Kỳ họp thứ 6 Quốc hội XV: Đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu tranh luận ý kiến về vấn đề biên soạn bộ sách giáo khoa mới
Quang cảnh phiên thảo luận tại hội trường đánh giá kết quả phát triển kinh tế – xã hội
– Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, ngày 1/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024.
Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, nội dung liên quan đến đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023, dự kiến kế hoạch năm 2024 đã được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận từ chiều 31/10 và cả ngày 1/11 với 69 đại biểu phát biểu, 24 đại biểu tham gia tranh luận, còn 92 ĐBQH đã đăng ký nhưng chưa phát biểu, 5 bộ trưởng phát biểu, giải trình nhiều vấn đề được cử tri, Nhân dân và các ĐBQH quan tâm. Các ý kiến tập trung vào một số lĩnh vực y tế, giáo dục, đầu tư trong phát triển kinh tế, tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn chính sách, thực hiện đồng bộ chính sách tài khoá tiền tệ; các chính sách việc làm cho thanh niên; dự báo các thách thức trong phát triển kinh tế – xã hội…
Đại biểu Lưu Bá Mạc, Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu ý kiến tranh luận về vấn đề biên soạn sách giáo khoa
Đối với lĩnh vực giáo dục, nhiều ĐBQH có ý kiến về việc biên soạn bộ sách giáo khoa mới như: giao trách nhiệm cho Bộ GD&ĐT, bố trí kinh phí cho việc đổi mới chương trình sách giáo khoa, xã hội hoá trong biên soạn sách giáo khoa…
Trong phiên tranh luận ý kiến vào cuối giờ chiều 31/10, đại biểu Lưu Bá Mạc, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn đã phát biểu tranh luận ý kiến với đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp về nội dung liên quan đến biên soạn bộ sách giáo khoa mới. Theo đó, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng, cần giao trách nhiệm cho Bộ GD&ĐT trong việc nghiên cứu, biên soạn một bộ sách giáo khoa mới.
Tranh luận ý kiến với đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, đại biểu Lưu Bá Mạc, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn cho rằng, thời điểm này không nên giao cho Bộ GD&ĐT biên soạn bộ sách giáo khoa mới mà nên tập trung nghiên cứu, lựa chọn 1 bộ sách giáo khoa đã có và sử dụng hiệu quả bộ sách giáo khoa được lựa chọn.
Theo đại biểu Lưu Bá Mạc, việc biên soạn bộ sách giáo khoa mới tại thời điểm này là không thực sự cấp thiết mà trên cơ sở các bộ sách giáo khoa hiện tại để lựa chọn bộ sách giáo khoa phù hợp với năng lực giảng dạy của giáo viên, đồng thời phù hợp với năng lực học tập cũng như mặt bằng của học sinh tại từng địa phương.
Đại biểu Lưu Bá Mạc cũng cho rằng, cần giao cho chính những chủ thể này quyền được lựa chọn bộ sách giao khoa phù hợp với môn học và tình hình thực tiễn tại cơ sở giáo dục của mình. Đại biểu nhấn mạnh, việc Bộ GD&ĐT tổ chức chủ trì biên soạn sách giáo khoa chỉ nên thực hiện sau khi đã tổng kết, đánh giá chất lượng, hiệu quả của việc đổi mới, việc triển khai thực hiện các bộ sách giáo khoa hiện tại một cách khoa học, toàn diện, khách quan.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu giải trình, làm rõ một số nội dung ĐBQH quan tâm
Phát biểu giải trình tại phiên thảo luận sáng 1/11 về một số nội dung ĐBQH quan tâm, trong đó có nội dung liên quan đến biên soạn sách giáo khoa mới, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, vừa qua, Đoàn giám sát của Quốc hội đã ghi nhận hệ thống sách giáo khoa được biên soạn, phê duyệt, phát hành cơ bản đúng tiến độ, đáp ứng được yêu cầu dạy và học. Nội dung sách giáo khoa bám sát yêu cầu cần đạt của chương trình giáo dục… Vì vậy, Bộ trưởng cho rằng, từ nay đến năm 2024, việc quan trọng nhất cần làm là thẩm định chất lượng các sách giáo khoa lớp 5, lớp 9, lớp 12 cho thật tốt, đảm bảo đủ sách giáo khoa trước năm học mới. Về vấn đề được giao, Bộ sẽ có đánh giá tổng thể, sâu sắc về vấn đề này và sẽ có đề đạt phương án với Quốc hội.
Theo chương trình, ngày mai (2/11), Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025; kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 – 2025; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2023, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024; thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Ý kiến ()