Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XV: Đại biểu Quốc hội thảo luận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước
- Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XV, ngày 29/5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024 và nhiều nội dung quan trọng khác. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.
Tại phiên thảo luận, đã có 150 đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đăng ký phát biểu ý kiến, trong đó có 60 đại biểu phát biểu tại hội trường, các ý kiến tập trung thảo luận vào các nội dung đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ và các báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội. Trong đó các ĐBQH đề nghị ban soạn thảo cần làm rõ các giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát lạm phát, tỷ giá và các mặt hàng thiết yếu để ổn định đời sống Nhân dân và sản xuất kinh doanh, phấn đấu hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm; các giải pháp cải thiện thị trường tiền tệ, trái phiếu, bất động sản, chứng khoán, khôi phục sản xuất kinh doanh, hoạt động của doanh nghiệp, tạo việc làm, giảm thất nghiệp, tháo gỡ các điểm nghẽn hiện nay; vấn đề về tăng năng suất lao động, cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với nợ xấu, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế; khắc phục những hạn chế trong phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, quản lý điều hành thu chi ngân sách nhà nước, đảm bảo cân đối ngân sách, an ninh tài chính ngân sách quốc gia; đánh giá kết quả đạt được, bất cập, hạn chế, nguyên nhân và các giải pháp để thực hiện các mục tiêu về bình đẳng giới và đẩy mạnh công tác thực hành tiết kiệm, phòng chống lãng phí hiện nay và trong thời gian tới…
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Lưu Bá Mạc, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn bày tỏ sự thống nhất cao với báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội, đồng thời đại biểu bày tỏ sự quan tâm tới lĩnh vực văn hoá. Theo đó, đại biểu Lưu Bá Mạc kiến nghị với Chính phủ cần có cơ chế, chính sách và giải pháp đối với đội ngũ nghệ sỹ, diễn viên đã hết tuổi nghề, nhưng chưa đến tuổi nghỉ hưu; có cơ chế, chính sách thu hút, đãi ngộ đối với người làm trong lĩnh vực này. Đồng thời, cần tiếp tục điều chỉnh, nâng mức phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp và chế độ bồi dưỡng, đối với người làm trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật, sớm xây dựng, ban hành định mức tiêu chuẩn kinh tế - kỹ thuật, tính giá các loại dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.
Về lĩnh vực du lịch, đại biểu Lưu Bá Mạc kiến nghị với Chính phủ cân nhắc, có giải pháp để giảm giá vé máy bay nội địa. Từ đó, góp phần giảm chi phí đi lại cho người dân; đồng thời, góp phần thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế, nhằm kích cầu các hoạt động du lịch, dịch vụ nội địa, tăng tính cạnh tranh so với các tour du lịch nước ngoài. Đại biểu cũng đề xuất một số giải pháp như: có chính sách để hỗ trợ các hãng hàng không trong nước, thông qua việc miễn, giảm thuế, phí có liên quan, giảm giá trong dịch vụ hàng không; tăng số lượng máy bay, mở thêm các đường bay cũng như cần tăng năng lực điều hành, vận hành khai thác tại các cảng hàng không.
Ngoài ý kiến phát biểu tại hội trường, Đoàn ĐBQH tỉnh có đại biểu Triệu Quang Huy, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh gửi ý kiến đóng góp tới Tổng Thư ký Quốc hội với các nội dung liên quan đến các nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công, giải ngân vốn đầu tư công. Cụ thể, đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao năng suất lao động trong thời gian tới, thực hiện quyết liệt các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp về tiếp cận nguồn vốn, hỗ trợ lãi suất, tìm kiếm đơn hàng, mở rộng thị trường tiêu dùng trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các FTA đã ký kết khai thác hiệu quả các thị trường, mở rộng thị trường đẩy mạnh xuất khẩu; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, đổi mới và tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư, khuyến khích khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đa dạng hóa ngành, sản phẩm, phát triển những ngành, lĩnh vực tỉnh có thế mạnh; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với xây dựng chính quyền số, nâng cao năng lực chỉ đạo điều hành hướng tới sự hiệu quả, thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp; đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công, giải ngân vốn đầu tư công; thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án ODA chuyển tiếp; quy định chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa…
Ý kiến ()