Kỷ cương, kỷ luật là sức mạnh cho sự phát triển
Cuối tháng 3 vừa qua, Bộ Công an công bố số liệu (sơ bộ) về tình hình tai nạn giao thông, cháy, nổ và xử lý hành chính về trật tự an toàn giao thông tháng 3/2023 (từ ngày 15/2/2023 đến ngày 14/3/2023).
Kiểm tra nồng độ cồn. (Ảnh minh họa) |
Theo đó, toàn quốc xảy ra 716 vụ, làm chết 387 người, bị thương 508 người. So với tháng 2, giảm: 114 vụ (giảm 13,73%), 152 người chết (28,20%), 57 người bị thương (10,09%).
Tại Hội nghị sơ kết công tác công an quý I/2023 và triển khai nhiệm vụ công tác quý II/2023 bằng hình thức trực tuyến lãnh đạo Bộ Công an chỉ đạo: Công an các địa phương tiếp tục kiểm soát chặt chẽ việc kiểm tra, xử phạt vi phạm nồng độ cồn…
Việc xử lý nghiêm vi phạm về nồng độ cồn, ma túy, chở quá tải trọng trong giao thông là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, không ngơi nghỉ, bởi không chỉ đơn thuần là nhằm góp phần làm giảm tai nạn, xây dựng thói quen chấp hành pháp luật cho người dân khi tham gia giao thông mà còn để giảm những đau thương, mất mát của người dân chỉ vì một phút “buông lỏng” ý thức của bản thân.
Cũng như nhiều địa phương trong cả nước, từ tháng 7/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã ban hành Kết luận về tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính.
Trong đó, nêu rõ: Còn một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức ý thức, trách nhiệm chưa cao, đạo đức công vụ chưa tốt, chưa thực sự là công bộc của dân; vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính như đi muộn, về sớm, giải quyết việc riêng trong giờ hành chính; làm việc hình thức, đối phó, né tránh trách nhiệm; giao tiếp, ứng xử thiếu chuẩn mực; một số cán bộ, công chức, viên chức lợi dụng việc thực thi nhiệm vụ, vị trí công tác để tư lợi, sách nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, vi phạm các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh yêu cầu cán bộ, đảng viên thực hiện nghiêm túc 11 việc phải thực hiện thường xuyên, 10 việc không được làm.
Trong đó, nhấn mạnh không được sử dụng rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa các ngày làm việc; làm việc riêng, chơi thể thao và các hình thức giải trí khác trong giờ làm việc (không do cơ quan, đơn vị tổ chức); thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính, kịp thời phát hiện, xử lý kiên quyết, nghiêm minh các tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức vi phạm.
Cuối tháng 2 vừa qua, Tỉnh ủy Hà Tĩnh tiếp tục ban hành Văn bản số 1567 về chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính.
Lý do vì trong thực tế vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức ý thức, trách nhiệm chưa cao; vi phạm các nội quy, quy chế làm việc; thực hiện không nghiêm cơ chế một cửa, một cửa liên thông, gây khó khăn, phiền hà cho người dân và doanh nghiệp; làm việc riêng, đi chơi thể thao, sử dụng rượu, bia trong giờ hành chính; sử dụng xe ô-tô công không đúng quy định…
Văn bản tiếp tục nêu rõ: Người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm nếu cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính.
Từ những cách làm nêu trên của Tỉnh ủy Hà Tĩnh cho thấy, để kỷ cương, kỷ luật thật sự là sức mạnh của phát triển, để những quy định của Đảng đi vào thực tiễn cuộc sống, không chỉ nằm trên giấy tờ, văn bản hưởng ứng, thì rất cần tinh thần, thái độ nghiêm túc chấp hành thường xuyên, với những hành động cụ thể.
Việc các cơ quan chức năng kiên quyết xử lý vi phạm nồng độ cồn trong tham gia giao thông hay việc cấp ủy địa phương sâu sát ban hành văn bản tới từng đảng viên, nêu rõ những việc được và chưa được trong giữ vững kỷ cương, kỷ luật… đã có những tác động tích cực trong đời sống.
Sự nghiêm túc, trách nhiệm, thực hiện đến nơi đến chốn của các cấp lãnh đạo, của người đứng đầu địa phương là nhân tố quan trọng để từng cán bộ, đảng viên, người dân thực hiện, thể hiện tốt hơn trách nhiệm của mình.
Điều đó cũng cho thấy ý nghĩa và tầm quan trọng của việc bám sát thực tế triển khai các chủ trương, quy định của Đảng, Nhà nước; việc tăng cường thanh tra công vụ và kiểm tra đột xuất việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, từ đó, kịp thời phát hiện và ngăn chặn từ xa, từ sớm những sai phạm có thể xảy ra.
Ngoài ra, cần tiếp tục tập trung kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu trong việc triển khai thực hiện các quy định về kỷ luật, kỷ cương hành chính trong các cơ quan, đơn vị trực thuộc, kiểm tra những vấn đề đang được dư luận quan tâm để kỷ cương, kỷ luật trở thành sức mạnh cho sự phát triển của từng địa phương, đơn vị và mỗi con người.
Nguồn:https://nhandan.vn/ky-cuong-ky-luat-la-suc-manh-cho-su-phat-trien-post747468.html
Ý kiến ()