Kon Tum kỷ niệm 50 thảm họa da cam ở Việt Nam
Lễ kỷ niệm 50 năm thảm họa da cam Việt Nam tại Kon Tum.Ngày 8/8, tại thành phố Kon Tum, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Kon Tum tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm thảm họa da cam ở Việt Nam và Ngày "Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam" (10/8/1961-10/8/2011). Tham dự buổi lễ có các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, Uỷ ban mặt trận Tổ quốc tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; lãnh đạo các huyện, thành phố cùng 100 nạn nhân chất độc da cam đại diện cho hàng nghìn nạn nhân chất độc da cam đang sinh sống tại tỉnh. Trong diễn văn tại buổi lễ, đồng chí Lê Thị Kim Đơn - Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Kon Tum nhấn mạnh: Ngày 10/8/1961, không quân Mỹ đã thực hiện chuyến bay rải chất độc hóa học đầu tiên dọc theo quốc lộ 14 phía Bắc lên huyện Đắk Tô, Ngọc Hồi, Sa Thầy, tỉnh Kon Tum mở màn cho chiến dịch rải chất...
Ngày 8/8, tại thành phố Kon Tum, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Kon Tum tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm thảm họa da cam ở Việt Nam và Ngày “Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam” (10/8/1961-10/8/2011).
Tham dự buổi lễ có các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, Uỷ ban mặt trận Tổ quốc tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; lãnh đạo các huyện, thành phố cùng 100 nạn nhân chất độc da cam đại diện cho hàng nghìn nạn nhân chất độc da cam đang sinh sống tại tỉnh.
Trong diễn văn tại buổi lễ, đồng chí Lê Thị Kim Đơn – Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Kon Tum nhấn mạnh: Ngày 10/8/1961, không quân Mỹ đã thực hiện chuyến bay rải chất độc hóa học đầu tiên dọc theo quốc lộ 14 phía Bắc lên huyện Đắk Tô, Ngọc Hồi, Sa Thầy, tỉnh Kon Tum mở màn cho chiến dịch rải chất độc hóa học trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam, gây ra những hậu quả nặng nề về biến đổi gen di truyền, gây tai biến sinh sản, quái thai, dị tật; gây ra các bệnh hiểm nghèo, đặc biệt là một số bệnh có thể di truyền cho nhiều đời sau.
Tại tỉnh Kon Tum, với hậu quả do gánh chịu gần 350 nghìn lít chất độc hóa học, đã có hàng nghìn hecta rừng bị cháy trụi, hàng trăm người đã chết, hàng ngàn người mắc các bệnh nan y cùng con cháu họ bị dị dạng, dị tật đang ngày đêm sống trong đau khổ, nghèo đói và bệnh tật di chứng của chất độc da cam để lại.
Mặc dù đã có các chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước hỗ trợ, riêng từ năm 2006 đến nay, đã có gần 300 lượt cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân ủng hộ Quỹ nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh với số tiền gần 2 tỉ đồng đã góp phần xoa dịu nỗi đau mà các nạn nhân đang gánh chịu, nhưng hiện tại, Kon Tum vẫn còn khoảng 7.000 người bị phơi nhiễm chất độc hóa học với cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn, đang rất cần đến những tấm lòng hảo tâm nhân ái của xã hội.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thị Kim Đơn khẳng định: “Nạn nhân chất độc da cam là những người nghèo nhất trong những người nghèo, người đau khổ nhất trong những người đau khổ!”, do đó kêu gọi mọi người hãy hành động vì thảm họa da cam ở Việt Nam; kêu gọi cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum hãy tự giác, tích cực với tình cảm và trách nhiệm cao nhất thể hiện truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Thương người như thể thương thân” của dân tộc Việt Nam để cùng nhau làm vơi đi nỗi đau da cam, hướng đến một tương lai tốt đẹp nhất.
Tại buổi lễ, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đã quyên góp hỗ trợ Quỹ nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Kon Tum số tiền trên 1 tỉ đồng, trong đó Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh ủng hộ 320 triệu đồng./. |
Theo Website Dangcongsanvn
Ý kiến ()