Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XV: Đại biểu chất vấn các nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực công thương, kiểm toán, văn hoá - thể thao và du lịch
- Ngày 5/6, dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội khóa XV tiếp tục tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp 7 đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực công thương, kiểm toán, văn hoá – thể thao và du lịch (VHTTDL). Phiên họp được truyền hình, phát thanh trực tiếp để cử tri và Nhân dân theo dõi.
Tại phiên chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực công thương, các ĐBQH tập trung chất vấn vào một số nội dung: Công tác quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử; giải pháp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, thúc đẩy việc thực hiện các FTA và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trước bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường; việc thực hiện chính sách, pháp luật phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí, nhất là trong phục vụ chế biến nông, lâm, thủy sản, phát triển nông nghiệp, nông thôn; giải pháp khắc phục hạn chế trong triển khai chính sách ưu đãi phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ; điều chỉnh những chính sách cốt lõi và chiến lược nào trong thu hút FDI; trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tình trạng hàng giả, gian lận thương mại;…
Chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Công Thương, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn cho biết, nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam là quốc gia đang phát triển, có nền kinh tế có động lực quá cao, nếu không có những giải pháp, chính sách tốt sẽ đem lại nhiều hệ lụy, cụ thể như nền kinh tế trở nên dễ bị tổn thương, nhạy cảm với biến động từ bên ngoài. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết, từ góc độ thương mại, quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này thế nào? Chiến lược phê chuẩn các hiệp định thương mại tự do trong thời gian tới sẽ ra sao? Làm thế nào để tăng tính chống chịu của nền kinh tế và phát huy thị trường nội địa?
Trả lời chất vấn của đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, hội nhập kinh tế quốc tế là chủ trương lớn và nhất quán của Đảng, Nhà nước ta. Gần 40 năm qua, nhờ thực hiện chủ trương này, cùng với nỗ lực của mình, nước ta đã có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày hôm nay. Việc đẩy mạnh đàm phán, ký kết hiệp định thương mại tự do, thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu… là bước đi cần thiết và nếu không như vậy thì chúng ta không thể có vốn đầu tư lớn, không có công nghệ tiên tiến, kinh nghiệm quản trị và đặc biệt là thị trường tiêu thụ. Bộ trưởng đồng tình với đại biểu nếu kéo dài chủ trương này thì sẽ đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế gia công và sẽ rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Trong thời gian tới, một mặt phải nâng cao năng lực hội nhập đất nước, trong đó nâng cao hội nhập của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, đồng thời cũng phải tiếp tục mở cửa thị trường, mở cửa nền kinh tế thông qua thu hút đầu tư FDI có chọn lọc và ký kết mới, nâng cấp các hiệp định thương mại tự do đã có ở những thị trường tiềm năng.
Về định hướng tham gia FTA mới có 4 vấn đề cơ bản: thứ nhất phải thực hiện quán triệt nghiêm túc quan điểm đường lối đối ngoại của Đảng là hội nhập kinh tế ngày càng sâu nhưng phải giữ vững định hướng chính trị; thứ hai là gắn kết giữa đàm phán ký kết hiệp định với đẩy mạnh cải cách trong nước, hoàn thiện thể chế kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, năng lực cạnh tranh doanh nghiệp và sản phẩm; thứ ba là ưu tiên đối tác tiềm năng mang lại lợi ích to lớn, thiết thực để đàm phán ký kết mới và nâng cấp các hiệp định tự do thương mại hiện nay khi có điều kiện; thứ tư là chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong đàm phán và ký kết các hiệp định, đồng thời nâng cao năng lực nghiên cứu, dự báo, đánh giá tác động của FTA với nền kinh tế và với doanh nghiệp của Việt Nam. Về tiêu chí để đàm phán các hiệp định mới thì thực hiện 4 tiêu chí theo chỉ đạo của Chính phủ.
