Kịp thời sửa chữa hệ thống cống ngăn mặn cho vùng ngọt ở Cà Mau
Cống Rạch Lùm (Khánh Hải, Trần Văn Thời) được xây dựng bằng công nghệ mới, chống xâm mặn, giữ ngọt tốt. Giai đoạn 2002-2008, tỉnh Cà Mau triển khai dự án đầu tư xây dựng 40 km đường ô-tô kết hợp 18 cống đập ngăn mặn giữ ngọt tuyến Tắc Thủ - Rạch Ráng - Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời; tổng vốn đầu tư hơn 137 tỷ đồng. Trong đó, phần cống có vốn đầu tư hơn 23 tỷ đồng, đến nay chưa thể nghiệm thu do bị hư hỏng nặng ngay sau khi xây dựng xong, gây lãng phí lớn...Tỉnh Cà Mau có vùng ngọt hóa rộng lớn, gồm ba huyện U Minh, Thới Bình và Trần Văn Thời. Đây là vùng sản xuất cây, con hệ ngọt và toàn bộ diện tích rừng tràm U Minh hạ. Với mục tiêu bảo vệ an toàn cho sản xuất, năm 2001, UBND tỉnh Cà Mau quyết định phê duyệt và triển khai dự án đầu tư xây dựng đường ô-tô kết hợp hệ thống cống đập để khép kín vùng ngọt này. Điểm xuất phát để xây dựng các hạng mục công trình: Tắc Thủ - Rạch Ráng -...
Cống Rạch Lùm (Khánh Hải, Trần Văn Thời) được xây dựng bằng công nghệ mới, chống xâm mặn, giữ ngọt tốt. |
Tỉnh Cà Mau có vùng ngọt hóa rộng lớn, gồm ba huyện U Minh, Thới Bình và Trần Văn Thời. Đây là vùng sản xuất cây, con hệ ngọt và toàn bộ diện tích rừng tràm U Minh hạ. Với mục tiêu bảo vệ an toàn cho sản xuất, năm 2001, UBND tỉnh Cà Mau quyết định phê duyệt và triển khai dự án đầu tư xây dựng đường ô-tô kết hợp hệ thống cống đập để khép kín vùng ngọt này. Điểm xuất phát để xây dựng các hạng mục công trình: Tắc Thủ – Rạch Ráng – Sông Đốc, huyện Trần
Văn Thời, bao gồm gần 40 km đường ô-tô, đầu tư theo tiêu chuẩn cấp 5 đồng bằng và kết hợp xây dựng 18 cống đập ngăn mặn giữ ngọt do Sở Giao thông vận tải làm chủ đầu tư. Khởi công xây dựng vào đầu năm 2002 đến năm 2006, công trình đã cơ bản hoàn thành. Trong đó, phần đường ô-tô đã được nghiệm thu đưa vào sử dụng; riêng phần cống đập đến nay không thể nghiệm thu do bị hư hỏng nặng từ hệ thống cửa phai đóng mở cống không phát huy được công năng, hiệu quả sử dụng ngay sau khi xây dựng xong.
Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Trưởng Ban quản lý dự án Dương Hoàng Nam, cho biết: Đến nay toàn bộ 18 cửa cống đập thủy lợi của dự án này đã rệu rã, hư hỏng hoàn toàn và không thể nghiệm thu được. Nguyên nhân dẫn đến việc hư hỏng này là do cách làm thiếu bài bản, căn cơ; trước hết là do khâu thiết kế, xây dựng hệ thống cửa cống hai van làm bằng vật liệu thép mạ kẽm và đóng mở tự động không khớp nhau; chưa phù hợp trong điều kiện triều cường, xâm nhập mặn hoạt động rất mạnh quanh năm trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Do đó, các công trình cống đập này không phát huy được hiệu quả; tình trạng xâm nhập mặn, nhất là vào mùa khô càng trầm trọng hơn; gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, đời sống của người dân trong vùng. Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời, Lưu Minh Nhật, bức xúc: Để bảo vệ sản xuất, vào mùa khô hằng năm, ngành giao thông và địa phương vừa huy động sức dân vừa xuất tiền ngân sách tốn kém, gây lãng phí hàng trăm triệu đồng để đắp đập phụ bằng đất, cây lá địa phương… ngay trước cửa hệ thống cống đập này, gây lãng phí rất lớn. Tuy nhiên, nếu không đắp đập phụ trước cửa cống, tình trạng xâm mặn sẽ tràn sâu vào đồng ruộng càng trầm trọng hơn. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tình thế, cách làm tạm bợ để hạn chế xâm nhập mặn, bảo vệ sản xuất, đời sống người dân.
