Kỳ họp 12 HĐND TP. Hà Nội: Xem xét nhiều nội dung quan trọng để phát triển Thủ đô
Sáng 3/7, HĐND TP. Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức kỳ họp thứ 12 – kỳ họp thường lệ giữa năm 2023 để xem xét, thông qua nhiều nội dung quan trọng để phát triển Thủ đô.
Dự kỳ họp về phía lãnh đạo Trung ương có các đồng chí: Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng thư ký, Chủ nhiệm VP Quốc hội; đại diện Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ…
Đại biểu TP Hà Nội có các đồng chí: Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP; Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Trần sỹ Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND Thành phố; Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HDND Thành phố…
Kỳ họp có khối lượng công việc lớn: Xem xét, thông qua 43 nội dung
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, kỳ họp này dự kiến tổ chức trong 4 ngày để xem xét, thông qua 43 nội dung, gồm 21 báo cáo và 22 Nghị quyết. Đây là kỳ họp có khối lượng công việc lớn, nhiều nội dung quan trọng và cũng là kỳ thường lệ đầu tiên thực hiện theo Nội quy kỳ họp mới khoá 16 đã được HĐND Thành phố thông qua tại kỳ họp cuối năm 2022.
“Thường trực HĐND Thành phố tiếp tục cải tiến nội dung, chương trình kỳ họp theo hướng giảm thời gian trình bày báo cáo, bố trí, dành thời gian thảo luận tại các tổ và tại Hội trường; dành 1 ngày cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn”, Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội cho biết.
Tại kỳ họp này, HĐND Thành phố sẽ xem xét, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng, thu chi ngân sách 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm.
Năm 2023 là năm có ý nghĩa rất quan trọng – năm bản lề, sơ kết giữa nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ các cấp và đánh giá việc thực hiện Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025 của HĐND Thành phố. Qua báo cáo đánh giá nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội giữa nhiệm kỳ, có thể thấy kinh tế Thủ đô đã vượt qua khó khăn, tiếp tục phát triển, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Tăng trưởng trong 02 năm 2021-2022 gấp 1,12 lần, 6 tháng đầu năm 2023 gấp 1,6 lần cả nước. Thu ngân sách đảm bảo và vượt dự toán hàng năm.
Công tác quy hoạch được đẩy nhanh tiến độ; quản lý, chỉnh trang và phát triển đô thị có những chuyển biến tích cực. Xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả. Các lĩnh vực văn hoá xã hội tiếp tục được quan tâm, đầu tư, phát triển. An sinh xã hội được đảm bảo. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được củng cố, tăng cường.
Bên cạnh những kết quả đạt được còn một số tồn tại, hạn chế đó là mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm thấp hơn so với cùng kỳ; sản xuất của một số ngành công nghiệp, xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, sức mua thị trường nội địa suy giảm, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đạt cao hơn cùng kỳ, tuy nhiên vẫn còn chậm, đặc biệt là tiến độ một số công trình trọng điểm, các dự án thoát nước, xử lý nước thải, rác thải, môi trường còn chưa đạt yêu cầu. Công tác đấu giá đất còn nhiều vướng mắc, khó khăn, đạt kết quả chưa cao. Chỉ số cải cách hành chính tăng nhưng các chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI ) lại giảm…
Kỳ họp này, HĐND Thành phố dành thời gian để các đại biểu thảo luận về những kết quả đạt được, thẳng thắn chỉ ra các hạn chế, tồn tại và đề xuất những giải pháp phù hợp, khả thi để hoàn thành toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu năm 2023 cũng như cho cả nhiệm kỳ.
Chất vấn về cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử
Cũng tại kỳ họp, HĐND Thành phố xem xét, thảo luận và thông qua 21 báo cáo, 01 nghị quyết thường kỳ và 21 nghị quyết chuyên đề, trong đó nhiều nội dung rất quan trọng cần tập trung nghiên cứu, trao đổi, thảo luận như: Cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm và kế hoạch năm 2023, định hướng kế hoạch đầu tư công năm 2024; Phê duyệt chủ trương, điều chỉnh chủ trương các dự án đầu tư công; Chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn thành phố đến năm 2030; “Định hướng phát triển không gian và hạ tầng đô thị Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065″…
Trong quá trình chuẩn bị, Thường trực HĐND Thành phố đã chỉ đạo các Ban HĐND Thành phố phối hợp các cơ quan liên quan triển khai các bước thẩm tra theo Quy trình chuẩn bị kỳ họp, quy trình thẩm tra của các Ban HĐND Thành phố đảm bảo thống nhất, chặt chẽ, hiệu quả và đúng quy định. Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố đã tổ chức phản biện xã hội đối với các nội dung quan trọng, tác động sâu rộng đến đời sống xã hội, làm cơ sở để HĐND Thành phố thảo luận và quyết định, bảo đảm nghị quyết đi vào cuộc sống.
Với nội dung chất vấn, kỳ họp sẽ tái chất vấn việc thực hiện các cam kết, lời hứa của các thành viên UBND Thành phố và lãnh đạo các cơ quan liên quan về một số nội dung, vấn đề đến hạn giải quyết đã được HĐND, Thường trực HĐND Thành phố quyết nghị, kết luận tại các phiên chất vấn, giải trình nhưng thực hiện còn chậm, chưa hiệu quả.
HĐND sẽ chất vấn nhóm vấn đề công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước thuộc Thành phố.
“Đây là những nội dung rất quan trọng và thiết thực, liên quan đến kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm thực thi công vụ, đang được Thành phố tập trung chỉ đạo, được đông đảo cử tri, Nhân dân quan tâm và được các Ban HĐND, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND Thành phố đăng ký, đề xuất”, Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội cho biết.
Ý kiến ()