Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XV: Đại biểu Quốc hội tỉnh đóng góp ý kiến vào chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025
- Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 7, ngày 30/5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội, chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025; điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp và nghe một số báo cáo quan trọng về tình hình quyết toán ngân sách nhà nước, công tác kiểm toán năm 2022. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung phiên họp.
Trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, căn cứ quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, đặc điểm tình hình năm 2025 và đề xuất của các cơ quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dự kiến nội dung chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025.
Trong đó, đối với giám sát chuyên đề, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét, quyết định giám sát tối cao 1 chuyên đề tại Kỳ họp thứ 10 và Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành giám sát 1 chuyên đề tại Phiên họp tháng 8/2025.
Trên cơ sở đề xuất của các cơ quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp theo 10 nhóm theo lĩnh vực phụ trách của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; đồng thời căn cứ vào tiêu chí lựa chọn cũng như qua nghiên cứu kiến nghị của cử tri, điểm báo và qua rà soát các nội dung đã thực hiện, cân đối các lĩnh vực và từ tình hình thực tiễn đã tiến hành lựa chọn các chuyên đề giám sát theo quy trình chặt chẽ. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn 2 chuyên đề trình Quốc hội xem xét, quyết định chọn 1 chuyên đề để giám sát tối cao, cụ thể gồm: Chuyên đề 1:Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành; chuyên đề 2: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Thảo luận tại phiên họp, đa số các ĐBQH cho rằng, xác định đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt, do đó, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quan tâm chỉ đạo và tổ chức triển khai toàn diện, đồng bộ hoạt động giám sát, đạt được nhiều kết quả quan trọng, được cử tri và Nhân dân đánh giá cao. Đối với chương trình giám sát năm 2025, các ĐBQH đánh giá cao việc trình ra Quốc hội 2 chuyên đề để xem xét, quyết định lựa chọn; cho rằng, đây đều là những vấn đề rất quan trọng, được cử tri và Nhân dân quan tâm.
Phát biểu thảo luận về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Lạng Sơn bày tỏ ý kiến lựa chọn chuyên đề 2.
Theo đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, Quốc hội đã ban hành nhiều văn bản quan trọng nhằm thể chế hóa và thực thi trên thực tế quan điểm của Đảng về các đột phá chiến lược. Trong đó, đối với 2 đột phát chiến lược là đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế và đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đã được Quốc hội quan tâm rất nhiều, tuy nhiên, đối với đột phá chiến lược về nguồn nhân lực, ngoài 3 dự án thành phần về phát triển nguồn nhân lực trong các chương trình mục tiêu Quốc gia áp dụng cho các đối tượng đặc thù thì vẫn chưa có một chương trình tổng thể ở tầm Quốc hội liên quan đến đột phá chiến lược về nguồn nhân lực. Bởi theo đại biểu, chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố quyết định đối với năng suất lao động và năng suất lao động cao là chìa khóa dẫn đễn sự thịnh vượng của Quốc gia. Tuy nhiên, 3 năm gần đây chỉ tiêu tăng năng suất lao động do Quốc hội giao đều không đạt. Nếu không có giải pháp tổng thể, toàn diện để bảo vệ, duy trì và phát huy lợi thế của nguồn nhân lực trong thời kỳ dân số vàng thì nước ta sẽ phải đối mặt với hàng loạt hệ lụy về an sinh xã hội trong tương lai; nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình là hiện hữu, vì vậy, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề nghị Quốc hội giám sát tối cao đối với chuyên đề 2. Kết quả giám sát chuyên đề này sẽ là căn cứ thực tiễn cho việc hoàn thiện thể chế, xác định giải pháp tiếp tục thực hiện đột phá chiến lược về nội dung này trong nhiệm kỳ tới.
Bên cạnh đó, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cũng đề nghị xem xét sửa đổi quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND theo hướng mở rộng đối tượng giám sát văn bản đối với cả văn bản không phải văn bản quy phạm pháp luật vì việc ban hành văn bản này cũng là hoạt động của cơ quan nhà nước.
Ý kiến ()