Đơn vị tư vấn, thiết kế toàn bộ hệ thống cống đập này là Viện Quy hoạch thủy lợi miền nam. Theo kỹ sư Nguyễn Long Oai, Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi Cà Mau: Công trình này lần đầu được xây dựng, sử dụng thí điểm trên địa bàn tỉnh Cà Mau, thay cho cửa cống một van đã sử dụng trước đây. Ưu điểm của loại công trình thủy lợi này chỉ phù hợp trong điều kiện vùng mặn hoặc ngọt hoàn toàn; trong khi Cà Mau là vùng nước mặn, ngọt đan xen; triều cường luôn hoạt động mạnh quanh năm rất dễ làm hư hỏng cống. Do đó, các công trình thủy lợi này khó bảo đảm được độ bền vững dài lâu; không phát huy được công năng, hiệu quả sử dụng… Năm 2010, Ban quản lý dự án ngành giao thông lập dự án để sửa chữa lại cửa phai của toàn bộ 18 cống đập, tốn kém gần 12 tỷ đồng; đồng thời “chạy ngược chạy xuôi” yêu cầu, mời gọi gần một chục đơn vị chuyên ngành trong và ngoài tỉnh tham gia sửa chữa. Thế nhưng tất cả đều từ chối, với lý do không đủ khả năng về chuyên môn, kỹ thuật để sửa chữa; nhưng sâu xa hơn là sợ dính dáng về trách nhiệm sau này; ngay cả đơn vị tư vấn, thiết kế ban đầu là Viện Quy hoạch thiết kế thủy lợi miền nam cũng từ chối trách nhiệm của mình. Tháng 10-2011, Công ty cổ phần Khai Long Cà Mau, đơn vị có kinh nghiệm về lĩnh vực thủy lợi đề xuất với Sở Giao thông vận tải nhận thiết kế, chịu trách nhiệm về thi công điển hình một cống, nếu bảo đảm sẽ triển khai cho tất cả các cống còn lại. Giải pháp thiết kế chuyển đổi cửa van hai chiều thành cửa van đóng mở một chiều để giảm độ rò rỉ nước mặn cho phép qua cống. Do công trình có đặc thù chuyên ngành về thủy lợi, Sở Giao thông vận tải yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau tham gia thẩm định thiết kế để có cơ sở phê duyệt, nhưng đơn vị này lại từ chối và xem đó không phải là trách nhiệm của mình bởi công trình này không phải do ngành nông nghiệp quản lý và làm chủ đầu tư…! Trước đó, vào năm 2005, ngành nông nghiệp cũng đã từng tham gia thẩm định tám cống trên tuyến lộ giao thông Rạch Ráng – Sông Đốc và gần đây lại có ý kiến gợi ý, đề xuất thay mới toàn bộ số cửa cống hai van từ chất liệu sắt hiện đang sử dụng sang cửa một van bằng vật liệu i-nốc với kinh phí gần 60 tỷ đồng. Tỉnh cũng cần làm rõ trách nhiệm đối với các bên có liên quan dẫn đến công trình bị hư hỏng, gây lãng phí lớn như chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế, thi công, giám sát…
UBND tỉnh Cà Mau nhiều lần chỉ đạo ngành nông nghiệp, giao thông và các địa phương có liên quan phối hợp chặt chẽ, có giải pháp kịp thời sửa chữa công trình; khắc phục ngay tình trạng xâm nhập mặn vào vùng ngọt, bảo đảm phục vụ an toàn sản xuất và đời sống người dân. Tuy nhiên, đến nay, ngành nông nghiệp vẫn chưa vào cuộc một cách quyết liệt; chưa kết hợp ngành giao thông tham gia thẩm định thiết kế tìm giải pháp để sửa chữa, làm lại hệ thống cửa cống này. Về phía Sở Giao thông vận tải, mặc dù được giao làm chủ đầu tư nhưng năng lực am hiểu về lĩnh vực thủy lợi rất hạn chế; hiện tại không có cán bộ kỹ thuật, kỹ sư chuyên ngành thủy lợi cho nên việc thẩm định thiết kế và thi công cho giải pháp sửa chữa các công trình trên là rất khó khăn và chưa thể triển khai thực hiện được. Trong lúc ngành giao thông và nông nghiệp chưa có sự phối hợp lại tiếp tục đùn đẩy trách nhiệm cho nhau càng làm cho người dân nơi đây bức xúc; yêu cầu sớm khắc phục tình trạng xâm nhập mặn đang trầm trọng hiện nay; gây thiệt hại không nhỏ đến sản xuất và đời sống người dân trong vùng.
Trước thực trạng hàng loạt cửa cống đã hư hỏng không sử dụng được tuyến Tắc Thủ-Rạch Ráng- Sông Đốc và một số công trình cống đập lớn đang xây dựng dở dang tại huyện Trần Văn Thời, U Minh hiện nay đã làm cho một phần hộ dân vì lợi ích trước mắt nhân cơ hội này lén lút bơm nước dẫn mặn vào nuôi tôm đan xen tại các vùng được quy hoạch ngọt hóa. Việc tự ý đào đường, lắp đặt ống dẫn nước vào vuông tôm, sau đó xổ nước thải ra kênh, mương làm cho tình trạng nhiễm mặn sâu vào nội đồng càng trở nên trầm trọng hơn khiến nhiều vùng sản xuất cây trái, hoa màu, cá nước ngọt bị nước mặn tàn phá thiệt hại không nhỏ về kinh tế và dẫn đến nguy cơ phá vỡ hệ sinh thái. Tuy được đầu tư nguồn vốn khá lớn, nhưng hệ thống thủy lợi ở đây vẫn còn nhỏ bé, manh mún tạm bợ, thiếu đồng bộ và kém hiệu quả; tính an toàn không cao, thường dễ gây sự cố bị tràn bờ, xoáy lở, gây nhiễm mặn và ngập úng; hàng năm rất tốn kém trong duy tu, sửa chữa, nạo vét… cũng chính là nguyên nhân nước mặn lấn sâu vào đồng ruộng, gây ra hiện tượng lúa, cá… chết hàng loạt. Do đó, yêu cầu ngăn mặn triệt để giữ ngọt cho hơn 240 nghìn ha sản xuất cây con hệ ngọt; gắn với phòng, chống cháy cho 40 nghìn ha rừng tràm U Minh hạ tại khu vực này hiện nay là rất bức xúc. Khắc phục tình trạng tắc trách, mạnh ai nấy làm; đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, ngành giao thông và nông nghiệp của tỉnh Cà Mau cần phối hợp chặt chẽ, có biện pháp sửa chữa kịp thời hệ thống cửa cống và các công trình thủy lợi ở đây đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống nhân dân.
Theo Nhandan
Ý kiến ()