Kỳ họp thứ 6 Quốc hội XV: ĐBQH tỉnh góp ý kiến vào Luật BHXH (sửa đổi)
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp
– Sáng 23/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) (sửa đổi). Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, chiều 2/11, Quốc hội đã nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra dự án luật và tiến hành thảo luận ở tổ ngày 15/11. Tổng Thư ký Quốc hội đã có báo cáo tổng hợp ý kiến phát biểu tại tổ về dự án luật này.
Thảo luận tại hội trường đã có 27 đại biểu phát biểu, 8 ý kiến tranh luận, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Đào Ngọc Dung đã có phát biểu giải trình, làm rõ một số nội dung các ĐBQH quan tâm. Cơ bản các ĐBQH nhất trí với dự thảo sửa đổi của ban soạn thảo, đồng thời tập trung thảo luận đối với 7 vấn đề nêu trong báo cáo thẩm tra, đặc biệt về Hội đồng quản lý Quỹ BHXH, về mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, quản lý, thu Quỹ BHXH, thẩm quyền của cơ quan BHXH, điều kiện, thời gian đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu, quy định hưởng BHXH một lần, xác định hành vi trốn đóng, chậm đóng BHXH…
Đại biểu Chu Thị Hồng Thái, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn phát biểu ý kiến tại phiên họp
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Chu Thị Hồng Thái, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn cho rằng, để hạn chế tình trạng rút BHXH một lần, cần có quy định tăng chế độ chính sách của BHXH để giữ người lao động tham gia thay vì hạn chế quyền rút BHXH của người lao động.
Tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 5, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH đã trả lời chất vấn về nguyên nhân người lao động rút BHXH một lần và đánh giá “không có quốc gia nào có cơ chế rút BHXH dễ dàng như Việt Nam”. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng đây chính là tính ưu việt của Nhà nước ta, nhà nước của dân, do dân và vì dân.
Trong báo cáo tổng kết việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 93/2015/QH13 của Quốc hội khoá XIII về thực hiện chính sách hưởng BHXH 1 lần đối với người lao động, Bộ LĐTB&XH đã đánh giá có 5 nguyên nhân dẫn đến tình trạng rút BHXH 1 lần, trong đó nguyên nhân chủ yếu người hưởng BHXH 1 lần đa số là người lao động làm việc trong các khu công nghiệp bị mất việc làm, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn, đặc biệt là trong giai đoạn 2020 – 2021 khi nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID -19. Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh ở các ngành nghề sử dụng nhiều lao động, bị ảnh hưởng lớn như: du lịch, khách sạn, vận tải, giáo dục, may mặc… ngừng hoạt động hoặc sản xuất, kinh doanh cầm chừng.
Người lao động bị ảnh hưởng tập trung ở độ tuổi từ 20 đến 40 chiếm 77,5%. Ở độ tuổi này, tích lũy không nhiều, trình độ nhận thức và tuổi đời còn chưa cao nên chỉ quan tâm giải quyết vấn đề trước mắt; và trên thực tế tại các khu công nghiệp chỉ tuyển dụng công nhân trong độ tuổi từ 18 – 40, quá tuổi lao động trên hầu hết người lao động phải đi xin làm các công việc tự do khác, mặt khác công nhân nhiều tuổi cũng sẽ không thể làm dây chuyền mà phải nghỉ việc.
Đại biểu Chu Thị Hồng Thái cho biết, trong dự thảo luật lần này đã mở rộng thêm nhiều đối tượng đóng BHXH bắt buộc ở khu vực không chính thức, điều này làm tăng tỷ lệ bao phủ BHXH, nhưng cũng có thể làm tăng việc rút BHXH 1 lần do khu vực không chính thức việc làm không ổn định, nhiều tuổi rất khó tìm việc. Đại biểu kiến nghị, cơ quan soạn thảo cân nhắc nghiên cứu, quy định đối với lao động ở khu vực tư, khu vực không chính thức nếu có thời gian đóng BHXH từ đủ 30 năm đối với nữ và 35 năm đối với nam nếu nghỉ trước tuổi thì mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi trừ đi 1% (thay vì 2% như dự thảo luật) và tiếp tục nghiên cứu có thêm những ngành nghề đặc thù nếu số năm đóng BHXH cao thì cũng được nghỉ hưu sớm hơn so với tuổi quy định ngoài các ngành nghề được nêu tại khoản 2 Điều 64 của Dự thảo Luật.
