Kỳ họp bất thường HĐND tỉnh Thái Bình thông qua nhiều nghị quyết
Tại kỳ họp bất thường, Hội đồng Nhân dân tỉnh Thái Bình đã thông qua 16 Nghị quyết có ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, xã hội và đời sống nhân dân trong tỉnh.
Ngày 24/2, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Thái Bình, Hội đồng Nhân dân tỉnh Thái Bình khóa XVI, nhiệm kỳ 2016-2021 đã tổ chức kỳ họp bất thường xem xét, quyết định nhiều nội dung.
Tại kỳ họp, Hội đồng Nhân dân tỉnh đã thông qua 16 Nghị quyết có ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, xã hội và đời sống nhân dân trong tỉnh.
Phát biểu tại kỳ họp, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Thái Bình Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh để tổ chức thực hiện tốt các nghị quyết đã được Hội đồng Nhân dân tỉnh thông qua, Hội đồng Nhân dân tỉnh đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh, các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị trong tỉnh tập trung rà soát, đánh giá tình hình và kịp thời bổ khuyết các nhiệm vụ, giải pháp để chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả nhằm thực hiện thắng lợi, toàn diện các chỉ tiêu kế hoạch năm 2020 đã đề ra, góp phần hoàn thành và hoàn thành suất sắc nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2020.
Đặc biệt, chú trọng thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách đang đặt ra như phòng, chống dịch COVID-19, tích cực chuẩn bị các công việc để tổ chức kỷ niệm 130 năm Ngày thành lập tỉnh, gắn với khánh thành tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam, đón nhận Bằng công nhận tỉnh Thái Bình hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, đồng thời chuẩn bị cho tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng…
Ủy ban Nhân dân tỉnh khẩn trương thể chế hóa nghị quyết thành các quy định, kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật, chỉ đạo các sở, ngành đơn vị chức năng làm tốt công tác hướng dẫn, phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố, các đơn vị liên quan.
Thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh, các ban và các đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh, các cấp ủy đảng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức thành viên tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, kịp thời góp ý và phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Nhân dân tỉnh, các sở, ngành, các địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện…
Trong số các Nghị quyết được Hội đồng Nhân dân tỉnh thông qua tại kỳ họp lần này có Nghị quyết về việc sáp nhập tổ dân phố thuộc thị trấn Vũ Thư, huyện Vũ Thư; thành lập tổ dân phố thuộc phường Quang Trung, thành phố Thái Bình. Tổ dân phố Minh Tiến được sáp nhập với tổ dân phố Minh Tân 1 để thành lập tổ dân phố Minh Hòa, thuộc thị trấn Vũ Thư, huyện Vũ Thư. Phường Quang Trung thành lập mới hai tổ dân phố số 05 và 06.
Đối với Nghị quyết ban hành quy định về chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển chăn nuôi trâu, bò thương phẩm theo chuỗi liên kết trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2020-2025, các tổ chức là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác và hộ chăn nuôi gồm cả cá nhân, chủ trang trại không phải tổ chức thực hiện đầu tư chăn nuôi trâu, bò thương phẩm theo chuỗi liên kết hoặc tham gia vào chuỗi liên kết chăn nuôi trâu, bò thương phẩm trên địa bàn tỉnh được xét ưu đãi, hỗ trợ theo quy định này.
Tỉnh Thái Bình khuyến khích hộ chăn nuôi trâu, bò tham gia, thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác chăn nuôi trâu, bò theo quy định của pháp luật để tham gia vào chuỗi liên kết.
Thái Bình ưu đãi về đơn giá, miễn giảm tiền thuê đất và hỗ trợ tích tụ, tập trung đất đai, hỗ trợ hạ tầng, tín dụng, phối giống nhân tạo, vắcxin phòng bệnh, đào tạo nghề, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ làm đệm lót sinh học… Trong hỗ trợ tích tụ, tập trung đất đai, các tổ chức, hộ chăn nuôi tham gia chuỗi liên kết, có dự án đầu tư cơ sở chăn nuôi trâu, bò được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư hoặc cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân để hình thành vùng nguyên liệu có diện tích tối thiểu 20 ha/vùng được hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng vùng nguyên liệu với mức hỗ trợ 50 triệu đồng/ha, nhưng không quá 10 tỷ đồng/dự án…
Trước đó, tại Đề án phát triển đàn trâu, bò thương phẩm theo chuỗi liên kết giai đoạn 2019-2025 và những năm tiếp theo, Thái Bình đã đặt mục tiêu phát triển đàn trâu, bò thương phẩm có năng suất, chất lượng cao theo chuỗi liên kết, bảo đảm vệ sinh môi trường và an toàn dịch bệnh, trở thành một trong những đối tượng con vật nuôi chủ lực của tỉnh, góp phần đưa chăn nuôi thành ngành sản xuất chính nhằm chuyển đổi sinh kế, bảo đảm đời sống của người chăn nuôi và thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu ngành chăn nuôi, cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, hiệu quả, bền vững.
Cụ thể, đến hết năm 2020, Thái Bình phấn đấu có tổng đàn trâu, bò đạt 70.000 con trở lên; xây dựng được từ hai trang trại “lõi” trở lên đầu tư chăn nuôi trâu, bò theo chuỗi liên kết tại huyện Quỳnh Phụ, huyện Vũ Thư.
Đến hết năm 2025, tỉnh phấn đấu tổng đàn trâu, bò đạt 180.000 con trở lên; xây dựng được từ 3-5 trang trại “lõi” trở lên đầu tư chăn nuôi trâu, bò theo chuỗi liên kết và phát triển được 25.000-28.000 nông hộ, gia trại chăn nuôi trâu, bò vệ tinh; thu hút đầu tư xây dựng được từ 1-2 khu giết mổ gia súc tập trung…/.
Ý kiến ()