Kinh tế Việt Nam phục hồi theo kịch bản nào?
Quý II năm 2023, GDP Việt Nam tăng 4,14%, tính chung 6 tháng đầu năm, GDP tăng 3,72%, chỉ cao hơn tốc độ tăng 1,74% của 6 tháng đầu năm 2020 trong giai đoạn 2011-2023. Đây là mức tăng trưởng thấp, thách thức mục tiêu tăng trưởng 6,5% của Quốc hội đề ra cho năm 2023.
Quý II năm 2023 cũng tiếp tục chứng kiến sự suy giảm của xuất nhập khẩu. Đặc biệt, đây là giai đoạn tình hình xuất nhập khẩu suy giảm sâu hơn cả giai đoạn khủng hoảng tài chính thế giới 2008-2009, lên tới 2 con số. Trong khi đó, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục có những diễn biến phức tạp, đặc biệt là cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đang gây ảnh hưởng lớn tới sự phục hồi của các nền kinh tế lớn sau đại dịch Covid-19. Từ đó, ảnh hưởng sâu sắc tới nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam.
Nhằm phản ánh những khó khăn của nền kinh tế Việt Nam, xác định thời điểm nền kinh tế Việt Nam “chạm đáy”, dự báo mô hình hồi phục của nền kinh tế Việt Nam và đề xuất những giải pháp phục hồi nền kinh tế, Báo Quân đội nhân dân Điện tử đã ghi nhận ý kiến của 5 chuyên gia kinh tế, gồm: Ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam; ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình; ông Lê Hoàng Anh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai; TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương; TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR).
Ảnh minh họa. Nguồn: qdnd.vn
Kỳ I: Kinh tế Việt Nam đã phơi bày những vấn đề lớn
Đại dịch Covid-19 kéo dài 2 năm, tiếp đến là cuộc khủng hoảng lãi suất, lạm phát phi mã ở những nền kinh tế hàng đầu thế giới, những bất ổn về chính trị trên phạm vi toàn cầu… đã khiến nền kinh tế Việt Nam suy giảm nặng nề. Cũng từ đó, những vấn đề lớn của kinh tế Việt Nam đã phơi bày rõ nét. Cụ thể, đó là những vấn đề gì?
Ông Phan Đức Hiếu: Nền kinh tế Việt Nam năm 2023 đã đi được hơn nửa chặng đường với những nét thăng trầm đậm nét. Bối cảnh khó khăn hiện nay khác rất nhiều so với những thời điểm khó khăn trước đây. Doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng bởi những khó khăn trong và ngoài nước, tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 cùng những biến động về địa chính trị thế giới.
Đặc biệt, sự cạnh tranh thu hút đơn hàng giữa các nước rất gay gắt. Một số chính sách toàn cầu mới về tăng trưởng xanh tạo ra khó khăn cho doanh nghiệp, như cơ chế đánh thuế CO2 đối với sản phẩm.
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình. Ảnh: VPQH
Sức chống chịu của doanh nghiệp tiếp tục bị bào mòn vì khó khăn liên tục, kéo dài. Bên cạnh đó còn xuất hiện tình trạng đùn đẩy, sợ trách nhiệm, không dám quyết định. Tình hình này ảnh hưởng không chỉ đến hoạt động kinh doanh, còn đến tinh thần kinh doanh của doanh nghiệp.
Số liệu thống kê cho thấy, chỉ số về doanh nghiệp gia nhập thị trường tháng 7 vẫn chưa vượt qua được con số của tháng trước, thậm chí cũng không cao hơn chỉ số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Xuất nhập khẩu giảm trong 7 tháng năm 2023. Ảnh: Tổng cục Thống kê |
Ông Lê Hoàng Anh: Việt Nam là quốc gia có độ mở của nền kinh tế rất lớn. Do đó, trong thời gian vừa qua, Việt Nam ngoài việc đối mặt với khó khăn, yếu kém nội tại thì còn bị tác động cộng hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19 và diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới, xung đột giữa Nga và Ukraine, mối quan hệ căng thẳng giữa Nga với Mỹ và phương Tây làm cho khó khăn, thách thức tăng lên nhanh chóng, đa chiều, trực diện và trực tiếp hơn…
Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 3,72% (quý I đạt 3,28%; quý II đạt 4,14%), đều gần như thấp nhất so với cùng kỳ 11 năm vừa qua, chỉ cao hơn cùng kỳ năm 2020 là năm ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 và thấp hơn 2,48 điểm phần trăm so với kế hoạch.
