Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XV: Đại biểu thảo luận về Luật Tổ chức Toà án nhân dân (sửa đổi) và Luật Thủ đô (sửa đổi)
- Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, ngày 28/5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) và Luật Thủ đô (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên thảo luận.
Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về 2 dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (TAND) (sửa đổi) và Luật Thủ đô (sửa đổi). Ngay sau Kỳ họp thứ 6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo việc tiếp thu giải trình, nghiên cứu hoàn thiện dự thảo luật, tổ chức nhiều cuộc làm việc với các bộ, ngành, TAND các cấp, thành phố Hà Nội, các cơ quan hữu quan, lấy ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý có kinh nghiệm để có thêm thông tin và cơ sở thực tiễn phục vụ công tác giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện 2 dự thảo luật này. Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) có 9 chương, 153 điều; Luật Thủ đô (sửa đổi) có 7 chương, 54 điều.
Thảo luận ở hội trường về 2 dự thảo luật tại Kỳ họp thứ 7, các ĐBQH đánh giá cao quá trình tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo. Các đại biểu đều nhấn mạnh đây là 2 dự thảo luật lớn, có nhiều chính sách mới, quy định mới về tổ chức và hoạt động của TAND, về phát triển thủ đô. Đặc biệt đối với dự thảo Luật tổ chức TAND (sửa đổi) có nhiều nội dung mới có tính chất đột phá, nhiều nội dung tiệm cận với quốc tế, tháo gỡ một số vướng mắc thực tiễn, phù hợp với Hiến pháp 2023 và thể chế hóa quan điểm, chủ trương theo các nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp, về tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới với trọng tâm là đổi mới về tổ chức và hoạt động của TAND. Các đại biểu đã cho ý kiến về nhiều nội dung cụ thể để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật như: quy định TAND thực hiện quyền tư pháp; thẩm quyền thành lập và giải thể các TAND; về TAND sơ thẩm chuyên biệt; tham dự và hoạt động thông tin tại phiên tòa; đổi mới TAND theo thẩm quyển xét xử; bảo vệ Tòa án; nhiệm kỳ của thẩm phán;... và nhiều nội dung quan trọng khác.
Phát biểu ý kiến vào Luật Thủ đô (sửa đổi), đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn đề nghị ban soạn thảo cần làm rõ quy định về áp dụng luật. Đại biểu chỉ ra rằng dự thảo bổ sung thêm khoản 2 Điều 4: Trường hợp luật, nghị quyết của Quốc hội ban hành sau ngày Luật Thủ đô có hiệu lực thi hành có quy định khác với quy định của Luật Thủ đô về cùng một vấn đề mà cần áp dụng thì phải quy định cụ thể ngay trong luật, nghị quyết đó; trường hợp chưa quy định cụ thể việc áp dụng pháp luật và việc áp dụng quy định đó cần thiết cho việc xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc áp dụng theo đề nghị của Chính phủ và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Phân tích quy định trên, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa chỉ ra rằng, dự thảo chưa đưa ra tiêu chí để xác định thế nào là “cần thiết” cho việc xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô. Bên cạnh đó, đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ tính hợp hiến của việc giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc áp dụng Luật, Nghị quyết của Quốc hội. Vì việc này không phải là giải thích luật hay giải thích nghị quyết và cũng không có trong Điều 74 của Hiến pháp 2013 về thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Bên cạnh đó, về liên kết phát triển vùng, dự thảo luật có giải thích vùng Thủ đô là khu vực liên kết phát triển kinh tế - xã hội gồm thành phố Hà Nội và một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương lân cận do Chính phủ quyết định. Dự thảo cũng dành Chương 5, từ Điều 44 đến Điều 47 quy định mối quan hệ của Thủ đô Hà Nội trong 4 vùng. Đại biểu cho rằng, mỗi vùng đều có nội dung và cơ chế liên kết với thủ đô khác nhau, do đó, cần rà soát để quy định kỹ hơn, phát huy hiệu quả liên kết vùng tốt nhất.
Ý kiến ()