Kinh tế Việt Nam và nguy cơ khủng hoảng "kép"
Việt Nam đang dần lún sâu vào quỹ đạo điển hình của một nền kinh tế hàm chứa rủi ro khủng hoảng ngân hàng đi liền với rủi ro khủng hoảng tiền tệ. Đây là một trong những nhận định từ Báo cáo Kinh tế thường niên Việt Nam năm 2011.Hôm nay (17/5), Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã họp báo công bố về Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam năm 2011 với chủ đề “Nền kinh tế trước ngã ba đường”. Đây là báo cáo hàng năm được VEPR thực hiện bắt đầu từ năm 2009 với sự hỗ trợ của Trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội và Bộ Phát triển Quốc tế (DFID) – Vương quốc Anh. Tâm điểm rủi ro là khu vực ngân hàng thương mại Báo cáo đã trình bày về những tồn tại, nguy cơ và khuyến nghị quan trọng cho nền kinh tế Việt Nam trong năm thứ 3 kể từ khi cuộc khủng hoảng kinh tế nổ ra cuối năm 2008. Theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, chủ biên báo cáo, kinh tế Việt...
Việt Nam đang dần lún sâu vào quỹ đạo điển hình của một nền kinh tế hàm chứa rủi ro khủng hoảng ngân hàng đi liền với rủi ro khủng hoảng tiền tệ. Đây là một trong những nhận định từ Báo cáo Kinh tế thường niên Việt Nam năm 2011.
Hôm nay (17/5), Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã họp báo công bố về Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam năm 2011 với chủ đề “Nền kinh tế trước ngã ba đường” . Đây là báo cáo hàng năm được VEPR thực hiện bắt đầu từ năm 2009 với sự hỗ trợ của Trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường ĐH Kinh tế – ĐH Quốc gia Hà Nội và Bộ Phát triển Quốc tế (DFID) – Vương quốc Anh.
Tâm điểm rủi ro là khu vực ngân hàng thương mại
Báo cáo đã trình bày về những tồn tại, nguy cơ và khuyến nghị quan trọng cho nền kinh tế Việt Nam trong năm thứ 3 kể từ khi cuộc khủng hoảng kinh tế nổ ra cuối năm 2008. Theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, chủ biên báo cáo, kinh tế Việt Nam năm 2011 có những đặc điểm khác so với các năm trước là tỷ lệ nợ công tăng cao, lãi suất cũng ở mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Trong khi đó, lòng tin và nỗ lực của doanh nghiệp và công chúng cũng đã giảm sút so với năm bắt đầu cuộc khủng hoảng kinh tế.
Theo báo cáo, tâm điểm nguy cơ rủi ro vĩ mô của Việt Nam hiện nay nằm trong khu vực ngân hàng thương mại. Do khu vực này chịu áp lực rủi ro từ hai khu vực lớn. Thứ nhất là khu vực doanh nghiệp, trong đó hệ thống doanh nghiệp nhà nước với những tiềm ẩn rủi ro tài chính đóng vai trò chủ chốt. Thứ hai là khu vực thị trường, trong đó thị trường bất động sản và giá cả bị kìm giữ ở mức cao (bong bóng) trong một thời gian dài tích tụ những nguy cơ tiềm tàng.
Đây là nguyên nhân khiến khoảng cách tiết kiệm – đầu tư của nền kinh tế ngày càng mở rộng, mà cốt lõi là khoảng cách tiết kiệm – đầu tư trong khu vực công (thâm hụt ngân sách). Điều này tất yếu đi liền với thâm hụt cán cân vãng lai, dẫn tới hiện tượng “thâm hụt kép” kinh niên. Những mất cân đối đó khiến kinh tế trở nên dễ tổn thương trước các cú sốc bên ngoài, mà nguy cơ trực tiếp là các cuộc khủng hoảng tiền tệ.
Kết quả là, Việt Nam đang dần lún sâu vào quỹ đạo điển hình của một nền kinh tế hàm chứa rủi ro khủng hoảng ngân hàng đi liền với rủi ro khủng hoảng tiền tệ (khủng hoảng đôi). Rủi ro về khủng hoảng nợ là chưa rõ ràng, nhưng có thể sẽ diễn biến rất nhanh khi hệ thống tài chính và ngân hàng lâm vào khủng hoảng, buộc Chính phủ phải đứng ra giải cứu trong khi nguốn thu suy giảm, khiến ngân sách cạn kiệt trong thời gian ngắn.
Đứng trước những rủi ro này, một trong những khuyến nghị của nhóm tác giả là nên thay đổi tư duy cho rằng các tập đoàn kinh tế nhà nước sẽ là trụ cột cho phát triển kinh tế lâu dài, vì điều này mẫu thuẫn với sự phát triển của kinh tế thị trường và hội nhập toàn cầu. Nhà nước cần thu gọn các hoạt động kinh tế vào các hoạt động phúc lợi nhiều hơn là kinh doanh.
Để giảm sức ép lên chi ngân sách, Nhà nước cần rút khỏi hoạt động kinh tế một cách vững chắc thông qua cổ phần hoá. Mục tiêu không hẳn là để tăng thu ngân sách mà thực chất còn là để giảm sức ép chi ngân sách trong tương lai, hoặc những rủi ro liên quan đến tài chính (ví dụ như sự phá sản, làm ăn kém hiệu quá, nợ xấu… của các doanh nghiệp nhà nước luôn đòi hỏi sự giải cứu lớn của chính phủ).
Hai kịch bản cho nền kinh tế
Dự báo về kinh tế Việt Nam năm 2011, báo cáo cho rằng có hai kịch bản cho nền kinh tế. Thứ nhất là nếu chính sách tiền tệ được thắt chặt một cách “kiên nhẫn” đến hết năm, đi liền với giảm chi đầu tư công nghiêm khắc thì tăng trưởng có thể đạt 6,2% kèm theo lạm phát 15,5%.
Kịch bản thứ hai là lạm phát có thể lên trên 18% nếu Chính phủ không đủ quyết liệt duy trì chính sách chống lạm phát (đã thường xảy ra vài năm gần đây, do sức ép của doanh nghiệp và thiếu kiên nhẫn trong thắt chặt tiền tệ). Mặc dù tăng trưởng cao hơn, khoảng 6,5%, nhưng hiệu ứng tăng trưởng sẽ không đáng kể bởi sự bất ổn trong năm 2011 đã trực tiếp tác động đến chất lượng tăng trưởng.
Nhóm tác giả đặc biệt lưu ý ở kịch bản thứ hai hàm chứa những rủi ro vĩ mô to lớn và khả năng lạm phát vượt ra ngoài tầm kiểm soát là rất cao.
Báo cáo này đã nhận được nhiều sự góp ý và khen ngợi của nhà quản lý, các chuyên gia kinh tế hàng đầu của cả trong và ngoài nước. Trong đó ông Trương Đình Tuyển (Uỷ viên Hội đồng Chính sách Tiền tệ Quốc gia), PGS.TS Võ Đại Lược (Tổng giám đốc Trung tâm Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương, Uỷ viên Hội đồng Chính sách Tiền tệ Quốc gia), TS Võ Trí Thành (Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương)…. Dự kiến sau khi nhận được những ý kiến đóng góp và chỉnh sửa, báo cáo sẽ sớm được chính thức ấn bản.
Theo Vnmedia.vn

Ý kiến ()