Ông Lê Hoàng Anh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai. Ảnh: VPQH |
Trong đó, các ngành công nghiệp với tốc độ tăng giá trị tăng thêm chỉ đạt 0,44%. Đáng lưu ý là công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ đạt tốc độ khiêm tốn với giá trị tăng thêm 6 tháng ước tăng 0,37%; ngành khai khoáng giảm 1,43%; xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo (như linh kiện điện tử, dệt may, da giày…) sụt giảm mạnh, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng cùng kỳ năm 2022 do thiếu hụt đơn hàng nước ngoài.
Cùng với đó, đến nay, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản còn rất yếu, chưa phục hồi, có lĩnh vực tiêu cực lại tăng hơn: Nợ xấu ngân hàng tăng lên khoảng 3,7% – cao hơn nhiều so với năm 2022; nợ xấu của doanh nghiệp tăng nhanh, đến nay là khoảng hơn một triệu tỷ đồng nợ trái phiếu, trong đó có gần 40.000 tỷ đồng quá hạn.
Tốc độ tăng GDP 6 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm trước qua các năm. Ảnh: Tổng cục Thống kê |
Trong 7 tháng đầu năm 2023, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động giảm; doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tăng; bình quân một tháng có 16,2 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường…
Ông Shantanu Chakraborty: Có nhiều thách thức, nhưng cũng phải nhìn nhận rằng thách thức lớn nhất hay không là do chủ quan, vì luôn có cơ hội khi chúng ta tìm cách giải quyết thách thức đó. Trước môi trường kinh tế toàn cầu đầy bất ổn, Việt Nam cần phải thận trọng trong việc xử lý các vấn đề khác nhau. Ví dụ, đối với các yếu tố bên ngoài: Nhu cầu giảm do suy giảm kinh tế toàn cầu, cũng như tái cấu trúc chuỗi cung ứng và mạng lưới sản xuất trong một số ngành mà Việt Nam có kết nối tốt như điện tử, may mặc và da giày.
Điều này gây áp lực lên lĩnh vực sản xuất phục vụ xuất khẩu của Việt Nam, chiếm khoảng 3/4 kim ngạch xuất khẩu. Ngoài ra còn có những áp lực đối với môi trường tiền tệ, nơi lãi suất ngoại tệ cao và sự biến động của thị trường tài chính có thể gây rủi ro cho các chính sách tiền tệ và ngoại hối của đất nước.
Đối với các yếu tố trong nước: Sản xuất công nghiệp chững lại dẫn đến cầu đầu tư tư nhân và tiêu dùng yếu hơn, trong khi chi tiêu Chính phủ cho đầu tư công không tăng nhanh như mong muốn. Nửa đầu năm giải ngân vốn đầu tư công mới đạt hơn 20% kế hoạch năm.
Ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam. Ảnh: Thị trường tài chính tiền tệ |
Điều quan trọng là chúng ta nhìn nhận rõ các yếu tố tích cực để khuyến khích và cải thiện, cũng như các rủi ro tiềm ẩn cần phải theo dõi và đề phòng. Yếu tố tích cực: Các yếu tố trong nước cải thiện, chủ động ứng phó chính sách, việc thực thi chính sách có thể được cải thiện để tác động thêm. Rủi ro tiềm ẩn cần đề phòng: Các yếu tố bên ngoài, như nhu cầu và những thay đổi trong chính sách tài khóa quốc tế, cần được theo dõi chặt chẽ.
TS Lê Đăng Doanh: Việt Nam không chỉ đối mặt với đại dịch Covid-19 mà còn đối mặt với nhiều thách thức của kinh tế thế giới như tác động của cuộc đối đầu Mỹ – Trung Quốc, xung đột Nga – Ukraine và tác động của biến đổi khí hậu; lạm phát kinh tế ngày càng cao, sự tăng trưởng thấp.
TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương. |
Trong khi đó, kinh tế Việt Nam là một nền kinh tế rất mở vì vậy những tác động của thế giới chắc chắn đã, đang và sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến hầu hết mọi mặt của đời sống xã hội cũng như nền kinh tế. Thêm vào đó, cán cân thương mại của Việt Nam có thể sẽ không được tích cực như kỳ vọng vì chi phí nhập khẩu dầu tăng cao và có khả năng xuất khẩu giảm do sự thiếu hụt của nguyên phụ liệu trong sản xuất các mặt hàng điện tử. Hay cuộc đối đầu Mỹ – Trung Quốc cũng gây tác động tới thị trường tài chính – tiền tệ Việt Nam.