Chất vấn nội dung chất vấn liên quan đến lĩnh vực kiểm toán, các ĐBQH tập trung vào một số vấn đề gồm: trách nhiệm và giải pháp khắc phục tình trạng các doanh nghiệp, dự án được kiểm toán nhưng vẫn xảy ra sai phạm; việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán nhà nước; giải pháp khắc phục tình trạng chồng chéo trong công tác thanh tra, kiểm toán…
Đối với nhóm lĩnh vực VHTTDL, các ĐBQH tập trung chất vấn các nội dung: Công tác tuyển chọn, đào tạo và chế độ chính sách đối với vận động viên thể thao, nghệ sĩ trong các lĩnh vực nghệ thuật; giải quyết việc làm cho vận động viên, nghệ sĩ sau thời kỳ thi đấu, biểu diễn đỉnh cao. Việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp kích cầu, phục hồi du lịch trong năm 2024 và những năm tiếp theo; giải pháp phát triển sản phẩm du lịch đêm và Chính sách đặc thù, thu hút đầu tư cho các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi…
Phát biểu ý kiến chất vấn Bộ trưởng Bộ VHTTDL, đại biểu Lưu Bá Mạc, Đoàn ĐBQH tỉnh cho biết: Hiện nay, các sản phẩm du lịch đêm còn đơn điệu, chủ yếu là hình thức phố đi bộ, khu mua sắm, khu ẩm thực đêm, chợ đêm và một số hoạt động giải trí. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp của Bộ trưởng trong việc đổi mới sản phẩm du lịch đêm cũng như lộ trình của việc thí điểm, nhân rộng loại hình du lịch này trong thời gian tới?
Trả lời chất vấn của đại biểu Lưu Bá Mạc, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng nêu rõ, về sản phẩm du lịch đêm, hiện tại không có vướng mắc, các quy hoạch đã được phê duyệt, các địa phương cũng đã công bố quy hoạch. Còn gói sản phẩm về du lịch đêm mà Bộ đưa ra thì mang tính chất hướng dẫn, thí điểm, nhưng chúng ta cũng phải xác định nguyên lý của thị trường: bán cái người ta cần, chứ không phải bán cái mà mình có.
Chất vấn Bộ trưởng Bộ VHTTDL về giải pháp đào tạo nguồn nhân lực có trình độ phát để triển du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đại biểu Chu Thị Hồng Thái, Đoàn ĐBQH tỉnh cho biết, tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, người dân sinh sống chủ yếu vào nghề nông nghiệp, hiện nay tại nhiều tỉnh miền núi, mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp du lịch ngày càng phát triển. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng có làm rõ các giải pháp để thu hút cũng như đào tạo được nguồn nhân lực có trình độ, kỹ năng cung cấp các sản phẩm du lịch, dịch vụ, góp phần phát triển du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số?
Liên quan tới việc đào tạo nguồn nhân lực du lịch cho đồng bào dân tộc thiểu số đại biểu Chu Thị Hồng Thái chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến đồng bào dân tộc thiểu số, vì vậy có nhiều chương trình riêng để phát triển khu vực này, qua đó rút ngắn khoảng giữa miền ngược và miền xuôi, giữa đồng bằng và đô thị.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu rõ, Bộ VHTTDL đã cử các nhóm chuyên gia du lịch nhằm hướng dẫn đồng bào dân tộc thiểu số cách làm du lịch cộng đồng để góp phần đào tạo nguồn nhân lực, tránh việc tự phát, hoạt động không quy củ, không bài bản. Đồng thời đưa ra các khuyến nghị dựa trên văn hoá bản địa, đặc sắc của từng vùng, miền, địa phương, dựa trên yếu tố đặc thù văn hoá và yếu tố của tự nhiên.
Theo chương trình, ngày 6/6 Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực VHTTDL và thảo luận, xem xét quyết định một số nội dung quan trọng khác.
Ý kiến ()