Kịp thời nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn của thế giới ngày nay
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác của Hội đồng Lý luận Trung ương nhiệm kỳ 2016 – 2021, được tổ chức ngày 17/4/2021 tại Hà Nội, đồng chí Tổng Bí thư nêu rõ đến năm 2025, cần hoàn thiện cơ bản hệ thống lý luận về đường lối đổi mới; đến năm 2030, cần bổ sung, làm phong phú và tiến thêm một bước để hoàn thiện hơn nền tảng tư tưởng của Đảng; đến năm 2045, sẽ có một hệ thống lý luận hoàn chỉnh, khoa học và hiện đại về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam.
Để thực hiện thành công các nhiệm vụ lý luận to lớn đó của toàn Đảng, phải “Chú ý nghiên cứu những vấn đề mới về lý luận của thế giới; các vấn đề mới do thực tiễn đặt ra; kinh nghiệm của các nước tiên tiến; của cuộc cách mạng về khoa học – công nghệ…”.
Những vấn đề mới về lý luận của thế giới ngày nay rất phong phú, trong đó đáng chú ý là lý luận về phát triển bền vững, các lý thuyết phát triển kinh tế – xã hội và những thành tựu đổi mới lý luận của chủ nghĩa Mác – Lê-nin. Phát triển bền vững không chỉ là mô hình phát triển chung, mà còn là phạm trù có giá trị phổ quát cho quá trình phát triển của toàn thế giới hiện nay. Sau nhiều năm nghiên cứu, tổng kết, năm 2015, Liên hợp quốc đã công bố 17 mục tiêu phát triển bền vững, được cụ thể hóa thành 169 chỉ tiêu như khung khổ chung cho mọi chính sách kinh tế – xã hội của 193 quốc gia thành viên đến năm 2030. Bên cạnh đó, thế giới cũng có nhiều lý thuyết phát triển rất sinh động, từ trào lưu dân chủ xã hội có bề dày lịch sử hàng trăm năm đến khuynh hướng chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI mới mẻ, năng động.
Đặc biệt, các quốc gia xã hội chủ nghĩa đã tổng kết lý luận và thực tiễn hơn 40 năm cải cách, đổi mới; bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác – Lê-nin trên nhiều nội dung quan trọng. Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới; công cuộc cập nhật mô hình kinh tế – xã hội của sự phát triển xã hội chủ nghĩa ở Cu-ba; quá trình đổi mới ở Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào,… là những chủ đề mà đội ngũ cán bộ lý luận của Việt Nam rất cần nghiên cứu công phu, bài bản. Chỉ như vậy, chúng ta mới đảm bảo được tinh thần mà các nhà kinh điển luôn luôn cảnh báo rằng, không bao giờ được xem chủ nghĩa xã hội như cái gì có sẵn, mà phải luôn xem nó như một phong trào hiện thực.
Các vấn đề mới do thực tiễn đặt ra cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa cũng ngày càng phức tạp, thậm chí khó dự đoán. Từ nay đến những cột mốc 2025, 2030 và 2045, toàn Đảng, toàn dân thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội trong “Tình hình thế giới và trong nước có cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen”(1); trong đó, “Bốn nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra còn tồn tại, có mặt còn gay gắt hơn”(2) và có “những thách thức rất lớn”(3).
Có thể nhận diện các rủi ro cả bên trong và bên ngoài đối với quá trình phát triển của Việt Nam trong thời gian tới gồm: rơi vào bẫy thu nhập trung bình do hệ thống chính sách không tạo đủ động lực cho đất nước phát triển nhanh và bền vững; những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” không được khắc phục, bùng phát thành lực lượng làm thay đổi định hướng phát triển; chuỗi giá trị toàn cầu bị đứt gãy nghiêm trọng do khủng hoảng, dịch bệnh… làm đình trệ nền sản xuất, kinh doanh của Việt Nam; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương không được kiểm soát, làm bùng nổ xung đột, chiến tranh, Việt Nam sẽ mất đi môi trường quốc tế hòa bình, ổn định; biến đổi khí hậu, nước biển dâng trong kịch bản tồi tệ nhất đặt Việt Nam vào bối cảnh rối loạn khó lường… Nhận diện từ sớm, từ xa các nguy cơ rủi ro là nhiệm vụ không thể chậm trễ của công tác lý luận và là bước đi không thể thiếu cho quá trình hoạch định chủ trương, đối sách cần thiết.