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu giải trình, làm rõ các vấn đề ĐBQH nêu
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu giải trình, làm rõ các vấn đề ĐBQH nêu, trong đó khẳng định các phương án trong dự án Luật trình trước Quốc hội là góp phần thể chế hóa nguyên tắc tiến tới là BHXH đa tầng và BHXH toàn dân, khắc phục cơ bản những vướng mắc, khó khăn hiện nay.
Về trợ cấp hưu trí xã hội, Bộ trưởng nêu rõ đây là vấn đề mà Chính phủ, Ban soạn thảo đã bám sát tinh thần Nghị quyết 28-NQ/TW. Đây là tầng đầu tiên trong hệ thống BHXH đa tầng. Trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách nhà nước đảm bảo cho người lao động ở các độ tuổi là cao tuổi và không có lương hưu, không có BHXH hằng tháng và để có chính sách huy động nguồn lực xã hội bổ sung cho các đối tượng này có mức lương hưu cao hơn. Việc điều chỉnh giảm dần độ tuổi trợ cấp hưu trí xã hội trước mắt, Chính phủ đề xuất với Quốc hội giảm từ 80 xuống 75 và với phương án sẽ tiếp tục giảm dần, tiến tới tiệm cận tuổi nghỉ hưu. Việc điều chỉnh này sẽ tùy theo tình hình phát triển kinh tế – xã hội, khả năng ngân sách của nhà nước. Điều chỉnh thời điểm nào, mức nào thì sẽ do Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Về BHXH một lần, Bộ trưởng nêu rõ đây là vấn đề lớn, quan trọng, nhạy cảm, vừa có tính chất chính trị xã hội nhưng cũng có tính chất chuyên môn rất cao. Do đó, Ban soạn thảo và Chính phủ sẽ tiếp tục cân nhắc thấu đáo, nghiên cứu, lấy thêm ý kiến của các đối tượng thụ hưởng, của người sử dụng lao động. Để có đưa ra phương án BHXH một lần cần hướng tới hai mục tiêu cơ bản. Thứ nhất là đáp ứng được nhu cầu chính đáng của người tham gia BHXH là vẫn có quyền để rút BHXH. Thứ hai là phải phấn đấu để giữ chân người lao động trong hệ thống, đảm bảo an sinh xã hội và chăm lo cho người dân khi về già là có lương hưu đảm bảo cuộc sống.
Hiện tại khó có thể đưa ra một phương án tối ưu mà sẽ đi theo phương án nhiều ưu điểm hơn. Việc điều chỉnh hưởng BHXH sẽ tiếp tục được điều chỉnh theo hướng là người lao động có quyền vấn đề này nhưng không phân biệt người đóng trước hay đóng sau khi Luật có hiệu lực.
Trước ý kiến một số đại biểu nêu nhiều về vấn đề mức cho rút khác nhau, Bộ trưởng làm rõ Ban soạn thảo đưa ra phương án 2, thì ở đây 50 – 50 là thời gian đóng chứ không phải mức đóng. Để lại 50% là để lại cho người lao động và được ghi nhận trong sổ BHXH để người lao động tiếp tục được hưởng các quyền lợi BHXH. Khi người lao động quay trở lại tham gia thì được cộng hưởng tiếp thời gian đóng. Còn nếu không tham gia thì khi đến tuổi nghỉ hưu, người lao động sẽ hưởng trợ cấp hằng tháng.
Về tỷ lệ đóng BHXH, Bộ trưởng làm rõ hiện nay mức đóng BHXH của các quốc gia rất khác nhau, thường là phù hợp với bối cảnh, điều kiện phát triển kinh tế – xã hội của mỗi quốc gia. Mức đóng hiện nay của chúng ta là 27,5% tiền lương tháng và làm căn cứ đóng BHXH. Về cơ bản, mức này là tương đương và tương thích với các quốc gia trong khu vực. Vì vậy, mức đóng BHXH hiện nay của Việt Nam là tương đối phù hợp.
Buổi chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Ý kiến ()