Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội XV: Đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận tổ về quy hoạch tổng thể quốc gia và một số chính sách quan trọng
Đại biểu Lưu Bá Mạc, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn phát biểu ý kiến tại thảo luận tổ
– Sáng 6/1, trong chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 2, các đại biểu thảo luận tại tổ. Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh do đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh làm trưởng đoàn thảo luận tổ cùng Đoàn ĐBQH các tỉnh: Hà Nam, Thừa Thiên Huế, Phú Thọ.
Theo đó, các đại biểu đã thảo luận về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; đánh giá việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV về các chính sách phòng, chống dịch bệnh COVID-19; đề xuất nội dung đưa vào Nghị quyết của Quốc hội về việc chuyển tiếp thực hiện một số chính sách theo quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 về các chính sách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 01/01/2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược.
Phát biểu ý kiến tại thảo luận tổ về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch và cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 01/01/2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược, Đại biểu Lưu Bá Mạc, Đoàn ĐBQH tỉnh cơ bản tán thành với nội dung nêu trong Dự thảo Nghị quyết.
Đại biểu Lưu Bá Mạc đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bỏ điểm b khoản 1 Điều 3 Dự thảo Nghị quyết, chỉ cần tiết a khoản 1 Điều này là đầy đủ. Việc áp dụng điểm b khoản 1 Điều 3 này không thực sự phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Bởi đại biểu cho rằng, theo khoản 6 Điều 56 của Luật Dược 2016, “Thời hạn hiệu lực của giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc là 05 năm kể từ ngày cấp hoặc gia hạn. Thời hạn hiệu lực của giấy đăng ký lưu hành thuốc là 03 năm kể từ ngày cấp đối với thuốc có yêu cầu tiếp tục theo dõi an toàn, hiệu quả”. Mặt khác, theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 3 Dự thảo Nghị quyết này hiện nay thì, những loại thuốc trong hồ sơ xin gia hạn đã nộp mà có giấy phép được cấp lần 1 là 03 năm, nhưng chưa được gia hạn, thì sẽ không còn được lưu hành nữa. Do vậy, từ tình hình thực tiễn hiện nay cho thấy: Nếu áp dụng điểm c này, sẽ dẫn đến tình trạng gián đoạn sản xuất, lưu hành và cung ứng thuốc hoặc đứt gãy chuỗi cung ứng thuốc. Hậu quả là người dân, cơ sở khám chữa bệnh và các tổ chức có liên quan bị ảnh hưởng vì thiếu thuốc hoặc nguyên liệu làm thuốc.
Đại biểu Lưu Bá Mạc cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung vào Nghị quyết một nội dung về nhiệm vụ, giải pháp để các địa phương có thể thực hiện thanh toán từ nguồn ngân sách nhà nước để hoàn trả chi phí cho việc tạm ứng trước hoá chất, sinh phẩm và vật tư y tế phòng chống dịch từ các doanh nghiệp đã cung ứng trước hoặc cho tạm ứng trước cho các Sở Y tế các tỉnh, để thực hiện công tác phòng chống dịch trong tình trạng cấp bách. Trong Nghị quyết 30/2021/QH15 của Quốc hội đã có quy định giao Chính phủ quyết định và chịu trách nhiệm thực hiện một số giải pháp, biện pháp chưa được luật quy định hoặc khác với quy định trong các luật, pháp lệnh để đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Đối với vấn đề này, Sở Tài chính tỉnh Lạng Sơn đã có công văn hỏi Bộ Tài Chính, tuy nhiên Bộ Tài chính phúc đáp là Bộ Tài chính không có chức năng, nhiệm vụ hướng dẫn các thủ tục thanh toán các khoản vay, mượn của địa phương và đề nghị địa phương thực hiện theo quy định của pháp luật. Do vậy, địa phương lại chưa có được giải pháp để thực hiện. Theo như ý kiến của Sở Y tế tỉnh Lạng Sơn, thì đa số các tỉnh/thành phố khác cũng có tình trạng tương tự. Vì vậy, đại biểu Lưu Bá Mạc đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung thêm một giải pháp hoặc quy định phù hợp vào dự thảo để giúp cho các địa phương giải quyết được tình trạng nêu trên.
Theo chương trình, buổi chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu.
THANH HUYỀN - ANH TUẤN
Ý kiến ()