Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XV: Đại biểu chất vấn Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về 4 nhóm nội dung chất vấn
- Sáng 6/6, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, tiếp tục Chương trình phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà thay mặt Chính phủ làm rõ các vấn đề thuộc 4 nhóm nội dung chất vấn và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội (ĐBQH). Phiên họp được truyền hình, phát thanh trực tiếp để cử tri và Nhân dân theo dõi.
Tại phiên chất vấn, các ĐBQH đã đề nghị Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà làm rõ giải pháp của Chính phủ đối với việc tự chủ đại học trong thời gian tới; giải pháp để các nhà máy điện gió vận hành tốt; sự chỉ đạo của Chính phủ để xử lý hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản nhằm phục hồi môi trường; định hướng và công tác điều hành giá trong thời gian tới để bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát; điểm nhấn trong cải cách thể chế; giải pháp để khắc phục những thách thức trong phục hồi sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống kinh tế - xã hội; giải pháp phát triển công nghệ phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn; giải pháp đẩy mạnh quá trình phát triển mạng lưới công viên địa chất ở Việt Nam; giải pháp để đưa Việt Nam phát triển trong nền kinh tế số, xã hội số hiện nay; làm rõ thực trạng việc đảm bảo cung ứng điện, đặc biệt là cung ứng điện qua cơ chế mua bán điện tái tạo trực tiếp; giải pháp ưu tiên để phát triển kinh tế của đất nước;…
Nêu ý kiến chất vấn Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, đại biểu Lưu Bá Mạc, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn cho biết, để tiếp tục góp phần nâng tầm giá trị cũng như quảng bá di sản văn hóa và tài nguyên du lịch của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, năm 2014, Đề án "Bảo tồn di sản địa chất, phát triển và quản lý mạng lưới công viên địa chất ở Việt Nam", đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1590/QĐ-TTg. Hiện nay, Việt Nam đã có 3 công viên địa chất toàn cầu UNESCO. Đồng thời, đã có một số địa phương, trong đó bao gồm tỉnh Lạng Sơn, cũng đã và đang trong quá trình xây dựng, phát triển công viên địa chất toàn cầu.
Tuy nhiên, theo đại biểu Lưu Bá Mạc, từ năm 2014 đến nay, chưa có hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, cũng như chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho việc triển khai đề án nêu trên. Đại biểu đề nghị Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết các giải pháp trong thời gian tới để đẩy mạnh quá trình xây dựng, phát triển và quản lý mạng lưới công viên địa chất ở Việt Nam, để từ đó, góp phần kích cầu, phục hồi và phát triển du lịch bền vững, trong thời gian tới?
Trả lời ý kiến chất vấn của đại biểu Lưu Bá Mạc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết, hiện nay cả nước chỉ có 3 công viên di sản địa chất, quy mô và phạm vi lớn, nhưng Việt Nam chưa có kinh nghiệm trong bảo tồn, quản lý và khai thác. Bước đầu đã xây dựng quy hoạch và đề xuất một số chương trình, dự án để triển khai thực hiện. Bất cập hiện nay đó là chưa phân định khu nào bảo vệ tuyệt đối, khu nào là khu vực vùng đệm và khu vực nào là vùng đệm. Phó Thủ tướng cho rằng, cần triển khai ngay các dự án phát triển hạ tầng để tiếp cận dễ dàng với các công trình này; tăng cường hợp tác quốc tế, học hỏi kinh nghiệm trong việc khai thác công viên địa chất ở các nước trên thế giới…
Kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, sau 2,5 ngày làm việc nghiêm túc và trách nhiệm, Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV với 4 nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm chính của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ trưởng Bộ Công Thương; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Tổng Kiểm toán nhà nước.
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đã có 193 lượt ĐBQH phát biểu (trong đó 162 lượt đại biểu chất vấn 31 lượt đại biểu tranh luận); còn 160 đại biểu đã đăng ký nhưng do hết thời gian, chưa được phát biểu, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị ĐBQH gửi câu hỏi đến Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ, các trưởng ngành để được trả lời bằng văn bản theo quy định.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: Các nội dung chất vấn đã đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, “đúng” và “trúng” những vấn đề cử tri, Nhân dân cả nước và ĐBQH quan tâm; tiếp tục khẳng định đây là hình thức giám sát tối cao trực tiếp, hiệu quả của Quốc hội.
Phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, dân chủ, thẳng thắn, trên tinh thần xây dựng. Các ĐBQH qua thực tiễn hoạt động của mình đã nắm chắc tình hình, nghiên cứu kỹ các báo cáo, nêu câu hỏi, cũng như tranh luận ngắn gọn, rõ ràng, thiết thực, đi thẳng vào các vấn đề. Qua quá trình chất vấn, các ĐBQH đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế, phân tích rõ nguyên nhân và đề xuất giải pháp, với mong muốn Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục có các giải pháp phù hợp, quyết liệt, hiệu quả hơn, vì sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước, đáp ứng niềm tin và sự mong mỏi của cử tri và Nhân dân cả nước.
Ý kiến ()