Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XV: Đại biểu thảo luận tại tổ về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035 và Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi)
- Chiều 8/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035 và Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi). Thảo luận Tổ 13 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Lạng Sơn, Bắc Ninh, Đắk Lắk, Hậu Giang. Tham dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn chủ trì phiên thảo luận tại Tổ 13.
Đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn chủ trì phiên thảo luận tại Tổ 13
Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035, được Chính phủ xây dựng bao gồm các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát triển văn hóa Việt Nam trong giai đoạn 2025 - 2035 trên phạm vi cả nước, phù hợp với quy định về chương trình mục tiêu quốc gia theo khoản 9 Điều 4 Luật Đầu tư công. Việc đầu tư Chương trình ở thời điểm hiện nay đáp ứng đầy đủ căn cứ chính trị, pháp lý, khoa học và thực tiễn; tiếp tục khẳng định các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hoá đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển bền vững đất nước;... Đồng thời, việc thực hiện Chương trình sẽ góp phần tăng cường nguồn lực đầu tư, đáp ứng yêu cầu bức thiết về phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hoá thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Phát biểu tại Phiên thảo luận Tổ 13, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tán thành với sự cần thiết đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035. Theo Chủ tịch Quốc hội, đây là Chương trình hết sức quan trọng, nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, đặc biệt là thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 (vào tháng 12/2021). Tiếp đó, năm 2022, Ban Chấp hành Trung ương đã yêu cầu, nghiên cứu trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về xây dựng Chương trình này.
Để đảm bảo tính hiệu quả của Chương trình, Chủ tịch Quốc hội đề nghị làm rõ một số nội dung cơ bản cần triển khai khi Quốc hội thông qua Chương trình. Theo đó, Chính phủ phải cụ thể hóa từng chương trình, từng dự án, từng đề mục để thực hiện hiệu quả trên thực tiễn. Chủ tịch Quốc hội lưu ý, bao giờ ba vấn đề về kinh tế, xã hội và văn hóa cũng cần đi liền, gắn bó mật thiết với nhau. Vì vậy, văn hóa cần phải được phát triển xứng tầm.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cơ quan trình cần nghiên cứu kỹ lưỡng một số nguyên tắc sau đây trong quá trình rà soát, hoàn thiện. Cụ thể: Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035 nhằm thực hiện các nhiệm vụ, dự án quan trọng, cấp bách về phát triển văn hóa, không thay thế toàn bộ các nhiệm vụ thường xuyên của nhà nước về phát triển văn hóa. Đồng thời, cần phân định rõ các nội dung, nhiệm vụ của chi ngân sách nhà nước đầu tư cho phát triển văn hóa trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, chi thường xuyên và nội dung nhiệm vụ chi. Trong đó, các nội dung cần tập trung đầu tư cho Chương trình phải phân định rõ kinh phí đầu tư, nguồn chi, đảm bảo theo lộ trình từng năm để thực hiện. Ngoài ra, các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của Chương trình cần phải được xây dựng là có trọng tâm, trọng điểm; không dàn trải; ý tưởng nhiều nhưng cần phải cân đối với khả năng và nguồn lực. Xác định rõ nội dung cần ưu tiên thực hiện trước nhằm tạo ra đột phá trong phát triển văn hóa.
Bên cạnh đó, để thực hiện hiệu quả Chương trình, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, cần phân công rõ trách nhiệm của các cơ quan theo hướng tinh gọn và có đầu mối; tăng cường phân cấp, phân quyền, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý; chương trình đề ra nhiều chỉ tiêu liên quan đến thiết chế văn hóa, trong đó, quy định các mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể. Tuy nhiên, nội dung ở thành phần số 2 đưa ra nhiều loại hình thiết chế văn hóa khác nhau ở cấp quốc gia, cấp cơ sở, trong khi đó, quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa, thể thao từ năm 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 chưa được ban hành. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chương trình cần phải cân nhắc kỹ lưỡng về hệ thống thiết chế văn hóa, bảo đảm phù hợp với quy hoạch đang được xây dựng và đảm bảo tính khả thi. Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu, làm rõ cơ chế huy động, xây dựng các thiết chế văn hóa, quy định đảm bảo phù hợp, khả thi với nguồn lực thực hiện; cần phải có cơ chế về tổ chức bộ máy, con người để đảm bảo cho các thiết chế văn hóa đạt hiệu quả.
