Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV: Đại biểu thảo luận tại tổ về một số chủ trương đầu tư dự án và chương trình mục tiêu quốc gia
- Chiều 25/5, tiếp tục chương trình làm việc tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh tham gia thảo luận tại Tổ thảo luận số 13 cùng Đoàn ĐBQH các tỉnh: Bắc Ninh, Hậu Giang, Đắk Lắk về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước); điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Tham dự phiên thảo luận cùng tổ 13 có Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.
Tại thảo luận tổ có 5 ý kiến phát biểu, ĐBQH các tỉnh cơ bản đồng tình với chủ trương đầu tư dự án và điều chỉnh chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia được Quốc hội đưa ra thảo luận tại kỳ họp này.
Phát biểu ý kiến về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) tại thảo luận tổ, đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn bày tỏ sự đồng tình với tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế về nội dung này. Đại biểu cho rằng cần thiết phải đầu tư đoạn cao tốc để tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội trong vùng cũng như 2 tỉnh Đắk Nông, Bình Phước.
Đối với điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, đồng chí đồng tình và cho rằng đây là chủ trương, chính sách mới, có tính chất đặc thù, phạm vi áp dụng và đối tượng thụ hưởng cũng có những đặc thù riêng như: vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa, vùng cao biên giới, vùng đặc biệt khó khăn cho nên trong quá trình thực hiện cũng sẽ xuất hiện nhiều vấn đề khó khăn, phức tạp mà cần phải có sự điều chỉnh, bổ sung kịp thời.
Góp ý cụ thể vào nội dung điều chỉnh 4 nhóm đối tượng thụ hưởng của chương trình, đồng chí nhất trí và đề nghị xem xét cách thức thực hiện phù hợp. Tại tỉnh Lạng Sơn, có 1 xã ở vùng đặc biệt khó khăn nhưng người dân của xã 100% là dân tộc Kinh nên không được thụ hưởng chương trình, bất cập so với thực tiễn. Vấn đề này tỉnh Lạng Sơn cũng đã có văn bản đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành xem xét. Vì vậy, đồng chí đề nghị ban soạn thảo cân nhắc việc điều chỉnh, thời gian và cách thức điều chỉnh đối tượng thụ hưởng sao cho phù hợp.
Phát biểu tại thảo luận tổ, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn cũng nhất trí với điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Về thẩm quyền và hình thức văn bản, đại biểu cho rằng, Quốc hội phê chuẩn Chương trình bằng Nghị quyết số 120 với Bản thuyết minh và các Dự án thành phần cụ thể, do đó, khi điều chỉnh cũng cần phải điều chỉnh bằng Nghị quyết của Quốc hội. Về hình thức văn bản, đại biểu cũng đề nghị đưa vào Nghị quyết kỳ họp thứ 7 một mục gồm 2 nội dung, gồm: Điều chỉnh nguồn vốn thực hiện và sự cần thiết bổ sung đầu tư, hỗ trợ 4 nhóm đối tượng vào Chương trình này.
Hiện nay, do thời gian còn lại của giai đoạn 1 không nhiều nên đại biểu đề nghị Chính phủ khẩn trương rà soát ban hành ngay danh mục các đối tượng thụ hưởng cụ thể; ban hành kế hoạch triển khai; quyết liệt chỉ đạo các địa phương tập trung thực hiện. Đồng thời trong quá trình xác định danh mục các đối tượng cần lưu ý tránh trùng lắp, nhất là đối với các đối tượng đã được đầu tư theo các chương trình khác.
Đối với Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước), đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề nghị cơ quan chủ trì xây dựng Chủ trương đầu tư dự án cần làm rõ hơn về tính khả thi trong việc thu hút nhà đầu tư, cơ cấu vốn góp, khả năng, tiến độ góp vốn của nhà đầu tư và nguồn vốn ngân sách địa phương để bảo đảm tiến độ của dự án; làm rõ trình tự, thủ tục chỉ định thầu, thẩm quyền của người đứng đầu trong việc xem xét, quyết định chỉ định thầu, trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc hướng dẫn thực hiện cơ chế đặc thù để làm cơ sở thực hiện hiệu quả, bảo đảm tính khả thi; bổ sung, đánh giá cụ thể, đưa ra các phương án ứng phó, khắc phục ảnh hưởng, rủi ro trong quá trình thực hiện dự án, đồng thời, bổ sung đánh giá rủi ro về tình hình an ninh, trật tự, tâm tư, nguyện vọng của người dân ở các địa bàn nơi đường cao tốc đi qua trong quá trình triển khai thực hiện dự án.
Ý kiến ()