Kỳ họp thứ 6, Quốc hội XV: Đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu ý kiến tranh luận liên quan đến toà án thực hiện quyền tư pháp
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung phiên họp
– Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, chiều 22/11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, thảo luận về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp.
Đoàn ĐBQH tỉnh tham dự phiên thảo luận tại hội trường
Điều hành nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, trong phiên họp chiều ngày 9/11, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra và tiến hành thảo luận tại tổ về dự án luật này, đã có 119 lượt ý kiến phát biểu tại tổ; ngày 21/11/2023, Tòa án nhân dân (TAND) tối cao đã có báo cáo dự kiến tiếp thu, giải trình ý kiến thảo luận tại tổ gửi đến các ĐBQH.
Trong phiên thảo luận tại hội trường về dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) đã có 31 ĐBQH phát biểu ý kiến, trong đó có 14 ĐBQH tranh luận. Hầu hết các ý kiến ĐBQH tán thành với sự cần thiết sửa đổi luật này, bày tỏ quan tâm đến những nội dung như quy định về thu thập chứng cứ trong hoạt động xét xử, giải thích pháp luât trong xét xử, đổi tên TAND cấp tỉnh, cấp huyện.
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn tranh luận về nội dung liên quan đến Tòa án thực hiện quyền tư pháp
Tranh luận về nội dung liên quan đến tòa án thực hiện quyền tư pháp, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn cho biết, Nghị quyết 27 của Trung ương đã yêu cầu xác định thẩm quyền của tòa án để thực hiện đầy đủ, đúng đắn quyền tư pháp. Một trong những nội dung cơ bản của dự thảo luật lần này là giải thích phạm trù thực hiện quyền tư pháp thông qua việc xác định phạm vi thực hiện quyền tư pháp tại khoản 1 và 7 nhiệm vụ cụ thể của tòa án tại khoản 2, Điều 3.
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cho rằng, đây là một điểm tiến bộ lớn, là bước đột phá trong việc thể chế hóa quan điểm của Đảng, quy định của Hiến pháp về quyền lực nhà nước. Tuy nhiên, Nghị quyết số 27 cũng yêu cầu, cần bảo đảm tổng thể, đồng bộ, liên thông giữa đổi mới lập pháp, cải cách hành chính và cải cách tư pháp. Do đó, đại biểu đề nghị làm rõ mối quan hệ giữa thực hiện quyền tư pháp với thực hiện quyền lập pháp và quyền hành pháp ra sao để đảm bảo sự liên thông, đồng bộ, bảo đảm sự thống nhất của quyền lực nhà nước. Việc thể chế hóa Hiến pháp về quyền lực nhà nước sẽ theo mô hình nào, thứ tự ra sao, phải chăng chúng ta xác định thực hiện quyền tư pháp trước, sau đó đến quyền hành pháp, rồi đến quyền lập pháp, hay theo thứ tự ngược lại? Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo giải trình rõ những nội dung này để đảm bảo sức thuyết phục của những quy định trong dự thảo luật.
Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu giải trình tại phiên họp
Phát biểu giải trình tại phiên họp, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình ghi nhận các ý kiến của các ĐBQH với nhiều ý kiến nghiên cứu sâu và nhiều ý kiến gợi mở để Ban soạn thảo tiếp thu nghiên cứu chỉnh sửa, đề nghị các đại biểu tiếp tục gửi ý kiến góp ý.
Làm rõ về xét xử giải quyết các vi phạm hành chính theo Luật định, Chánh án TAND tối cao cho biết hiện Luật cho tòa án giải quyết 4 nhóm vi phạm hành chính là đưa người đi chữa bệnh bắt buộc, đưa người vào trường giáo dưỡng, vi phạm các quy định tố tụng…Trong tương lai, luật cho thêm việc gì thì Tòa làm thêm việc đó; không có nghĩa là mấy triệu vụ xử hành chính từ giao thông đến môi trường đến thuế đều dồn cho Tòa án.