Phát biểu ý kiến thảo luận về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn đồng tình với chủ trương. Đồng thời đề nghị bổ sung đánh giá tính khả thi chương trình để đảm bảo được quy định tại khoản 1 điều 4 của Luật Đầu tư công. Về đối tượng thụ hưởng, phạm vi của chương trình, có nội dung thực hiện tại một số quốc gia có quan hệ tương tác văn hoá lâu dài với Việt Nam, có đông đảo người Việt Nam sinh sống, lao động và học tập, trong đó có nội dung nghiên cứu xây dựng một số trung tâm văn hoá người Việt Nam ở nước ngoài. Tuy nhiên theo quy định tại khoản 9, điều 4 luật đầu tư công quy định chương trình mục tiêu quốc gia là quy định đầu tư công nhằm thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của từng giai đoạn cụ thể trong phạm vi cả nước, vì vậy cần xem xét nội dung này. Cá nhân đại biểu ủng hộ việc nghiên cứu xây dựng một số trung tâm văn hoá người Việt Nam ở nước ngoài nhằm giữ gìn, phát huy nét văn hoá đặc sắc của người Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế.
Đại biểu đề nghị cần rà soát thực hiện mục tiêu văn hoá trong các chương trình mục tiêu quốc gia khác để tránh sự trùng lắp khi tổ chức thực hiện. Đồng thời cần xác định rõ nguồn vốn thực hiện chương trình trong năm 2025 được bố trí từ nguồn nào trong kế hoạch phân bổ vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025 để có cơ sở triển khai thực hiện. Đối với dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), đại biểu cũng góp ý kiến vào nội dung tài chính công đoàn, gia nhập công đoàn của lao động là người nước ngoài, tham gia công đoàn của tổ chức người lao động.
Phát biểu ý kiến vào dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), đại biểu Lưu Bá Mạc, Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị xem xét có giải pháp quy định cơ chế quản lý biên chế phù hợp trong Luật Công đoàn (sửa đổi), tăng quyền chủ động của công đoàn trong bố trí đội ngũ cán bộ công đoàn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới hoặc có thể quy định trong Luật giao quyền cho Tổng Liên đoàn chủ động đề xuất số lượng cán bộ công đoàn là cán bộ, công chức, viên chức trong toàn hệ thống để tạo ra sự đồng bộ về biên chế trong hệ thống công đoàn.
Đại biểu nhất trí lựa chọn phương án 1 tại Điều 5 của dự thảo luật quy định về quyền gia nhập công đoàn của người lao động là người nước ngoài là cho phép lao động người nước ngoài gia nhập và hoạt động công đoàn; nhất trí phương án 1 khoản 3, Điều 21 về Quyền của đoàn viên công đoàn, cụ thể “Ứng cử, đề cử, bầu cử cơ quan lãnh đạo của công đoàn theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam. Trường hợp đoàn viên là công dân nước ngoài thì không được ứng cử, nhận đề cử để bầu vào cơ quan lãnh đạo của công đoàn”; nhất trí chọn phương án 1 tại khoản 3, Điều 30 về Quản lý, sử dụng tài chính công đoàn, cụ thể “Tại những nơi đã có tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, kinh phí công đoàn theo điểm b khoản 1 Điều 29 được phân phối cho các tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở theo quy định của Chính phủ”.
Trước đó, trong chương trình buổi chiều, Quốc hội đã nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo và biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025.
Ý kiến ()