Kỳ hội nghị thượng đỉnh thành công nhất của G20
Đánh giá kết quả Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) vừa diễn ra tại thành phố Saint Petersburg (Liên bang Nga), giới chuyên gia cho rằng chương trình hành động được hội nghị thông qua là một chương trình thiết thực nhất trong lịch sử các kỳ hội nghị của nhóm này.
Đánh giá kết quả Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) vừa diễn ra tại thành phố Saint Petersburg (Liên bang Nga), giới chuyên gia cho rằng chương trình hành động được hội nghị thông qua là một chương trình thiết thực nhất trong lịch sử các kỳ hội nghị của nhóm này.
Kết thúc hội nghị, các nhà lãnh đạo G20 đã thông qua Tuyên bố chung, trong đó đề cập một loạt vấn đề như tăng trưởng bền vững và cân bằng của kinh tế toàn cầu, tạo việc làm, thúc đẩy đầu tư, hoàn thiện thể chế thương mại đa phương cũng như giải quyết các vấn đề thuế.
Những gì đạt được tại hội nghị đặc biệt có ý nghĩa trong trong bối cảnh thị trường tài chính thế giới tiếp tục bất ổn, vấn đề thất nghiệp ngày càng trở nên trầm trọng tại nhiều nước và kinh tế toàn cầu đang phát triển thiếu cân bằng.
Kế hoạch hành động chung
Kế hoạch hành động Saint Petersburg mà hội nghị thông qua bao gồm việc đảm bảo tăng trưởng ổn định cũng như tạo công ăn việc làm, kế hoạch đầu tư dài hạn, cải cách các quy định tài chính và xác định kế hoạch hành động về thuế.
Kế hoạch hành động Saint Petersburg cũng đặt ra những mục tiêu trung hạn cho mỗi quốc gia nhằm giảm thâm hụt ngân sách cũng như tiến hành những cải cách cơ cấu toàn diện. Các nhà lãnh đạo G20 cũng nhất trí đến năm 2016 từ bỏ bảo hộ mậu dịch. Những biện pháp này sẽ tăng cường niềm tin của các thị trường tài chính, đồng thời khuyến khích đầu tư.
Tuyên bố chung của hội nghị lưu ý việc các dự báo về tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2013 nhiều lần bị hạ xuống, đồng thời chỉ ra một loạt thách thức đối với sự phục hồi kinh tế toàn cầu như tỷ lệ thất nghiệp cao dai dẳng, các thị trường tài chính bị xáo trộn, tăng trưởng ở các nền kinh tế mới nổi chậm lại, đầu tư tư nhân ở nhiều nền kinh tế chưa đủ, nợ công cao, dòng vốn biến động, quá trình tái cân bằng nhu cầu toàn cầu chưa hoàn tất và sự không chắc chắn trong những cân nhắc về chính sách tiền tệ.
Trong bối cảnh đó, việc đưa ra những đánh giá về tình hình hiện thời của kinh tế toàn cầu là vấn đề khó khăn và mất nhiều thời gian nhất tại hội nghị lần này.
Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo G-20 đã thông qua Chiến lược phát triển Saint Petersburg, theo đó đề ra những ưu tiên phát triển cơ bản mang tính chiến lược cho các nước thành viên trong trung hạn như củng cố cam kết của G20 về tăng trưởng chung và thúc đẩy sự phát triển của nhóm.
Với vai trò là Chủ tịch luân phiên G20, Nga đã đề xuất những điểm chính trong chiến lược phát triển của G20 là tạo việc làm có chất lượng, đảm bảo lòng tin và sự minh bạch cũng như thực thi hiệu quả các quy định.
Một trong những chủ đề nóng nhất tại hội nghị lần này là nạn thất nghiệp, khi mà tỷ lệ thất nghiệp tại phần lớn các quốc gia vẫn còn cao hơn những năm trước khủng hoảng.
