Kỳ họp thứ 7 Quốc hội XV: Đại biểu thảo luận tại tổ về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược và Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)
- Chiều 18/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược và Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Thảo luận tại Tổ 13 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) các tỉnh: Lạng Sơn, Bắc Ninh, Đắk Lắk, Hậu Giang. Tham dự phiên thảo luận tại tổ có đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội.
Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) có bố cục gồm 9 chương 102 điều, tăng 2 chương 29 điều so với Luật Di sản văn hóa hiện hành (7 chương 73 điều), gồm các nội dung: Những quy định chung; bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể; bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể; bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu; bảo tàng; hoạt động kinh doanh, dịch vụ di sản văn hóa; điều kiện đảm bảo hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; quản lý nhà nước về di sản văn hóa; điều khoản thi hành.
Thảo luận tại Tổ 13, đa số ý kiến đại biểu tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật Di sản văn hoá. Đồng thời, nhấn mạnh việc ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát các luật có liên quan để tránh trùng chéo quy định khi đưa vào thực hiện; xây dựng chính sách về di sản văn hóa có trọng tâm, trọng điểm…
Phát biểu ý kiến tại thảo luận tổ, đại biểu Lưu Bá Mạc, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung thêm quy định có liên quan đến việc quản lý, phát triển, bảo vệ và phát huy giá trị của mô hình công viên địa chất, nhất là những công viên địa chất trong nước đã và đang được UNESCO công nhận hoặc xem xét công nhận là công viên địa chất toàn cầu. Trong đó đều có liên quan đến Di sản văn hoá phi vật thể, Di sản văn hoá vật thể, Di tích lịch sử - văn hoá, Di sản địa chất, Danh lam thắng cảnh, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển du lịch bền vững.
Tại Điều 25 về Khu vực bảo vệ di tích, nguyên tắc xác định phạm vi và cắm mốc giới các khu vực bảo vệ di tích, đại biểu Lưu Bá Mạc đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung thêm cụm từ “hoặc trong hồ sơ quy hoạch di tích được cấp có thẩm quyền phê duyệt” vào nội dung tại khoản 4 Điều 25, sửa thành: “4. Khu vực bảo vệ di tích quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định trên bản đồ địa chính, trong biên bản khoanh vùng bảo vệ của hồ sơ khoa học xếp hạng di tích hoặc trong hồ sơ quy hoạch di tích được cấp có thẩm quyền phê duyệt và phải được cắm mốc giới trên thực địa.”
Đồng thời, tại khoản 5, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung nội dung: Chủ tịch UBND tỉnh có thể phân cấp, ủy quyền cho cơ quan chuyên môn là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Chủ tịch UBND cấp huyện thực hiện việc cắm mốc giới. Tại điểm b khoản 5, đề nghị cân nhắc bổ sung làm rõ thêm về hình dáng, màu sắc, kích thước chất liệu cột mốc đề nghị quy định việc thực hiện theo pháp luật về xây dựng.
Đối với các Điều 25, 26, 27, 28, 29 trong dự thảo đã nêu đầy đủ về việc quản lý, bảo vệ khu vực I và II của di tích. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều di tích có giáp ranh giữa 2 tỉnh nên đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung nội dung "quản lý đối với trường hợp di tích nằm giáp ranh giữa 2 tỉnh trở lên".
Cũng tại Phiên thảo luận, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH tỉnh đã đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Di sản văn hoá (sửa đổi), trong đó, đại biểu đánh giá cao quy định về chính sách của nhà nước tại điểm b, khoản 4, Điều 7 đã đưa quy định ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước cho hoạt động sau: bảo vệ phát huy giá trị di sản văn hoá vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới và hải đảo, đặc biệt ưu tiên bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá các dân tộc thiểu số rất ít người vào dự thảo luật sửa đổi kỳ này.
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục xem xét rà soát các quy định của luật này với các luật khác liên quan đã được Quốc hội ban hành cũng như các quy định, công ước liên quan đến quốc tế về quyền con người, quy định về di sản văn hoá. Về di sản tư liệu ở chương IV bao gồm cả tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt, vì vậy, cần làm rõ hơn tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt này đảm bảo không trùng chéo với quy định của Luật Lưu trữ (sửa đổi). Đại biểu cũng đề nghị quan tâm đến vấn đề bảo vệ di sản bảo vật quốc gia, quản lý vấn đề hành nghề kinh doanh di vật, báo cáo đánh giá tác động kỹ hơn; làm rõ hơn các điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề kinh doanh di vật, cổ vật đối với cá nhân quy định ở khoản 4, điều 18; số hoá, chuyển đổi cơ sở dữ liệu đối với di sản văn hoá, cần cân nhắc đến bộ máy vận hành và các quy định quản lý liên quan.
Trong cuộc thảo luận tổ, các đại biểu cũng đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Cơ bản các ý kiến cho rằng, để khắc phục những hạn chế, bất cập hiện hành, việc xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược là cần thiết. Các đại biểu đồng tình quan điểm xây dựng dự án Luật là tiếp tục thể hóa kịp thời, đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực dược; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật về quản lý, sản xuất, kinh doanh dược; tiếp cận tối đa các thông lệ quốc tế cũng như phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn phòng, chống dịch và các vấn đề cấp bách cần tháo gỡ ngay để bảo đảm cung ứng đủ, kịp thời thuốc có chất lượng, giá hợp lý cho Nhân dân; đổi mới mạnh mẽ quy trình, thủ tục hành chính theo hướng cắt giảm tối đa thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với tăng cường trách nhiệm của các cấp, các ngành, các đơn vị.
Trước đó, buổi sáng cùng ngày, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi).
Ý kiến ()