Kỳ họp thứ 6, Quốc hội XV: Đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu ý kiến đóng góp vào kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri
– Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 20/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp
Theo Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của các vị ĐBQH, đã có 2.765 kiến nghị được tổng hợp, chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Đến nay, 2.751 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời cử tri, đạt 99,5%. Trong đó, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trả lời 69/69 kiến nghị. Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương đã giải quyết và trả lời 2.591/2.605 kiến nghị. Tòa án Nhân dân tối cao, Viện kiểm sát Nhân dân tối cao đã giải quyết, trả lời 61/61 kiến nghị.
Trong phiên họp đã có 22 lượt đại biểu tham gia phát biểu tại hội trường, 1 đại biểu tham gia tranh luận, 5 bộ trưởng, trưởng ngành đã phát biểu giải trình, làm rõ các vấn đề ĐBQH quan tâm. Các ý kiến tập trung vào đề nghị làm rõ các biện pháp giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế cục bộ; hỗ trợ kết nối dữ liệu nền tảng số; hướng dẫn bồi thường, hỗ trợ đối với đất, tài sản trên đất nằm trong khu vực hành lang an toàn cột tháp gió; đảm bảo sự thống nhất, công bằng, khách quan trong xét xử hai vụ án liên quan đến đất đai tại Đà Nẵng; hạn chế tình trạng trả lời kiến nghị chung chung, thiếu thiết thực; khẩn trương hoàn thiện, trình ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ khôi phục sản xuất; quan tâm giải quyết các vụ việc phức tạp, kéo dài; giải quyết vướng mắc trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm;…
–
Đại biểu Lưu Bá Mạc, Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại hội trường
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Lưu Bá Mạc, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn tán thành với báo cáo kết quả giám sát. Phản ánh kiến nghị của cử tri Lạng Sơn liên quan đến chuyển đổi số chưa được Bộ Thông tin và Truyền thông phúc đáp, đại biểu Lưu Bá Mạc cho biết: Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số đã giao nhiệm vụ cho tỉnh Lạng Sơn triển khai thí điểm Nền tảng Cửa khẩu số nhằm quản lý tổng thể và toàn diện hoạt động xuất, nhập khẩu qua cửa khẩu dựa trên công nghệ số, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp lãnh đạo, cải cách hành chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất, nhập khẩu tốt hơn, hướng tới có thể nhân rộng trên phạm vi toàn quốc.
Đại biểu cho biết, đến nay, Nền tảng cửa khẩu số được duy trì hoạt động ổn định, 100% các doanh nghiệp đã khai báo trực tuyến trên Nền tảng cửa khẩu số, trước khi phương tiện đến Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, Cửa khẩu Tân Thanh và được xử lý trên Nền tảng cửa khẩu số. Tuy nhiên hiện nay, việc kết nối, chia sẻ liên thông dữ liệu giữa Nền tảng cửa khẩu số tỉnh Lạng Sơn với dữ liệu của các ngành, ví dụ như: Hải Quan, biên phòng, y tế, kiểm dịch động vật, kiểm dịch thực vật, trên Cổng Thông tin một cửa quốc gia chưa được thực hiện.
Cử tri tỉnh Lạng Sơn đã có kiến nghị với Bộ Thông tin và Truyền thông nhiều tháng nay về việc đề nghị hỗ trợ kết nối, chia sẻ liên thông dữ liệu với Nền tảng cửa khẩu số tỉnh Lạng Sơn. Cụ thể là hai Công văn số 909/UBND-KGVX ngày 13/7/2023 và Công văn 1951/UBND-KGVX ngày 09/11/2023 của UBND tỉnh Lạng Sơn, đến nay vẫn chưa có phúc đáp từ phía Bộ Thông tin và Truyền thông.
Đại biểu Lưu Bá Mạc đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông quan tâm chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong việc hỗ trợ kết nối, chia sẻ thông tin dữ liệu, theo 2 chiều: chiều từ Cổng thông tin một cửa quốc gia đến Nền tảng cửa khẩu số và chiều từ Nền tảng cửa khẩu số đến Cổng thông tin một cửa quốc gia, như quy định tại Nghị định 47/2020/NĐ-CP ngày 09/4/2020 về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước. Để từ đó, doanh nghiệp chỉ cần khai báo thông tin một lần, thay vì phải khai báo nhiều lần, trên nhiều nền tảng của các ngành khác nhau.
Đại biểu Chu Thị Hồng Thái, Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu ý kiến tại hội trường
Phát biểu tại hội trường về kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri, đại biểu Chu Thị Hồng Thái, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn đánh giá cao việc Quốc hội tiếp tục đưa ra thảo luận nội dung này tại kỳ họp thứ 6.
Đại biểu phản ánh việc trả lời kiến nghị của cử tri của một số bộ, ngành chưa thực sự sát, rõ, đáp ứng mong mỏi của cử tri. Đại biểu lấy ví dụ về việc trả lời kiến nghị của cử tri thành phố Lạng Sơn gửi tới sau kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khoá XV về tình trạng lạm dụng hoá chất trong việc bảo quản rau, củ, quả và đề nghị cần có chế tài xử phạt nặng đối với các tập thể, cá nhân vi phạm. Nhưng khi trả lời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ nêu đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 26 Nghị định số 31/2016/NĐ-CP ngày 06/5/2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật.
Để nâng cao chất lượng giải quyết kiến nghị của cử tri, đại biểu Chu Thị Hồng Thái cho rằng, kiến nghị của cử tri về việc đề nghị có cơ chế, chính sách để giảm giá nguyên nhiên liệu, vật liệu, vật tư nông nghiệp. Chi phí sản xuất ngày càng tăng cao trong khi tiêu thụ các sản phẩm gặp khó khăn, nhiều sản phẩm sản xuất ra không tiêu thụ được, ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất của doanh nghiệp và đời sống của người dân, kiến nghị này đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời, cơ bản cử tri cũng thống nhất với trả lời của bộ, tuy nhiên, cử tri vẫn còn băn khoăn về các giải pháp mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện chưa thực sự giải quyết được vấn đề căn cơ đó là tình trạng nhập khẩu nguyên vật liệu sản xuất vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi vẫn cao, vẫn phải phụ thuộc nhiều vào nước ngoài. Do vậy tiếp tục kiến nghị Chính phủ có có các giải pháp đồng bộ, quyết liệt hơn nữa.
Theo đại biểu Chu Thị Hồng Thái, cử tri tiếp tục kiến nghị Chính phủ xem xét, hỗ trợ kinh phí đo đạc, kiểm đếm để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhất là đối với các tỉnh có điều kiện kinh tế khó khăn, các tỉnh miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, có tỷ lệ hộ nghèo cao, thu nhập, đời sống của nhân dân còn khó khăn như tỉnh Lạng Sơn. Đại biểu cũng mong Quốc hội, Chính phủ xem xét tăng cường phân bổ kinh phí đầu tư để tỉnh có nguồn lực xây dựng các tuyến đường giao thông tỉnh lộ, đường liên xã bị xuống cấp cần tu sửa, nâng cấp; xây dựng cầu dân sinh qua sông, suối, ngầm tràn để phục vụ nhu cầu đi lại, giao thương hàng hóa của nhân dân. Cùng với đó, đề nghị các bộ, ngành Trung ương hoàn thành kết nối, chia sẻ Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của bộ, ngành với Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh; kịp thời công bố, công khai thủ tục hành chính, cập nhật đầy đủ, chính xác lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Theo chương trình, buổi chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu; việc giảm thuế giá trị gia tăng.
Ý kiến ()