Theo các nhà lãnh đạo, việc khuyến khích đầu tư tư nhân, trong đó có đầu tư vào cơ sở hạ tầng, phải trở thành một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Tuy nhiên, để thực hiện việc này cần phải giải quyết cùng lúc một số vấn đề liên quan đến tự do di chuyển dòng vốn, sự khan hiếm các dự án có lợi nhuận cao và sự thiếu hụt tín dụng. Để tăng các dự án cơ sở hạ tầng, G20 đã lên kế hoạch phát triển thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho biết, các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị đã nhất trí về kế hoạch hành động nhằm ngăn chặn các công ty đa quốc gia như Google và Amazon lợi dụng kẽ hở pháp luật và các thiên đường trốn thuế để giảm số thuế phải đóng.
Cũng theo Bộ trưởng Tài chính Nga, các quan chức G20 đã đạt đồng thuận về việc dừng các khoản tiền hỗ trợ được cấp không sang tăng cường đầu tư cho cơ sở hạ tầng vì mục tiêu phát triển.
Câu trả lời cho các nền kinh tế mới nổi
Tại hội nghị Saint Petersburg, các nhà lãnh đạo G20 nhận định kinh tế toàn cầu đang khá dần lên, song đà phục hồi còn quá yếu nên còn quá sớm để tuyên bố khủng hoảng đã qua, khi các thị trường mới nổi đang đứng trước những biến động ngày càng lớn.
Thừa nhận những vấn đề mà các nền kinh tế mới nổi đang đối mặt, các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị cho rằng, đầu tiên và hơn hết, các nước này phải tự giải quyết các vấn đề của mình.
Thông cáo của hội nghị nêu rõ, trước những bất ổn tài chính đang gia tăng, các nền kinh tế mới nổi đã nhất trí tiến hành các biện pháp cần thiết để hỗ trợ tăng trưởng và duy trì sự ổn định của nền kinh tế như củng cố các nền tảng, tăng sức chống đỡ trước các cú sốc và bổ sung sức mạnh cho hệ thống tài chính.
Trước những lo ngại của các thị trường mới nổi về khả năng các ngân hàng trung ương dừng chương trình kích thích kinh tế, cũng gần như tuyên bố sau hội nghị bộ trưởng tài chính G20 vào tháng Bảy, tuyên bố chung của hội nghị lần này cũng nhấn mạnh đến việc những thay đổi trong chính sách tiền tệ cần được xem xét thận trọng và phải được thông báo rõ ràng.
Thông cáo của hội nghị cũng cho rằng các ngân hàng trung ương như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cần dừng chính sách nới lỏng tiền tệ, song cũng cảnh báo về những rủi ro tiềm ẩn và những tác động bất lợi không được lường trước trong một thời gian dài nếu điều đó được thực hiện.
Đại diện năm nước BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) đến dự hội nghị chủ yếu là để thảo luận về những tác động tiêu cực đến từ các chính sách kinh tế của các nước công nghiệp phát triển.
Trong bối cảnh đồng tiền của một số thành viên BRICS, đặc biệt là của Ấn Độ, đang bị trượt giá, nhóm năm nước này không muốn đồng tiền của họ phải lệ thuộc vào chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương Âu, Mỹ.
Trước thềm hội nghị, lãnh đạo các nền kinh tế này đã nhóm họp nhằm thống nhất cách tiếp cận với những vấn đề phức tạp nhất tại hội nghị. Các nước thành viên BRICS cam kết đóng góp 100 tỷ USD vào quỹ dự trữ ngoại tệ chung để đối phó với một cuộc khủng hoảng cán cân thanh toán có thể xảy ra.
Khả năng Fed có thể hãm phanh chương trình kích thích kinh tế đã gây ra biến động ở một số nền kinh tế mới nổi mà trước đó đã đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh chóng nhờ dòng vốn bằng đồng USD được vay với lãi suất thấp đổ vào.
Từ tháng Năm vừa qua, khi Fed thông báo ý định rút dần chương trình kích thích kinh tế vì tình hình đã khả quan hơn, lãi suất trái phiếu dài hạn tại Mỹ đã tăng, trong khi đà tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển đang chững lại. Khả năng đảo ngược chính sách tiền tệ tại Mỹ đã gây hậu quả là tư bản tài chính rút khỏi các thị trường đang phát triển, khiến các nước này rơi vào tình trạng thiếu thanh khoản. Đây là lý do các nước BRICS nhất trí thành lập quỹ dự trữ ngoại tệ chung.
Theo VietnamPlus
Ý kiến ()