Kỳ họp thứ 10: Người nghiện ma túy là "tội phạm" hay "người bệnh?"
Đại biểu đưa ra ý kiến, người nghiện ma túy là bệnh nhân, cần được điều trị về thể chất, tâm thần, nhưng họ cũng có thể là tội phạm nếu họ có những hành vi phạm và khi đó sẽ bị xử phạt.
Tiếp tục Kỳ họp thứ 10, sáng 13/11, các đại biểu Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi).
Vẫn băn khoăn về người nghiện ma túy là “tội phạm” hay “người bệnh”
Tại hội trường, nhiều đại biểu nêu lên thực tiễn thời gian qua, số người sử dụng trái phép chất ma túy ngày càng gia tăng, đặc biệt là sử dụng ma túy tổng hợp với nhiều hình thức sử dụng, từ hút, hít, tiêm chích sang uống, ngậm (ma túy tổng hợp, thuốc hướng thần)…
Nhiều đại biểu cũng đặt ra vấn đề về mặt nhận thức, quan điểm coi người nghiện là “tội phạm” hay “người bệnh;” người sử dụng ma túy ở mức nào thì bị coi là “nghiện ma túy.”
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) nêu vấn đề, theo ý kiến của các cơ quan chuyên môn, sử dụng ma túy một vài lần có thể gây nghiện, nhưng đồng thời cũng không thể trả lời chính xác các câu hỏi: sử dụng ma túy bao nhiêu lần thì nghiện.
Chính vì vậy, trên thực tế, có những người sử dụng ma túy trong một thời gian khá dài nhưng chưa rơi vào tình trạng nghiện, chưa bị lệ thuộc vào ma túy. Nhưng bên cạnh đó, có người sử dụng ma túy vài lần đã thành nghiện.
Việc xét nghiệm cho kết quả dương tính với ma túy chỉ là cơ sở kết luận người đó có sử dụng ma túy, chứ không phải là cơ sở kết luận người đó nghiện ma túy.
“Vì vậy, việc phân định chính xác những kiểu người này để có biện pháp tương ứng về mặt pháp luật là rất cần thiết, rất quan trọng, đối tượng nào thì biện pháp đó,” đại biểu Thủy nhấn mạnh.
Cũng theo đại biểu, các luật hiện hành chỉ quy định quản lý đối với người nghiện, không có quy định quản lý đối với người sử dụng trái phép chất ma túy và những người có hành vi tàng trữ ma túy.
Nếu bị phát hiện thì người sử dụng trái phép chất ma túy chỉ bị xử phạt hành chính tối đa 1 triệu đồng theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống, chống bạo lực gia đình) và sau đó không có bất cứ chế tài quản lý nào đối với họ.
Sau này, họ trở thành người nghiện rồi mới bị quản lý và quản lý sau cai. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, nếu đã thành người nghiện thì không dễ cai, và lúc đó thậm chí có thể gây ra hậu quả rất nghiêm trọng cho xã hội.
“Trước năm 2009, hành vi sử dụng trái phép chất ma túy đã được quy định thành 1 tội trong Bộ luật Hình sự và tính răn đe khá cao. Tuy nhiên, sau đó có sự thay đổi trong cách nhận thức về hành vi này và coi họ là nạn nhân của tệ nạn ma túy. Do đó, Bộ luật Hình sự hiện hành đã bỏ tội danh trên. Từ đó đã khiến số người nghiện trong thời gian vừa qua tăng nhanh chóng,” đại biểu phân tích, đồng thời dẫn lại báo cáo của Bộ Công an.
Theo đó, năm 2009, cả nước có 146.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý; sau 10 năm, năm 2019 thì con số này là 225.000 người, tăng 72.000 người.
Đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) đồng tình với đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) về việc sử dụng trái phép chất ma túy với việc nghiện ma túy là 2 việc khác nhau.
Theo đại biểu Nguyễn Trường Giang, về cơ bản, những người sử dụng trái phép chất ma túy thì thường nghiện; nhưng phải phân biệt rất rõ hai vấn đề này.
Thực tiễn, nhiều người sau khi cai nghiện bắt buộc, cai nghiện tại cộng đồng, họ được xác nhận là không còn nghiện ma túy. Tuy nhiên, có thể sau đó, họ lại sử dụng ma túy.
Vấn đề đại biểu đặt ra là cần phải quy định về “một khoảng thời gian” trong xác định tình trạng nghiện.
Cũng trao đổi về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng, Điều 3 dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), khoản 11 quy định rõ: “Tội phạm về ma túy là các hành vi phạm tội được quy định tại Chương Các tội phạm về ma túy trong Bộ luật Hình sự.”
Khoản 15 giải thích: “Người nghiện ma túy là người sử dụng chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và bị lệ thuộc vào các chất này.”
“Như vậy, người nghiện ma túy là bệnh nhân, cần được điều trị về thể chất, tâm thần. Nhưng những người nghiện ma túy đó cũng có thể là tội phạm, nếu họ có những hành vi phạm và khi đó họ sẽ bị xử phạt. Dự thảo luật sửa đổi như thế này tôi thấy rất rõ, từ nay trở đi có lẽ không cần phải thảo luận,” đại biểu nêu ý kiến.
Phải quy định rõ ràng trong luật
Giải trình các ý kiến tại hội trường, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an chia sẻ với băn khoăn của nhiều đại biểu về quan niệm, thái độ của xã hội đối với người sử dụng ma túy và người nghiện ma túy.
Theo Bộ trưởng, hiện những người nghiện ma túy rất nan giải.
“Trí thức có, cán bộ có, thanh niên có, thậm chí trẻ em cũng có… Có quan điểm rằng, đây là những người rất đáng thương, cần có những biện pháp về mặt xã hội. Nhưng cũng có quan điểm, người nghiện ma túy phần lớn là những đối tượng xấu, phần lớn có tiền án, tiền sự, có những vi phạm pháp luật khác; hoặc những người có bệnh tật, bệnh nền… Xã hội còn dùng những từ con nghiện, con bệnh, thậm chí gia đình xa lánh, một bộ phận xã hội xa lánh…,” Bộ trưởng chia sẻ./.
Ý kiến ()