Kỳ họp thứ 11: Tiếp nhận gần 2.300 ý kiến, kiến nghị cử tri, nhân dân
Chủ tịch Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết, cử tri và nhân dân phấn khởi trước thành công của Đại hội Đảng bộ các cấp, nhất là thành công tốt đẹp Đại hội XIII của Đảng.
Từ sau Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV đến nay, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được 2.278 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước thông qua các Đoàn đại biểu Quốc hội, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các thành viên của Mặt trận.
Đây là nội dung trong Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV do Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn trình bày trước Quốc hội sáng 25/3
Xác định tầm nhìn phù hợp với thực tiễn
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết, cử tri và nhân dân phấn khởi trước thành công của Đại hội Đảng bộ các cấp, nhất là thành công tốt đẹp Đại hội XIII của Đảng.
Đại hội là dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của Đảng, của dân tộc, của đất nước; định hướng, xác định tầm nhìn phù hợp với thực tiễn, phù hợp với tiến trình đổi mới, hội nhập quốc tế và phát triển đất nước.
Công tác chuẩn bị văn kiện Đại hội được chuẩn bị kỹ lưỡng, tiếp thu tối đa ý kiến đóng góp của nhân dân.
Công tác nhân sự được tiến hành dân chủ, khách quan, các đồng chí được bầu vào Trung ương tiêu biểu về trí tuệ, bản lĩnh và khát vọng phát triển đất nước.
Cử tri và nhân dân quan tâm nhân sự ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 và mong muốn cuộc bầu cử được tiến hành đúng pháp luật, dân chủ, bình đẳng và thành công tốt đẹp.
Đại biểu được bầu vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân là những người có đức, có tài, quyết liệt trong hành động, tất cả vì lợi ích của nhân dân, của dân tộc và sự phát triển phồn vinh, thịnh vượng của đất nước.
Cử tri và nhân dân đánh giá cao Đảng, Nhà nước đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19 khi bùng phát trở lại ở nhiều địa phương, có các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân, đồng thời quan tâm chỉ đạo việc nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu vaccine phòng COVID-19.
Cử tri và nhân dân còn lo lắng trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, gây khó khăn rất lớn đến sản xuất-kinh doanh và đời sống nhân dân; lo ngại trước tình trạng người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, tình trạng khai báo y tế thiếu trung thực.
Sản xuất nông nghiệp là “trụ đỡ” cho nền kinh tế
Về thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, cử tri và nhân dân hoan nghênh Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo, tập trung thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tiêu dùng trong nước; đẩy mạnh xuất khẩu, giải ngân vốn đầu tư công.
Nhiều dự án trọng điểm quốc gia được khởi công xây dựng, góp phần sớm phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề do thiên tai ở miền Trung; rét đậm, rét hại ở miền núi phía Bắc; xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, nhưng sản xuất nông nghiệp vẫn phát triển và là “trụ đỡ” cho nền kinh tế; sản xuất công nghiệp có những khởi sắc.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở làng nghề, hộ sản xuất kinh doanh vẫn phải ngừng hoạt động hoặc giải thể.
Đời sống của một bộ phận nhân dân vùng bị thiên tai, dịch bệnh, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn.
Ngành thương mại, dịch vụ bị tác động tiêu cực. Tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn diễn ra phức tạp.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV.
Về lĩnh vực văn hóa, cử tri và nhân dân đồng tình với việc dừng tổ chức các lễ hội đầu năm cho phù hợp với diễn biến phức tạp của dịch bệnh và có nhiều chuyển biến tích cực trong xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.
Tuy nhiên, cử tri và nhân dân còn lo lắng trước tình trạng phát tán các bài viết, hình ảnh phản cảm, bạo lực, lối sống thiếu lành mạnh.
Đối với lĩnh vực giáo dục, cử tri và nhân dân ghi nhận những nỗ lực của ngành giáo dục nhằm tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Tuy nhiên, cơ sở vật chất, nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn. Việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Tình trạng bạo lực học đường còn xảy ra ở một số nơi.
Cử tri và nhân dân đánh giá cao lực lượng Công an, các cơ quan tư pháp, chính quyền các cấp về những kết quả trong phòng, chống, đấu tranh, trấn áp tội phạm, đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội; quyết liệt trong xử lý các đối tượng, băng nhóm tội phạm, buôn bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy, tội phạm công nghệ cao.
Tuy nhiên, cử tri và nhân dân còn lo lắng, bức xúc về tình trạng cướp giật, tín dụng đen, lừa đảo; đánh bạc qua mạng, cho vay nặng lãi; khai thác tài nguyên trái phép; buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng…
Cử tri và nhân dân đánh giá cao những kết quả toàn diện trong công tác đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, công tác đối ngoại đã được điều chỉnh linh hoạt, hiệu quả; quan hệ hợp tác với các nước, các đối tác quan trọng tiếp tục được củng cố.
Bên cạnh đó, chúng ta vẫn kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông.
Nhiều đổi mới trong hoạt động
Cử tri và nhân dân cho rằng, Quốc hội khóa XIV đã có nhiều đổi mới trong hoạt động; nâng cao hiệu quả công tác giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước; hoạt động chất vấn và tranh luận tại các phiên họp được đánh giá cao.
Sự quyết liệt, sáng tạo, chủ động trong lãnh đạo, điều hành của Chính phủ đã góp phần quan trọng vào ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ môi trường; phát triển văn hóa-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và công tác đối ngoại.
Việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án của các cơ quan tư pháp có nhiều chuyển biến tích cực để bảo vệ chế độ, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.
Cử tri và nhân dân mong muốn việc xây dựng chính sách, pháp luật phải tiếp tục được đổi mới, tránh chồng chéo; cần lấy ý kiến góp ý và tiếp thu phản biện thiết thực hơn. Việc thực hiện một số chính sách còn chậm, nhất là vấn đề lao động, việc làm.
Những hạn chế trong thực hiện các chương trình giảm nghèo vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số; bảo hiểm xã hội, an toàn lao động; chất lượng khám chữa bệnh và vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Một số công chức, viên chức còn quan liêu, hiệu quả làm việc thấp. Công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án cần tiếp tục nâng cao chất lượng, đáp ứng đầy đủ hơn yêu cầu phát triển của đất nước.
Bảo đảm cuộc bầu cử thực sự là ngày hội của toàn dân
Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ghi nhận Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã giải quyết nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhân dân tại Kỳ họp thứ 10 và trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV.
Tại kỳ họp này, trên cơ sở ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kiến nghị 5 vấn đề.
Cụ thể, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương sớm ban hành chương trình cụ thể đưa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng vào cuộc sống; kiện toàn nhân sự các chức danh lãnh đạo Nhà nước bảo đảm dân chủ, khách quan, chặt chẽ, tạo sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng, toàn dân.
Quốc hội, Chính phủ tiếp tục tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát để tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; bảo đảm cuộc bầu cử được tiến hành dân chủ, đúng pháp luật, tiết kiệm và thực sự là ngày hội của toàn dân.
Quốc hội, Chính phủ tiếp tục có các giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, thực hiện hiệu quả hơn công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; bảo đảm các cơ quan trong bộ máy nhà nước tổ chức tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước.
Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an sinh xã hội trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 có thể còn diễn biến phức tạp.
Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền các địa phương tiếp tục thực hiện các kiến nghị của cử tri, nhân dân và của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại các kỳ họp Quốc hội khóa XIV./.
Ý kiến ()