Kịp thời hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động
Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến việc làm, đời sống, thu nhập của người lao động và hoạt động sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động. Ngày 24/9/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 116/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Các địa phương, ngành liên quan đang khẩn trương thực hiện các chính sách để kịp thời hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động.
Người lao động và người sử dụng lao động trên cả nước rất phấn khởi trước chính sách nêu trên của Chính phủ; đồng thời, mong muốn các địa phương, các ngành liên quan khẩn trương đưa chính sách vào cuộc sống.
CHÍNH SÁCH ĐI VÀO CUỘC SỐNG
Làm công nhân ở Công ty TNHH SHIKOKU CABLE tại khu công nghiệp Đồng Văn (Hà Nam) từ năm 2012, chị Lê Thị Huyền, ở huyện Phú Xuyên (TP Hà Nội), vừa được nhận 3,3 triệu đồng từ chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 116/NQ-CP. Chị Huyền chia sẻ: “Tôi rất phấn khởi, vì được Bảo hiểm xã hội hướng dẫn nhiệt tình, thủ tục khá đơn giản, thuận tiện, chi trả kịp thời, đã hỗ trợ cho người lao động rất nhiều…”. Chị Đỗ Thị Dịu, công nhân tại Công ty cổ phần Vĩnh Lạc, phường Liêm Chính, TP Phủ Lý, vừa trở lại làm việc sau thời gian nghỉ thực hiện giãn cách, được nhận mức hỗ trợ 1,8 triệu đồng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cho biết: “Tuy số tiền không nhiều, vì thời gian tham gia Bảo hiểm thất nghiệp ngắn, nhưng tôi tin rằng đối với gia đình đang nuôi con nhỏ như tôi, thì đây là khoản tiền rất có ý nghĩa trong việc chi tiêu các khoản trong gia đình giữa lúc khó khăn do phải nghỉ việc vì dịch Covid-19”.
Công ty cổ phần Casablanca chi nhánh tại Hà Nam hiện có 589 lao động được hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết số 116/NQ-CP, với số tiền là 1.248 triệu đồng. Ông Nguyễn Viết Thạo, Giám đốc công ty cho rằng: “Gói hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động đang tham gia Bảo hiểm thất nghiệp thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước tới đời sống của người lao động đang gặp khó khăn do dịch Covid-19; thể hiện rõ tính nhân văn, nhân đạo của chính sách Bảo hiểm thất nghiệp”. Theo chị Hoàng Thị Hà, quản lý nhân sự, Công ty TNHH SHIKOKU CABLE Việt Nam, Nghị quyết số 116/NQ-CP hỗ trợ người sử dụng lao động giảm chi phí, nỗ lực thích ứng với trạng thái bình thường mới, duy trì sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động.
Thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết số 116/NQ-CP, đến ngày 21/10, tỉnh Hà Nam có hơn 2.800 đơn vị sử dụng lao động, hơn 122.000 người lao động và hơn 12.000 người lao động bảo lưu hưởng hỗ trợ nằm trong diện được hưởng hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp; với tổng mức hỗ trợ người lao động hơn 300 tỷ đồng, tổng số giảm trừ cho đơn vị sử dụng lao động hơn 74 tỷ đồng.
Bảo hiểm xã hội tỉnh Ninh Bình chủ động phối hợp Sở Lao động – Thương binh và Xã hội sớm hướng dẫn thực hiện các chính sách hỗ trợ, tuyên truyền trên đài truyền thanh ba cấp, trên các trang mạng xã hội về các nội dung, quy định và thủ tục, hồ sơ hỗ trợ. Không quản ngày đêm, đơn vị đã khẩn trương rà soát, đối chiếu quá trình tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp, bảo đảm chuyển tiếp hồ sơ nội bộ nhanh nhất, giúp người lao động sớm được thụ hưởng chính sách hỗ trợ. Đến đầu tháng 10/2021, tỉnh Ninh Bình cơ bản hoàn thành xong cơ sở dữ liệu để lập danh sách người lao động tham gia Bảo hiểm thất nghiệp, chuyển đến các doanh nghiệp và người lao động rà soát lần cuối trước khi ban hành quyết định hỗ trợ và chuyển tiền qua tài khoản cho người lao động. Dự tính số tiền hỗ trợ cho người lao động tham gia Bảo hiểm thất nghiệp thuộc đối tượng hưởng chính sách là hơn 281 tỷ đồng. Chính sách hỗ trợ này thể hiện rõ sự quan tâm, chia sẻ của Chính phủ với người lao động và người sử dụng lao động trong giai đoạn khó khăn vì dịch bệnh.
