũng đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ hơn nguyên nhân và trách nhiệm tại sao để thua lỗ kéo dài; giá máy bay tăng cao tác động rất tiêu cực đến phục hồi kinh tế, doanh nghiệp vẫn kêu lỗ. Đồng thời đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo khẩn trương xây dựng Đề án tái cơ cấu VNA và có giải pháp quyết liệt để hỗ trợ ngành hàng không nói chung chứ không chỉ riêng VNA, cần hỗ trợ cả VJ và các hãng khác. Hiện nay, số tàu bay đang giảm sút, đề nghị Chính phủ có giải pháp hỗ trợ các hãng duy trì, bổ sung đội tàu bay và đưa vào khai thác một số tàu bay đang bị bỏ không.
Ý kiến ()