Đứng trước những thách thức khách quan, kinh tế Việt Nam rõ ràng đã bị ảnh hưởng sâu sắc thông qua các số liệu thống kê về tốc độ tăng trưởng kinh tế. Giai đoạn 2015-2019, kinh tế của Việt Nam đạt mức tăng trưởng khá, bình quân mỗi năm tăng 7,09% nhưng năm 2020 và năm 2021 chỉ đạt mức 2,87% và 2,56% do tác động của dịch Covid-19.
TS Nguyễn Quốc Việt: Nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp Việt nam đã bị tác động rất mạnh từ các yếu tố tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, cộng hưởng với làn sóng lãi suất dâng cao và biến động chính trị khó lường của năm 2022, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và các động lực tăng trưởng của Việt Nam, nhất là vào cuối 2022 và nửa đầu 2023.
Trong năm 2023, sự suy giảm kinh tế toàn cầu khiến tổng cầu thế giới nói chung đều sụt giảm, lại thêm các thách thức từ chuyển đổi mô hình kinh tế hậu Covid-19, các xu hướng dịch chuyển thương mại, đầu tư và áp lực cạnh tranh toàn cầu gia tăng, khiến lợi thế cạnh tranh kinh tế đối ngoại, nhất là ở xuất khẩu các mặt hàng chủ lực và truyền thống của Việt Nam gặp khó khăn trong thời gian qua.
TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội. |
Sự phục hồi kinh tế nói chung và phát triển doanh nghiệp nói riêng còn chịu thách thức nghiêm trọng do nền lãi suất cho vay trong nước neo rất cao đã bào mòn mọi nỗ lực phục hồi của doanh nghiệp và nền kinh tế. Áp lực tài chính đã xuất hiện từ cuối năm 2022 và bước sang năm 2023 tiếp tục tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong thời gian tới sẽ còn gặp nhiều khó khăn do những biến động khó đoán định của tỷ giá và lãi suất trên thế giới, của chi phí đầu vào các nguyên liệu cơ bản, thị trường sụt giảm trong khi điều kiện và rào cản phi thương mại tăng khiến nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm sản xuất, giảm lao động…
Tuy kinh tế đối ngoại có những đóng góp quan trọng vào tăng trưởng giai đoạn trước và trong Covid-19, nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề về chất lượng tăng trưởng, đặc biệt là sự đóng góp, tham gia của Việt Nam vào chuỗi giá trị sản xuất còn hạn chế.
Trước hết là kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam mặc dù có sự tăng trưởng tích cực trong thời gian qua, song khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn là lực lượng chủ yếu đóng góp đến hơn 70% vào kết quả xuất khẩu. Lợi thế cạnh tranh trong sản xuất và thương mại quốc tế của Việt Nam nói chung vẫn dựa trên lợi thế về giá cả là chính, nhờ các chính sách ưu đãi, miễn giảm thuế và lợi thế truyền thống về giá nhân công trong lĩnh vực sản xuất gia công – lắp ráp duy trì ở mức thấp, chứ không phải dựa vào việc nâng cao giá trị của chuỗi sản xuất, nhất là giá trị gia tăng từ cấu phần sản xuất trong nước.
Đồng thời với các khó khăn khách quan, còn có những bất cập trong công tác điều hành, quản lý và thực thi chính sách, pháp luật dẫn đến niềm tin vào môi trường kinh doanh giảm sút. Mặc dù từ đầu năm 2023 đến nay, Chính phủ và các bộ ngành cũng đã cố gắng trong việc giải quyết các bất cập về môi trường đầu tư- kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tuy nhiên những bất cập và yếu kém về môi trường thể chế, pháp luật vẫn là một rào cản rất lớn cho sự hoạt động bình thường của doanh nghiệp cũng như là người dân, từ đó tạo những phí tổn hữu hình và vô hình. Đồng thời, làm giảm hiệu quả và hiệu lực thực thi chính sách, thậm chí là yếu tố khiến các cơ quan, cán bộ công chức nhà nước sợ và né tránh trách nhiệm, không dám nghĩ, dám làm, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường xã hội nói chung, kinh tế nói riêng, bào mòn mọi nỗ lực phục hồi tăng trưởng của nhà nước cũng như doanh nghiệp.
Nguồn:https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/kinh-te-viet-nam-phuc-hoi-theo-kich-ban-nao-739738
Ý kiến ()