Kon Tum đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng
Tỉnh Kon Tum được thiên nhiên ưu đãi với nhiều thắng cảnh đẹp, văn hóa đặc sắc, đây cũng là vùng đất có lịch sử lâu đời với 7 thành phần dân tộc thiểu số tại chỗ cùng nhiều giá trị văn hóa truyền thống độc đáo, tạo nên bức tranh sinh hoạt cộng đồng đa dạng, phong phú, đây cũng được coi là tiềm năng lớn cho việc phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương.
Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc, độc đáo của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, ngăn chặn sự mai một văn hóa trước sự tác động của quá trình phát triển, tạo nền tảng tinh thần trong sự phát triển bền vững, phát triển kinh tế xã hội của người dân, đồng thời huy động mọi nguồn lực, khai thác tiềm năng, lợi thế riêng có trong lĩnh vực văn hóa để phát triển du lịch, tỉnh Kon Tum đã phê duyệt, ban hành nhiều Đề án, Chương trình, Kế hoạch như: Kế hoạch bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống. Đề án bảo tồn, phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng, kế hoạch bảo tồn và phát huy nhà rông truyền thống các dân tộc thiểu số, kế hoạch kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh... được triển khai đồng bộ góp phần vào việc bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống, gắn với phát triển du lịch cộng đồng trong giai đoạn hiện nay.
Ngoài 60 tuổi, già A Biu kể rằng, lúc nhiều nhất ông sở hữu gần 20 bộ chiêng, nhưng ông đã tặng cho các xã, huyện trong và ngoài tỉnh, cho nên bây giờ ông chỉ còn sở hữu 7 bộ chiêng tại gia đình trong đó có ba bộ chiêng vô giá là chiêng Lào, Bom Pat và Klang Brông. Ba bộ chiêng này đối với ông là những kỷ niệm không thể nào quên.
Ngôi nhà của già A Biu hay homestay A Biu đã trở thành một trong những điểm du lịch cộng đồng khá nổi tiếng, điểm dừng chân được người yêu văn hóa trong và ngoài nước ghé đến mỗi lần ngang qua Kon Tum. Tại đây có hai dãy nhà sàn rộng 120m2, khu ẩm thực chuyên phục vụ các món ăn truyền thống của người Ba Na, và đặc biệt, khoảng sân trước nhà được nghệ nhân A Biu cải tạo, biến hóa thành "sân khấu" biểu diễn cồng chiêng, múa xoang, đốt lửa trại…, do đích thân nghệ nhân A Biu và các thành viên trong gia đình cùng các nghệ nhân trong làng biểu diễn. Đoàn nghệ thuật "cây nhà lá vườn" này do ông quy tụ cũng trở thành một hạt nhân lưu giữ thứ văn hóa phi vật thể đặc biệt của Tây Nguyên, thường xuyên góp mặt trong các lễ hội văn hóa truyền thống các dân tộc.
Làm du lịch homestay ngoài mục đích về lợi ích kinh tế, ông còn mong muốn duy trì, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc mình. Nhờ các loại hình dịch vụ hấp dẫn gắn với bản sắc văn hóa của người Ba Na tại khu du lịch, tính trung bình mỗi tháng, homestay đón từ ba đến bốn đoàn khách, mỗi đoàn từ 10-25 người. Thu nhập bình quân mỗi tháng từ du lịch, trừ các khoản chi phí nhân viên, thực phẩm, cát-xê nghệ nhân... gia đình thu lãi từ 10 đến 25 triệu đồng.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Kon Tum, nhiều thôn, làng văn hóa truyền thống được các cấp chính quyền quan tâm, chú trọng trong việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng như: làng Kon K'tu, xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum; làng Bar Gốc xã Sa Sơn, huyện Sa Thầy; làng Kon Pring, xã Đăk Long, huyện Kon Plông; làng Kon Trang Long Loi, thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà; làng Đăk Răng, xã Đăk Xú, huyện Ngọc Hồi,… Tại các làng này vẫn duy trì những đội cồng chiêng truyền thống, nghề dệt thổ cẩm, nấu rượu cần hay các nghi lễ tín ngưỡng có liên quan, người dân cũng bắt đầu mạnh dạn và dần làm quen với việc đón khách du lịch đến với thôn, làng của mình tham quan và trải nghiệm.
