Kính tiềm vọng: Rạn nứt âm ỉ
Theo nhật báo tài chính Handelsblattthe, Đức, Italy, Thụy Điển và Tây Ban Nha đã ký thỏa thuận hợp tác sản xuất thế hệ xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) mới thay thế Leopard 2. Thỏa thuận này được đưa ra trong bối cảnh có thông tin cho rằng dự án phát triển xe tăng chung giữa Đức và Pháp đang trên bờ vực sụp đổ do những bất đồng giữa Berlin và Paris.
MBT là lực lượng quan trọng giúp bộ binh tăng cường hỏa lực trong tác chiến, do vậy chúng vẫn được nhiều nước đầu tư phát triển bất chấp các nhận định “cỗ máy chiến tranh” này đang dần lỗi thời. Hiện nay, môi trường và điều kiện tác chiến của chiến tranh hiện đại ngày càng biến đổi sâu sắc và thế giới đang chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của những dòng MBT hiện đại thế hệ mới. Với những đặc tính về chiến đấu và công nghệ, những mẫu xe tăng này sẽ là vũ khí chủ lực của quân đội các nước trong nhiều thập kỷ tới. Chúng không chỉ mạnh về hỏa lực mà còn có khả năng phòng vệ, cơ động cao, có thể tác chiến trên nhiều địa hình khác nhau.
Là quốc gia có truyền thống phát triển và sản xuất những mẫu xe tăng nổi tiếng thế giới, Đức từ lâu đã lên kế hoạch sở hữu một thế hệ MBT mới kế thừa những tinh túy bậc nhất của ngành chế tạo xe tăng phương Tây. Berlin kỳ vọng mẫu xe tăng này sẽ trở thành “con át chủ bài” của quân đội các nước châu Âu, đồng thời vươn ra thị trường thế giới.
Năm 2017, Đức cùng Pháp ký bản ghi nhớ về hợp tác chế tạo MBT mới thay thế các dòng MBT Leopard 2 của Đức và Leclerc của Pháp. Bộ Quốc phòng Đức từng ca ngợi loại xe mới sẽ là sự “thay đổi khái niệm công nghệ” về khí tài. Những chiếc xe này sẽ bảo đảm khả năng chiến đấu của quân đội hai nước với những thay đổi về bối cảnh địa chính trị, quân sự. Dòng xe tăng mới sẽ được áp dụng nhiều cải tiến kỹ thuật đột phá, bao gồm cả khả năng xuất hiện phiên bản không người lái. Hai bên dự kiến muộn nhất tới năm 2030 mẫu xe mới sẽ được chế tạo xong và có thể cung cấp cho thị trường quốc tế.
Thế nhưng, mâu thuẫn âm ỉ giữa hai đầu tàu châu Âu đã “bẻ lái” dự án này khỏi quỹ đạo vốn có. Ngay ở giai đoạn sơ khai, dự án chế tạo xe tăng mới đã chứng kiến những bất đồng giữa hai cường quốc châu Âu. Đầu tiên là về vấn đề quản lý vận hành. Các nhà sản xuất của Đức và Pháp tham gia vào dự án này không nhất trí được về việc ai sẽ đảm nhận vai trò nào. Nói một cách đơn giản, ai cũng muốn nắm vai trò lãnh đạo và không bên nào nhượng bộ.
Đức dự định sản xuất thế hệ xe tăng chiến đấu chủ lực mới thay thế Leopard 2. Ảnh: telegraph.co.uk |
Bên cạnh đó, theo trang Telegraph (Anh), kế hoạch chế tạo xe tăng còn bị bao vây bởi những tranh cãi về thông số kỹ thuật và tiến độ chậm chạp. Đến thời điểm hiện tại, hai bên chưa thống nhất được kế hoạch chi tiết để phát triển mẫu xe tăng mới. Pháp thiên về loại xe tăng hạng nhẹ với khả năng cơ động cao, dễ dàng vận chuyển ra nước ngoài để phục vụ các chiến dịch của Paris ở châu Phi. Trong khi đó, Đức muốn tập trung vào loại xe tăng bọc thép được trang bị lớp giáp dày dặn, có tỷ lệ sống sót cao – giống như Leopard 2 – nhằm chuẩn bị cho tình huống xung đột Ukraine lan rộng.Nếu trước kia dự án này từng được coi là chương trình phát triển MBT thế hệ mới quan trọng nhất ở châu Âu, thì nay nó là minh chứng cho mâu thuẫn âm ỉ tồn tại giữa hai cường quốc Pháp-Đức. Vào tháng 7 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng hai nước cho biết nỗ lực thống nhất quan điểm về mẫu xe tăng mới vẫn đang được tiến hành. Thế nhưng, chỉ hai tháng sau đó, Đức đã quyết định ký kết hợp tác với Italy, Thụy Điển và Tây Ban Nha trong một kế hoạch tương tự như với Pháp. Giới chuyên gia quân sự nhìn nhận, đây là dấu hiệu cho thấy Đức dường như không còn mặn mà với kế hoạch phát triển mẫu xe tăng chung với quốc gia láng giềng, hay có thể nói đây là bước thụt lùi trong hợp tác quốc phòng giữa Berlin và Paris.
Dự án phát triển xe tăng chung vốn được coi là bước quyết định nhằm loại bỏ sự đa dạng quá lớn về chủng loại vũ khí của châu Âu và làm cho “sự đoàn kết giữa hai nước Pháp-Đức” trở thành một yếu tố chủ chốt để củng cố liên minh phòng thủ châu Âu. Động thái chuyển hướng của Đức sẽ khiến dự án chung giữa hai nước ngày càng trở nên khó thực hiện, đồng thời báo hiệu những sóng gió mới đối với tham vọng củng cố liên minh phòng thủ châu Âu.
Nguồn:https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/vu-khi-trang-bi/ran-nut-am-i-742277
Ý kiến ()