Kỳ họp thứ 7 Quốc hội XV: Đại biểu thảo luận tại tổ về một số dự án luật liên quan đến đất đai, nhà ở, bất động sản, địa chất, khoáng sản, quy hoạch đô thị và nông thôn
- Ngày 20/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15; thảo luận về Dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản và Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn.
Thảo luận tại Tổ 13 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Lạng Sơn, Bắc Ninh, Đắk Lắk, Hậu Giang. Tham dự phiên thảo luận tại tổ 13 có đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội. Đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn chủ trì thảo luận tổ.
Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng được Quốc hội khóa XV thông qua đã thể chế hóa nhiều chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước, khắc phục tồn tại, bất cập đã chỉ ra trong quá trình tổng kết thi hành và có nhiều quy định mang tính đổi mới, đột phá được tổng kết đánh giá, thí điểm từ thực tiễn người dân và xã hội kỳ vọng sẽ tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15 do Chính phủ trình được bố cục thành 05 Điều, sửa đổi theo hướng cho phép Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực thi hành từ ngàỵ 01 tháng 8 năm 2024. Riêng khoản 10 Điều 255 và khoản 4 Điều 260 của Luật Đất đai đề xuất có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2025.
Thảo luận tại Tổ 13, các ĐBQH cơ bản tán thành sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 4 luật. Theo đó, các ý kiến cho rằng, mục đích ban hành Luật sửa đổi lần này nhằm đưa các nội dung đổi mới của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản vào thực tiễn, sớm khắc phục những tồn tại, hạn chế của pháp luật hiện hành; đồng thời khơi thông nguồn lực đất đai, lành mạnh hóa thị trường bất động sản, tạo động lực mới cho phát triển đất nước và thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý; tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân sớm được tiếp cận chính sách đổi mới theo hướng có lợi như: chính sách nhà ở xã hội, chính sách đất ở đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, quyền lợi của người có đất bị thu hồi, đơn giản hóa thủ tục hành chính...
Bên cạnh đó, quan điểm sửa đổi phù hợp với chủ trương của Đảng về hoàn thiện đồng bộ hệ thống luật pháp, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là đất đai, tài chính; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ, khả thi; quyền, lợi ích chính đáng của người dân, doanh nghiệp và các đối tượng chịu sự tác động.
Tham gia góp ý tại phiên thảo luận, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn cho rằng, việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét theo trình tự rút gọn là đúng thẩm quyền, trình tự Luật định. Đồng thời, Hồ sơ dự án Luật cơ bản đáp ứng quy định tại Khoản 3 Điều 148 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Về một số nội dung cụ thể, đại biểu tỉnh Lạng Sơn đề nghị, cần rà soát tránh phát sinh xung đột pháp luật do các nội dung chuyển tiếp của Luật Đất đai có ảnh hưởng trực tiếp đến nội dung chuyển tiếp của Luật Nhà ở.
Bày tỏ nhất trí cao và ủng hộ việc có hiệu lực sớm, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cũng lưu ý, cần đẩy mạnh công tác xây dựng Văn bản quy định chi tiết và công tác tuyên truyền, phổ biến.
Thảo luận về 2 dự thảo luật Luật Địa chất và khoáng sản và Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn có 3 đại biểu phát biểu ý kiến, gồm: Triệu Quang Huy, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh; đại biểu Lưu Bá Mạc và đại biểu Chu Thị Hồng Thái. Về cơ bản, các ĐBQH tán thành với hồ sơ 2 dự thảo luật này. Đối với dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản, các đại biểu đề nghị, ban soạn thảo nêu khái niệm, giải thích từ ngữ hay làm rõ hơn nội hàm của hai thuật ngữ về Di sản địa chất, Công viên địa chất. Đồng thời đề nghị cân nhắc bổ sung quy định về việc công nhận, xếp hạng công viên địa chất, di sản địa chất, di chỉ địa chất các cấp, từ cấp tỉnh, cấp quốc gia. Điều này cũng tương tự như việc thành lập Hội đồng Di sản văn hoá quốc gia, như quy định tại Điều 95 Dự thảo Luật Di sản Văn hoá; cân nhắc bổ sung Chính sách của Nhà nước về di sản địa chất và về công viên địa chất, đặc biệt khi đã được UNESCO công nhận, tương tự như Chính sách của Nhà nước về Di sản văn hoá, quy định tại Điều 7 Dự thảo Luật Di sản văn hoá; cân nhắc đồng bộ quy định giữa Dự thảo Luật Di sản văn hoá và Dự thảo Luật Địa chất, khoáng sản đối với trường hợp Công viên địa chất là sự kết hợp hài hoà, tích hợp giữa các yếu tố: Di sản địa chất, Di sản văn hoá phi vật thể, Di sản văn hoá vật thể, Di tích lịch sử - văn hoá, Danh lam thắng cảnh.
Đối với dự thảo Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, các ĐBQH tỉnh Lạng Sơn đề nghị cơ quan soạn thảo cần phân loại rõ ràng giữa các loại và cấp độ quy hoạch để tránh chồng chéo, xây dựng một hệ thống phân loại quy hoạch thống nhất, chi tiết và minh bạch; đặt ra các quy định rõ ràng về trách nhiệm của từng cơ quan trong quá trình lập, phê duyệt và triển khai quy hoạch, đảm bảo tính nhất quán và hiệu quả; tạo cơ chế đảm bảo tài chính và nhân lực cho việc lập và triển khai quy hoạch, tránh tình trạng thiếu hụt nguồn lực gây khó khăn cho các địa phương và doanh nghiệp; thiết lập cơ chế giám sát và phản hồi hiệu quả để đảm bảo quy hoạch được thực hiện đúng quy định và nhu cầu phát triển bền vững.
Theo các ĐBQH tỉnh Lạng Sơn, hiện nay, việc tổ chức lập và điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị tại các địa phương còn thiếu chủ động do quy định hiện tại là yêu cầu trách nhiệm và phê duyệt từ cấp trung ương. Do vậy, để tăng cường tính chủ động cho các địa phương, các ĐBQH tỉnh Lạng Sơn đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc một số nội dung như: cho phép địa phương tự lập và điều chỉnh quy hoạch, nhưng cần có giám sát và hỗ trợ từ trung ương để đảm bảo tính nhất quán và hiệu quả; xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong quá trình lập và thẩm định quy hoạch, đảm bảo rằng quá trình này diễn ra nhanh chóng và hiệu quả mà không gây chậm trễ cho các địa phương.
Ý kiến ()