Về giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử, Chánh án TAND tối cao nêu rõ, đây là áp dụng pháp luật trong xét xử, gắn với các tình huống pháp lý cụ thể, không phải giải thích điều luật. Đây là việc là đã ghi trong Bộ luật Tố tụng dân sự nên lần này sửa đổi Luật Tổ chức TAND quy định vào để thể hiện rõ đây là nhiệm vụ, trách nhiệm của thẩm phán phải làm. Theo đó, trong một vụ án tòa án vận dụng điều luật nào thì phải giải thích tại sao lại áp dụng điều đó.
Về việc thu thập chứng cứ, Chánh án TAND tối cao cho biết, điều Nhân dân chờ đợi phán quyết công tâm, khách quan, công bằng chứ không phải là chờ đợi việc thu thập chứng cứ xong xét xử trên các chứng cứ do mình thu thập mà xem nhẹ các chứng cứ của các bên khác. Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Chánh án TAND tối cao cho biết sẽ chỉnh lý quy định theo hướng khi có yêu cầu của người dân, cả bên nguyên và bên bị khi không thể thu thập chứng cứ thì Tòa án hỗ trợ bằng các quyết định giao nộp chứng cứ mà các cơ quan Nhà nước và tổ chức cá nhân phải có nghĩa vụ cung cấp cho người dân. Nếu các bên không chấp hành lệnh của Tòa án thì sẽ bị xử phát theo Pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) vừa ban hành.
Về tổ chức tòa án theo thẩm quyền xét xử, Chánh án TAND tối cao cho biết, đây là nội dung nhằm thể chế hóa Nghị quyết 27-NQ/TW, làm cơ sở trong tương lai tiếp tục làm tốt hơn. Về tòa phúc thẩm vẫn xử sơ thẩm, Chánh án cho biết thực tế nhiều nước Tòa án tối cao vẫn xử sơ thẩm. Tên gọi là tòa án phúc thẩm hay sơ thẩm là nhiệm vụ chính yếu, chủ yếu là xử sơ thẩm thì gọi là tòa sơ thẩm; chủ yếu xử phúc thẩm thì là tòa án phúc thẩm.
Về ngạch bậc thẩm phán, Chánh án TAND tối cao cho biết, thực tế ở tòa án cấp huyện có gần 6.000 thẩm phán, trong đó từ khi vào tòa án đến khi về hưu đều chỉ được là thẩm phán sơ cấp dù giỏi, có khả năng làm rất nhiều việc, nhưng suốt cuộc đời chỉ được là sơ cấp nên rất thiệt thòi. Quan tâm đến thẩm phán, đồng thời tham khảo kinh nghiệm của quân đội, để từ khi vào ngành thì thẩm phán có động lực phấn đấu lên từng bậc.
Về tòa sơ thẩm chuyên biệt, Nghị quyết Đại hội 13, Nghị quyết Trung ương và Nghị quyết của Quốc hội đều đề cập về xây dựng tòa án chuyên nghiệp. Theo đó, dự thảo Luật quy định chung về thành lập tòa sơ thẩm chuyên biệt, còn địa hạt pháp lý đến đâu, thẩm quyền như thế nào thì Tòa án nhân dân tối cao làm hồ sơ báo cáo của UBTVQH, UBTVQH sẽ quyết định.
Về vấn đề thanh tra, kiểm tra trong quá trình tố tụng, Chánh án TAND tối cao cho biết, thời hạn tố tụng quy định rất khắt khe. Trường hợp Tòa án chỉ có thời hạn 1 tháng từ khi hồ sơ chuyển sang phải giải quyết, khi đó mà phát sinh thanh tra hay giám sát thì sẽ không đảm bảo được thời hạn tố tụng. Mặt khác tất cả những vi phạm do lỗi chủ quan ngay lập tức bị xử lý. Trong quá trình tố tụng có vi phạm thì Viện kiểm sát đến cơ quan điều tra sẽ làm ngay. Việc không quy định thanh tra, kiểm tra trong quá trình tố tụng để bảo đảm độc lập tư pháp, bảo đảm độc lập trong xét xử, tránh trường hợp cho thanh tra, kiểm tra cam thiệp vào hoạt động tư pháp.
Ý kiến ()