HỖ TRỢ ĐÚNG ĐỐI TƯỢNG
Bà Ngô Thục Phương, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Việc triển khai Nghị quyết số 116/NQ-CP rất thuận lợi, nhanh chóng theo quan điểm “cơ quan nhà nước phải tự tìm đến người lao động và người sử dụng lao động để hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng”. Bên cạnh đó, cơ quan Bảo hiểm xã hội đã số hóa công tác quản lý người lao động, nên việc rà soát, lập danh sách đối tượng được hưởng chế độ theo Nghị quyết rất nhanh và chính xác… Tính đến ngày 20/10, tỉnh Vĩnh Phúc đã chi trả 29.218 người lao động với số tiền là 67,5 tỷ đồng; đã thông báo giảm mức đóng từ 1% xuống 0% vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đối với 3.468 doanh nghiệp với số tiền giảm trong tháng 10/2021 là 10,3 tỷ đồng, dự kiến giảm trong 12 tháng (từ 1/10/2021 đến 30/9/2022) khoảng 124 tỷ đồng. Để hoàn thành việc chi trả hỗ trợ trước ngày 31/12/2021, tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thực hiện việc chi trả hỗ trợ bảo đảm đúng đối tượng, trực tiếp cho từng lao động.
Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Hà Nam Trần Mạnh Toàn cho rằng: Để việc thực hiện kịp thời chính sách hỗ trợ người lao động theo Nghị quyết số 116/NQ-CP, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo nhằm triển khai tổ chức thực hiện các bước theo quy trình, nhất là nguồn dữ liệu để xác định đúng đối tượng cũng như mức thụ hưởng. Người lao động và người sử dụng lao động có thể tiếp cận linh hoạt các hình thức chi trả như: Giao dịch trực tiếp; qua dịch vụ bưu chính hoặc qua ứng dụng trực tuyến VssID; khuyến khích nhận tiền hỗ trợ qua tài khoản ngân hàng để bảo đảm kịp thời, minh bạch đến tận tay người lao động. Tỉnh Hà Nam phấn đấu đến trước ngày 31/12/2021 sẽ hoàn thành việc hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động, với các thủ tục thực hiện đơn giản, kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch và hiệu quả.
Đến ngày 20/10, tỉnh Thái Bình đã hoàn thành thủ tục giảm mức đóng bảo hiểm xã hội cho 2.630 đơn vị, tương ứng khoảng 170 nghìn lao động, số tiền dự kiến giảm 12 tháng là 87,2 tỷ đồng; hỗ trợ 66.958 người lao động, với số tiền là 154,14 tỷ đồng. Khó khăn, vướng mắc nhất hiện nay tại Thái Bình là người lao động đang tham gia Bảo hiểm thất nghiệp và người lao động đã dừng tham gia Bảo hiểm thất nghiệp có thời gian đóng Bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu trên địa bàn tỉnh tương đối lớn. Vì vậy, việc rà soát, đối chiếu quá trình tham gia của từng trường hợp mất nhiều thời gian, nhất là những người có quá trình tham gia Bảo hiểm thất nghiệp ở nhiều đơn vị, nhiều địa phương khác nhau, đến nay chưa được cấp, xác nhận sổ Bảo hiểm xã hội, chưa được xác nhận quá trình tham gia Bảo hiểm thất nghiệp trên hệ thống quản lý dữ liệu tập trung của ngành. Mặt khác, cũng do những người lao động này trước đây không đến nhận sổ bảo hiểm hoặc không biết đã có quá trình tham gia Bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu hoặc đơn vị còn nợ tiền đóng Bảo hiểm thất nghiệp của người lao động. Trong khi thời gian thực hiện chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ ngắn. Vì vậy, Bảo hiểm xã hội tỉnh phải tăng cường, bố trí viên chức làm việc tất cả các ngày nghỉ và ngoài giờ hành chính mới kịp tiến độ giải quyết chính sách hỗ trợ kịp thời cho người lao động.
Thực hiện Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ, ngày 1/10/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg Quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Cùng với đó, các cơ quan liên quan, các địa phương đang khẩn trương thực hiện chính sách để kịp thời hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bảo đảm chính xác, đúng đối tượng. Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến ngày 18/10/2021, Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố đã giải quyết hưởng hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho 1,51 triệu lao động đang tham gia Bảo hiểm thất nghiệp và 0,2 triệu người đã dừng tham gia Bảo hiểm thất nghiệp với tổng số tiền hỗ trợ là 4.087 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc triển khai chính sách này tại một số địa phương còn gặp khó khăn, vướng mắc, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương và đơn vị liên quan.
Theo Nhandan
Ý kiến ()