Kinh nghiệm của các nước tiên tiến có ý nghĩa khai mở rất quan trọng, cần được nghiên cứu kịp thời và tiếp thu một cách hiệu quả. Dù cộng đồng quốc tế đã có nhiều nỗ lực, nhưng khoảng cách phát triển giữa các quốc gia hiện nay vẫn còn rất lớn, từ 10 năm, 20 năm đến cả hàng trăm năm. Các nước công nghiệp phát triển (G7), các nước trong khối OECD và một số cường quốc khác không chỉ dẫn đầu về trình độ phát triển kinh tế, mà còn tiên tiến trên các lĩnh vực xã hội, văn hóa, khoa học công nghệ, giáo dục, môi trường. Với tính cách là những thực thể đang ở trình độ phát triển cao nhất, các nước tiên tiến đang thật sự mở đường cho cộng đồng quốc tế đi đến một thế giới ngày càng tốt đẹp hơn.
Cả phương thức sản xuất và chế độ tư bản chủ nghĩa hiện đại đều rất cần được nghiên cứu, tổng kết làm tiền đề cho nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội trong thời đại mới. Trên phương diện này, cần nhắc lại quan điểm của các nhà kinh điển rằng, các nước tiên tiến chính là nơi có nhiều ô cửa sổ nhỏ để vô sản thế giới nhìn sang chủ nghĩa cộng sản tương lai.
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và các cuộc cách mạng về khoa học công nghệ nói chung đều tạo ra những bước ngoặt vận động lớn cho toàn thế giới.
Nhìn lại lịch sử ta thấy, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất cuối thế kỷ XIII đã sản sinh ra máy hơi nước, nền công nghiệp cơ khí, dây chuyền sản xuất công nghiệp, sản xuất hàng hóa, kinh tế thị trường…, đó là những tiền đề vật chất cho cuộc cách mạng tư sản kết thúc 10 thế kỷ của vương quyền phong kiến.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX phát minh ra máy phát điện, đội ngũ vô sản hiện đại, mở ra kỷ nguyên điện khí hóa nền sản xuất vật chất và toàn bộ đời sống xã hội, tạo ra sự phát triển không đều trong hệ thống tư bản đế quốc…, đó là những tiền đề vật chất cho chiến tranh đế quốc và cách mạng vô sản.
Cuộc cách mạng lần thứ ba, được định danh là cách mạng khoa học công nghệ giữa thập kỷ 70 của thế kỷ XX, sáng chế ra thiết bị điện tử và tin học, mở ra nền văn minh hậu công nghiệp và biết bao đảo lộn trong đời sống chính trị thế giới. Cuộc cách mạng lần thứ tư từ đầu thế kỷ XXI đến nay với các công nghệ nền tảng gồm internet vạn vật, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, công nghệ máy in ba chiều, công nghệ sinh học… đang tạo ra thế giới ảo bên cạnh thế giới thực, chắc chắn sẽ làm thay đổi tận tầng sâu các hoạt động vật chất và tinh thần của toàn bộ loài người. Ph.Ăng-ghen đã nhấn mạnh một tư duy còn nguyên giá trị phương pháp luận cho chúng ta hiện nay rằng, mỗi khi khoa học có bước ngoặt vận động thì các quy luật lịch sử nhất định sẽ có những hình thức biểu hiện mới.
Kịp thời nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn mới của thế giới ngày nay, như đồng chí Tổng Bí thư yêu cầu, không chỉ để chúng ta nhận thức sáng tỏ thế giới đang thay đổi, mà còn góp phần bảo đảm cho công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam được triển khai “gieo trồng trên mảnh đất hiện thực”, một trong những điều kiện không thể thiếu cho thành công ở phía trước. Đây cũng là cách thiết thực nhất để gắn quốc gia với thế giới, dân tộc với thời đại, lý luận với thực tiễn trong bối cảnh mới.
Ý kiến ()