Nghệ nhân ưu tú Y Lim, phụ trách quản lý làng du lịch Kon Pring tiếp đón chúng tôi trong căn nhà sàn do Ủy ban nhân dân huyện Kon Plông hỗ trợ xây dựng để làm du lịch cộng đồng. “Trước đây, dân làng Kon Pring đội nắng mưa để canh tác rẫy, cả năm cũng chỉ mới kiếm được 50 triệu đồng. Nhưng khi bắt đầu làm du lịch, chúng tôi có thể kiếm được 10-15 triệu đồng/tháng...”, chị Y Lim chia sẻ.
Chị Y Lim là người đi đầu trong làng làm du lịch cộng đồng. Sau khi được huyện hỗ trợ dựng nhà sàn đón khách, chị mạnh dạn vay 16 triệu đồng sắm sửa mùng mền, đệm ngủ và làm nội thất. “Sau ba tháng đi vào hoạt động, tôi trả hết nợ. Dần dần tích góp được khoảng hơn 360 triệu đồng, tôi quyết định dồn hết để xây thêm khu nhà sàn bên cạnh với ba phòng ngủ đầy đủ tiện nghi”, chị kể. Điều đáng nói là chị luôn chia sẻ công việc với bà con trong làng, những người thường sang giúp chị làm cơm, tiếp khách... để giúp họ có thêm thu nhập.
Sống cách đó không xa, Đinh Thị Diên, người dân tộc Mơ Nâm, học làm du lịch ở chỗ Y Lim. “Cái khó của làng Kon Pring hiện nay là vấn đề con người. Người dân vẫn chưa quen với việc giao tiếp trong làm du lịch vì còn rụt rè quá. Bây giờ tôi phải tìm cách để tìm ra những người trẻ của bản làng đủ khả năng, trau dồi họ để sau này mình già, đủ sức thay thế giúp cộng đồng làm du lịch. Diên là một trong số ít này”, Y Lim chia sẻ.
Ngoài làm chủ homestay, Y Lim thường xuyên mở lớp dạy cho trẻ em trong làng gìn giữ nét đẹp người Mơ Nâm. Chị còn bỏ tiền túi ra để duy trì và mở rộng đội biểu diễn cồng chiêng Kon Pring. Còn Đinh Thị Diên thì ngoài giới thiệu trực tiếp còn lập tài khoản mạng xã hội quảng bá giúp du khách phương xa biết và đến với quê hương mình.
Thích thú với những trải nghiệm tại làng du lịch cộng đồng Kon Pring, chị Nguyễn Thị Dịu, du khách đến từ thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ: "Mình đã đi du lịch nhiều nơi nhưng những trải nghiệm ở đây, được hoà mình vào thiên nhiên và văn hóa của người địa phương thật khác biệt. Mình đã được thưởng thức những giai điệu cồng chiêng, các món ăn đặc sắc địa phương, chiêm ngưỡng điệu múa xoang, tìm hiểu về dệt thổ cẩm, làm nhà rông truyền thống… Được hòa mình với không gian văn hóa nơi đây thật tuyệt vời".
Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum cho biết, du lịch cộng đồng không chỉ góp phần thay đổi diện mạo nhiều thôn, làng người đồng bào dân tộc thiểu số, cải thiện cuộc sống của người dân mà còn đóng góp tích cực vào việc bảo tồn, phát huy, lan tỏa các giá trị văn hóa dân tộc thiểu số đặc sắc trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Tỉnh Kon Tum đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền đặc biệt là thế hệ trẻ để người dân hiểu được giá trị, tầm quan trọng văn hóa bản sắc của từng tộc người, từ đó có ý thức tự bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của tộc mình; phát huy nguồn lực của cả cộng đồng trong việc quản lý, bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội một cách bền vững, gắn với bảo đảm quốc phòng-an ninh; tổ chức các lớp truyền nghề, quản lý văn hóa, tổ chức hoạt động văn nghệ dân gian, nghiệp vụ văn hóa du lịch cộng đồng nhằm đưa vào phục vụ du lịch…
Ý kiến ()