Kịp thời đồng hành, chia sẻ cùng doanh nghiệp FDI
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, về tình hình sản xuất của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) chín tháng đầu năm 2021, cả nước có 34.141 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 403,19 tỷ USD; vốn thực hiện ước đạt 245,14 tỷ USD, bằng 60,8% tổng vốn đầu tư.
Đại dịch đã làm cộng đồng DN hết sức khó khăn, trong đó có các DN FDI. Tuy nhiên, các DN này đã thể hiện tinh thần đoàn kết, chung tay chia sẻ trách nhiệm với Chính phủ, chính quyền địa phương, hỗ trợ người dân, cộng đồng trong cuộc chiến với Covid-19 bằng nhiều hình thức. Các DN đã thể hiện tinh thần vượt khó, thích ứng tình hình mới, duy trì sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động, đóng góp vào phát triển kinh tế – xã hội.
Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam Choi Joo Ho chia sẻ, mặc dù trong làn sóng dịch Covid-19 diễn ra từ cuối tháng 4 vừa qua, trong sáu tháng đầu năm, Samsung vẫn thuận lợi trong việc đạt mục tiêu xuất khẩu. Nếu nhà máy sản xuất điện gia dụng tại TP Hồ Chí Minh nhanh chóng hoạt động bình thường trở lại thì dự kiến công ty sẽ vượt mục tiêu xuất khẩu năm nay.
Không chỉ đối với Samsung mà đối với tất cả các nhà ĐTNN, Việt Nam đang cung cấp một môi trường đầu tư hấp dẫn như nguồn lao động dồi dào, tình hình chính trị xã hội ổn định, cơ sở hạ tầng sản xuất và lưu thông cùng các ưu đãi đầu tư. Về lâu dài, Việt Nam vẫn là điểm đầu tư hấp dẫn đối với các nhà ĐTNN. Nếu Việt Nam đồng thời vừa thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả vừa tăng cường các điều kiện thuận lợi để lưu thông, sản xuất, duy trì mạng cung ứng ổn định thì dự kiến ĐTNN sẽ tiếp tục được duy trì và tăng trưởng trong thời gian tới.
Theo ông Choi Joo Ho, việc duy trì mạng cung ứng toàn cầu của các khu công nghiệp là yếu tố thiết yếu vô cùng quan trọng đối với các DN đang vận hành các nhà máy sản xuất. Do đó, việc xây dựng chế độ bảo đảm sản xuất không bị gián đoạn trong bất cứ hoàn cảnh nào là điều rất cấp thiết.
Samsung đề xuất dù trong bất cứ hoàn cảnh bất thường nào thì dây chuyền sản xuất của các nhà máy cũng không dừng hoạt động và vẫn vận hành theo đúng phương châm hướng dẫn chuẩn và lộ trình đã được định sẵn. Nếu các tỉnh, nơi tập trung chủ yếu các khu công nghiệp có thể thống nhất được một phương châm chuẩn về phòng dịch để việc lưu thông vận chuyển người và hàng hóa được diễn ra thuận lợi thì có thể giảm thiểu thiệt hại trong các tình huống bất thường như dịch bệnh.
Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam Binu Jacob bày tỏ, tác động của đại dịch Covid-19 từ năm ngoái đến nay làm cho Nestlé bị thiệt hại nặng nề từ nhu cầu tiêu dùng giảm, vấn đề an toàn tại nơi làm việc, thiếu nhân công và nhất là đứt gãy chuỗi cung ứng. Trong một bối cảnh như thế, DN đã đề ra chiến lược gồm 3 ưu tiên chính, đó là: sự an toàn của nhân viên, bảo đảm tính liên tục trong kinh doanh; và thực hiện các chương trình và hoạt động hỗ trợ cộng đồng phòng, chống đại dịch.
Hơn hết, Nestlé tin tưởng vào tương lai của Việt Nam với vai trò là trung tâm sản xuất toàn cầu và khu vực và DN vẫn tiếp tục mở rộng các hoạt động đầu tư bền vững tại Việt Nam. Mặc dù có nhiều khó khăn, gần đây, Tập đoàn Nestlé vẫn quyết định tiếp tục đầu tư 132 triệu USD trong hai năm tại Việt Nam để tăng gấp đôi công suất sản xuất cà-phê hòa tan phục vụ xuất khẩu và để trở thành trung tâm sản xuất các thực phẩm dạng lỏng chuyên cung ứng cho thị trường xuất khẩu ở khu vực châu Á và Australia…
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định, Chính phủ Việt Nam luôn nhất quán tạo điều kiện thuận lợi cho DN có vốn ĐTNN, đẩy mạnh hoạt động thu hút đầu tư, phát triển kinh tế. Trong thời điểm khó khăn này, quan điểm đó càng được khẳng định. Con số thu hút ĐTNN chín tháng năm 2021 đã nói lên điều đó. Điều này đã thể hiện sự tin tưởng của nhà ĐTNN với môi trường ĐTKD tại Việt Nam và khẳng định tính hiệu quả trong giải pháp đồng hành, hỗ trợ mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt trong thời gian vừa qua. Chính phủ cho rằng những khó khăn, vướng mắc chỉ mang tính nhất thời.
Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã và đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh cũng như hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các DN thông qua nhiều nghị quyết, nghị định về miễn, giảm thuế, phí; giãn, hoãn các nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.
Thủ tướng Chính phủ đã thành lập hai Tổ công tác đặc biệt do hai Phó Thủ tướng làm Tổ trưởng để rà soát khó khăn, vướng mắc và tháo gỡ khó khăn cho DN và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư. Quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là DN là chủ thể, trung tâm; đầu mối giải quyết là các địa phương; Chính phủ, các bộ, ngành T.Ư sẽ đồng hành, tạo điều kiện hỗ trợ tốt nhất về cơ chế, chính sách để DN duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất.
Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có các cuộc gặp và làm việc với cộng đồng DN Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu và Hoa Kỳ tại Việt Nam để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đề ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh, được cộng đồng DN các nước này đánh giá hết sức tích cực và hiệu quả.
Vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp cùng Liên minh Diễn đàn DN Việt Nam (VBF), các hiệp hội DN thành viên tiến hành điều tra khảo sát hơn 500 tập đoàn, DN có vốn ĐTNN. Các DN đều đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc ứng phó dịch bệnh, bày tỏ sự lạc quan vào khả năng phục hồi kinh tế của Việt Nam và cam kết tiếp tục ĐTKD lâu dài tại Việt Nam.
Qua khảo sát, có 67% số DN châu Âu đánh giá tích cực về triển vọng môi trường ĐTKD tại Việt Nam. DN Nhật Bản bày tỏ sự lạc quan vào khả năng kinh tế Việt Nam phục hồi sớm trong năm 2021, trong đó 47% có kế hoạch mở rộng sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. DN Hàn Quốc đều có kế hoạch đầu tư mới tại Việt Nam. Phần lớn DN Hoa Kỳ đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, tin tưởng Việt Nam sẽ sớm khống chế dịch bệnh…
Theo Nhandan
Ý kiến ()